Di sản Hồ Chí
Minh là toàn bộ tài sản tinh thần và vật chất mà Người đã tạo ra và để lại cho
Đảng và nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh là sự kết tinh văn hóa dân tộc Việt Nam
và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Các yếu tố: Thời đại, tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh.
Trong con người
Hồ Chí Minh, có phẩm chất của Thánh, có Tâm của Phật, có trí tuệ của Mác và
Lê-nin, có đầu óc thiết thực của Tôn Trung Sơn, lại có cả tâm hồn Nguyễn Trãi
và Nguyễn Du nữa. Như vậy, Hồ Chí Minh là sự kết tinh và thăng hoa những gì ưu
tú nhất, tốt đẹp nhất của dân tộc và thế giới nhân loại. Hồ Chí Minh, ở tầm vóc
văn hóa và nhân cách lớn, là bậc Đại Trí, Đại Nhân, Đại Dũng. Phạm Văn Đồng, một
trong những học trò kiệt xuất của Hồ Chí Minh đã nhận xét về Người: “Hồ Chí
Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng
mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”.
Di sản Hồ Chí
Minh là tổng hợp từ toàn bộ hệ thống tư tưởng, từ thực tiễn hoạt động cách mạng
và từ đạo đức, nhân cách mẫu mực của Người có ảnh hưởng quan trọng, tích cực tới
mỗi người dân Việt Nam và các dân tộc khác trên toàn thế giới đang đấu tranh
cho độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Di sản Hồ Chí
Minh nổi bật dòng tư tưởng chủ đạo “ĐLDT và CNXH”, “ĐLDT gắn liền với CNXH” –
Phát kiến vĩ đại này đã mở ra ở Việt Nam một thời đại lịch sử oanh liệt, thời đại
Hồ Chí Minh, hòa trong dòng lớn của thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên thế
giới, được mở ra từ sau thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga.
Di sản Hồ Chí
Minh sống động bởi tấm gương đạo đức cao cả, vừa là tư tưởng đạo đức học Mác
xít của Việt Nam hiện đại vừa là tấm gương đạo đức và thực hành đạo đức mẫu mực
của Người với các chuẩn mực giá trị: C-K-L-C và các nguyên tắc ứng xử: Chí công
- vô tư”.
Di sản Hồ Chí
Minh là tổng hợp tất cả hệ thống tư tưởng lý luận của Người, thể hiện các quan
điểm, nguyên tắc, phương pháp của Người - với tư cách nhà tư tưởng Mác xít sáng
tạo - định hình thành đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam,
có ảnh hưởng không chỉ tới cách mạng Việt Nam mà còn góp phần phát triển sáng tạo
chủ nghĩa Mác-Lênin, làm phong phú thêm kho tàng lý luận của phong trào cách mạng
thế giới. Di sản Hồ Chí Minh còn là hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú của
Người trong hơn 6 thập kỷ đấu tranh cách mạng, từ lúc tìm đường cứu dân cứu nước,
chọn đường và nhận đường đến khi tìm thấy con đường cách mạng khi giác ngộ chủ
nghĩa Mác-Lênin, theo đuổi đến cùng lý tưởng và mục tiêu CNXH và CNCS, sáng lập
ra Đảng, Nhà nước, Mặt trận, quân đội và các đoàn thể cách mạng, tổ chức lực lượng,
gây dựng phong trào, đào tạo huấn luyện cán bộ, thực hành triết lý Thân dân và
Chính tâm trong đạo làm người, phát triển từ Thân dân tới Dân chủ, từ chính tâm
đến đạo đức cách mạng, đấu tranh chống CNCN – giặc nội xâm, giặc ở trong lòng,
trau dồi đạo đức cách mạng để suốt đời là đầy tớ, là công bộc trung thành, tận
tụy của nhân dân.
Hiện nay, các
Khu di tích, Bảo tàng Hồ Chí Minh nhằm phát huy giá trị tinh thần vô giá mà Người
để lại. Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, như: Phủ Chủ tịch, Lăng Bác Hồ,
Khu Di tích Kim Liên - Nghệ An, khu di tích Pắc Bó - Cao Bằng, Bến cảng Nhà Rồng…
đã trở thành nơi hội tụ tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đối với
Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Nhiều tượng
đài, các khu tưởng niệm, bảo tàng, công viên, đường phố… mang tên Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã ra đời ở nhiều nước trên thế giới.
Lãnh tụ
Cu Ba, Phi đen Catstơ rô Ru giơ đã đánh giá về Người: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc
về một lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt”.
Đối với nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, mục tiêu và sự nghiệp
giành độc lập dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu đã khơi dậy
khát vọng giải phóng cho tất cả các dân tộc thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh tha
thiết với độc lập, tự do của dân tộc mình, vì vậy cũng rất trân trọng độc lập,
tự do của các dân tộc khác./.
THH-H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét