CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP MÃI XỨNG ĐÁNG LÀ ÁNG THIÊN CỔ HÙNG VĂN THỜI ĐẠI MỚI

 

Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam và lịch sử tư tưởng nhân loại, hiếm có văn kiện chính trị nào lại tích hợp ở đỉnh cao tinh hoa trí tuệ, đồng thời mang giá trị bền vững như bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và công bố vào ngày 2/9/1945 - Ngày Quốc khánh của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc không những có giá trị to lớn đối với cách mạng Việt Nam giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc và còn trường tồn mãi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và thay mặt Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam tuyên đọc trước hàng chục vạn quốc dân, đồng bào và toàn thế giới tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945 - Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Chấm dứt những năm trường nô lệ, áp bức, bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Việt Nam thể hiện sâu sắc ý chí, khát vọng của nhân dân ta về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc; thể hiện trí tuệ sắc sảo, tư duy lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”; “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Với lập luận này, Người đi đến khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Từ việc đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ thiên tài, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc. Và vì thế, mỗi người dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam đều có những quyền chính đáng ấy; không ai có thể tước đoạt được; và nếu bị tước đoạt, cả dân tộc sẽ kiên cường, đoàn kết, kiên trì chiến đấu để giành lại và quyết tâm bảo vệ.

77 năm qua, đặc biệt là sau hơn 35 năm đất nước thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc. Đó cũng là khát vọng, mục tiêu, lý tưởng mà mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều hướng đến.

                                            LĐT – H8

 

0 nhận xét: