CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

PHÁT HUY "SỨC MẠNH MỀM" VĂN HÓA VIỆT NAM

 

Văn hóa là tất cả những giá trị vật thể do con người sáng tạo ra trên nền của thế giới tự nhiên. Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Văn hóa bao gồm tất cả những sản phẩm của con người, và như vậy, văn hóa bao gồm cả hai khía cạnh: khía cạnh phi vật chất của xã hội như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị và các khía cạnh vật chất như nhà cửa, quần áo, các phương tiện, v.v...

Việt Nam là một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, trải qua những biến đổi, thăng trầm, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc.  Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày truyền thống. “Hiện nay, cả nước có tới 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 tổng di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 1.626 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (riêng Hà Nội có 21 lễ hội); 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới” (riêng tỉnh Bắc Ninh đã có 2 di sản văn hóa thế giới là Dân ca quan họ và Ca trù)... Đó là một tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy; nếu không sẽ có tội với lịch sử.

Nền văn hóa Việt Nam có hệ giá trị và bản sắc riêng, không bị đồng hóa bởi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Hệ giá trị và bản sắc đó đã tạo nên “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia (về chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, con người, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…) thì nguồn lực văn hóa đang được nhiều quốc gia coi là một sức mạnh mềm quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị trí, vai trò trên trường quốc tế. Đảng yêu cầu, cần khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới.

Thuật ngữ “sức mạnh mềm”, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” lần đầu tiên xuất hiện trong Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Để phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam hiện nay, trước hết, cần đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, bởi đây là cội rễ của "sức mạnh mềm" văn hóa quốc gia. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa đương đại phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, tiến bộ để tiếp tục gia tăng thêm cơ tầng "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam và lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Cần tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng, thường xuyên, liên tục và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta và nhân dân thế giới; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thâm nhập sâu rộng, bền chặt trong đời sống tinh thần của xã hội, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; có thêm nhiều hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Tổ chức tuyển chọn, biên dịch, xuất bản các tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu tiểu sử, sự nghiệp và trước tác của các danh nhân lịch sử, văn hóa, quân sự tiêu biểu của dân tộc ta..., làm lan tỏa, củng cố giá trị văn hóa Việt Nam trong lòng nhân dân thế giới.

VTK-H1

0 nhận xét: