Ngày 16-9, Bộ Chính trị quyết định thi
hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025; đình
chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Ban Chấp hành
Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh
ủy Hải Dương. Sau đó 1 ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết
định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Phạm
Xuân Thăng để phục vụ điều tra, làm rõ hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn
trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Việc xem xét xử lý đối với cán bộ, lãnh đạo
vi phạm đã được các cơ quan chức năng triển khai một cách đồng bộ. Đồng thời,
thông qua việc xử lý người đứng đầu Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025, một lần
nữa chúng ta thấy rõ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đang
được tiến hành hết sức quyết liệt, nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại
lệ. Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá đất nước, các đối tượng xấu, chống đối lại
cố tình xuyên tạc, bẻ lái, đánh võng thông tin, rêu rao cho rằng “Việt Nam càng
chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều”. Và từ đây, một lần nữa các đối tượng
làm “nóng” dư luận, tái diễn luận điệu quy chụp cho rằng “tham nhũng là do thể
chế chính trị một Đảng cầm quyền gây ra”, “Việt Nam không bao giờ có thể chống
tham nhũng thành công nếu không thay đổi chế độ”.
Bằng những thông tin này, các đối tượng xấu
đã lừa dối người dân về tình hình tham nhũng hiện nay; phủ nhận những kết quả
tích cực Việt Nam đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực; kích động sự hoài nghi, thiếu niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự
lãnh đạo của Đảng.
Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực,
xâm phạm đến nguồn lực quốc gia, làm lung lay niềm tin của nhân dân với sự lãnh
đạo của Đảng, Nhà nước, tác động tiêu cực đến sự ổn định và an ninh xã hội, gây
tổn hại đến phát triển bền vững của chế độ. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước Việt
Nam luôn xác định tham nhũng là “giặc nội xâm” nguy hiểm và kiên quyết đấu
tranh với tất cả hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XI (năm 2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư
làm Trưởng ban chỉ đạo. Trong 10 năm từ thời điểm Ban chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng được thành lập, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi
hành kỷ luật hơn 7.390 đảng viên do tham nhũng; Trung ương, Bộ Chính trị, Ban
Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung
ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ
quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi
tố, điều tra 19.546 vụ/ 33.868 bị can về các tội kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực trên cả nước, bảo đảm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang
thông suốt”, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã
thông qua chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, có 50 cán bộ diện Trung ương quản
lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; cơ quan tố tụng đã khởi
tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Việc đẩy mạnh xử lý hành vi tham nhũng nêu
trên không phải là “càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều”, “Việt Nam
không bao giờ có thể chống tham nhũng thành công” như luận điệu các đối tượng xấu,
cơ hội chính trị cố tình lan truyền. Những số liệu nêu trên là các “con số biết
nói” thể hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đạt được những
kết quả hết sức quan trọng và đang đi đúng hướng. Trả lời câu hỏi vì sao số vụ
việc, vụ án tham nhũng bị đưa ra xử lý thời gian qua gia tăng, chúng ta cần có
cái nhìn khách quan, toàn diện.
Đó là do việc đấu tranh, xử lý tham nhũng
được thực hiện kiên quyết, không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Rất nhiều vụ việc,
vụ án sai phạm xảy ra cách đây đã lâu nhưng đến hiện tại, khi đủ căn cứ chứng
minh sai phạm vẫn đưa ra xử lý theo quy định. Đơn cử, trong vụ án “Thiếu trách
nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sai phạm mua nguyên liệu sản xuất
thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate phòng, chống dịch cúm
A/H5N1 vào năm 2006, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang mặc dù đã nghỉ hưu từ
năm 2013 nhưng đến cuối tháng 12-2021 vẫn bị Ban Bí thư cách chức tất cả chức vụ
trong Đảng do buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm, kiểm tra. Tiếp đó, đến
tháng 3-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ
án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với ông Quang.
Mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống
tham nhũng rất quyết liệt nhưng “một số trường hợp chưa biết sợ”, tình hình
tham nhũng vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, phải “xử lý một vụ để
răn đe, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng
ta thẳng thắn chỉ rõ: “Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành
chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực,
địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi,
gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn
vong của Đảng và chế độ ta”. Để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước,
chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh chống tham nhũng, bảo đảm
phòng, chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, toàn diện, đi vào chiều sâu, với
quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tham nhũng tồn tại ở tất cả quốc gia trên
thế giới. Nằm trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng trên toàn cầu, Công ước Liên
hợp quốc về phòng, chống tham nhũng năm 2003 khẳng định: “Ngăn ngừa và xóa bỏ
tham nhũng là trách nhiệm của các quốc gia và rằng các quốc gia phải cùng nhau
hợp tác, với sự hỗ trợ và tham gia của các cá nhân và các nhóm ngoài khu vực
công như xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng nếu
nỗ lực của họ trong lĩnh vực này có hiệu quả”. Do vậy, những thông tin, luận điệu,
quan điểm đổ lỗi cho rằng “tham nhũng là do thể chế chính trị một Đảng cầm quyền
gây ra”, “Việt Nam không bao giờ có thể chống tham nhũng thành công nếu không
thay đổi chế độ” là hoàn toàn sai sự thật, vô căn cứ, cần phải kiên quyết loại
bỏ./.
TVH-H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét