Tính thực tiễn là một phương pháp
luận trong nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII. Điều đó có
nghĩa là Nghị quyết của Đảng được phản ánh, khái quát từ thực tiễn nước ta, từ
các địa phương, cơ quan, đơn vị, bộ ngành, lĩnh vực hoạt động và tất yếu, “Nghị
quyết - đường lối - lý luận” sẽ quay trở về chỉ đạo thực tiễn để đạt được mục
đích và hiệu quả như mong muốn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đây
cũng chính là bản chất đích thực của đường lối đúng đắn. Vì vậy, nghiên cứu,
học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII cần thấy rõ tính thực tiễn trong
từng quan điểm, tư tưởng của Đảng; thấy rõ đây là “sự hội tụ đậm đặc” của mối
quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội: Tồn tại xã hội của Việt Nam và
đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam - mối quan hệ không thể
tách rời và đã trở thành quy luật của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan
trọng của đường lối lãnh đạo của Đảng đối với quốc gia, dân tộc, và chỉ “độc
lập về đường lối” thì đường lối đó mới thật sự đi vào cuộc sống, thật sự là
phương hướng chính trị của đất nước nhằm thực hiện mục tiêu, con đường mà Đảng,
Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa
xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với những kinh
nghiệm sâu sắc được rút ra từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã quán
triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin
và với tinh thần "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự
thật, bám sát thực tiễn của đất nước”1…Vì vậy, mọi quan điểm, chủ trương,
giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều là sự tổng kết thực tiễn
từ các địa phương, cơ quan, đơn vị trong cả nước và sự đóng góp tâm huyết của
hàng triệu lượt ý kiến vào dự thảo các Văn kiện.
Nghị quyết Đại hội XIII đã tiếp tục
khẳng định năng lực phân tích, dự báo tình hình một cách khách quan trên cơ sở
thực tiễn. Đảng ta dự báo sâu sắc về tình hình thế giới, khu vực, trong nước
trên cơ sở khoa học đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng lại
hết sức biện chứng, không giáo điều để phân tích các dữ liệu từ tình hình thực
tiễn, quan hệ giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Với tư duy tầm nhìn
và định hướng phát triển, Đảng ta đã dự báo tình hình thế giới và đất nước
những năm sắp tới một cách toàn diện, ngắn gọn nhưng tổng quát được thời cơ và
thách thức, thuận lợi và khó khăn, đặc biệt, nhấn mạnh những mâu thuẫn vốn có
giữa các nước, các nhóm lợi ích; sự xuất hiện những thuộc tính mới trong dự
báo, đánh giá mang đậm nét những gì đang diễn ra, chẳng hạn: “Chủ nghĩa dân tộc
cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ
quốc tế gia tăng”2.
Văn kiện Đại hội XIII là sự tổng
kết thực tiễn sâu sắc về quá trình đổi mới đất nước. Để thực hiện mục tiêu,
khát vọng hùng cường “sánh vai với các cường quốc năm châu” mà trong nửa đầu
của thế kỷ XXI chúng ta sẽ phấn đấu giải quyết căn bản những mục tiêu, nhiệm vụ
cụ thể. Đảng ta rất coi trọng phát huy nguồn lực, động lực từ thực tiễn và
những bài học kinh nghiệm qua 35 năm đổi mới đất nước. Những động lực từ sức
mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước, sự cần cù, thông minh sáng tạo,
động lực từ văn hóa. Thấy rằng, Văn kiện Đại hội XIII thể hiện tư duy đổi mới,
độc lập, sáng tạo của Đảng ta trong việc xác định mục tiêu, phương hướng của
đất nước trong những năm tới; đồng thời, khắc phục triệt để sự giáo điều mà
thời kỳ trước đổi mới có lúc chúng ta đã vướng phải.
Mọi lý luận khoa học đều được khái
quát từ thực tiễn, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là mẫu mực của tư duy tổng
kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để Đảng ta đi đến một kết luận: “Nhìn lại 35
năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn
thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to
lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước
đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về
vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được
cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”1.
NTL-H2
1
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.64.
2
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội 2021, tr.106.
1
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội 2021, tr.103 - 104.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét