CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

MỘT ĐỜI MINH BẠCH

 

Bác Hồ với chiếc áo kaki bạc màu, đôi dép cao su, lối sống tiết kiệm, gần gụi với thiên nhiên… tất cả đã tạo nên con người Hồ Chí Minh vĩ đại với phong cách sống bình dị, thanh bạch, dành cả đời cho Nước cho Dân!

Từ trang phục của Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai bộ quần áo được anh em giúp việc đặt tên là “bộ kháng chiến”, “bộ kaki vàng”. “Bộ kháng chiến” được may từ khi Bác lên Việt Bắc và Bác đã mặc trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Ngoài hai bộ trên, Bác còn một bộ quân phục màu xanh, một bộ lụa Hà Đông màu gụ.

Trong đó, bộ quần áo kaki vàng hay được Bác thường mặc khi tiếp khách, khi thăm các địa phương trong nước khi tiết trời se lạnh, đi thăm các nước anh em, bạn bè, dự các hội nghị, các cuộc họp của Trung ương Đảng và Chính phủ.

Giờ đây, khi xem lại những thước phim tư liệu, chúng ta cũng bắt gặp những hình ảnh giản dị của Bác, với bộ quần áo gụ Người vẫn mặc khi làm việc và nghỉ ngơi ở nhà. Người cũng nhiều lần mặc bộ quần áo này khi đi thăm và động viên, đi dự một số hội nghị trong những năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch từ năm 1954 đến năm 1969. Ngay trong bộ phim tư liệu “Những giờ phút cuối đời của Bác”, chúng ta cũng có thể thấy được hình ảnh Bác Hồ mặc bộ quần áo gụ mộc mạc.

Nhiều người từng được sống và làm việc bên Bác đã kể: Người ăn mặc rất giản dị và tiết kiệm. Quần áo chỉ có vài bộ, may cùng kiểu. Có cái áo rách, vá đi vá lại, thay cổ mà Bác vẫn không cho đổi. Có lần Bác nói với một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng một cách chân tình: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi”. Rồi khi khi đưa áo đi giặt, Bác nhắc: “Giặt xong các chú xem áo có chỗ nào sờn thì sửa lại cho Bác, đừng đem nhờ các cô ở cơ quan. Các cô hãy còn bận nhiều việc, để dành thì giờ cho các cô chăm sóc dạy dỗ các cháu nhỏ…”.

Bên cạnh chiếc áo, đôi dép cao su sờn quai cũng đã gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đôi dép được làm từ lốp ô tô quân sự của Pháp. Đôi dép đơn sơ đã gắn bó với Bác từ năm 1947, theo chân Người suốt hành trình kháng chiến trường kỳ gian khổ cho đến những năm sau này khi Người đã về Thủ đô. Thậm chí cả trong những chuyến đi công tác nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang theo đôi dép cao su giản dị, cho dù quai đã sờn, đế đã mòn theo năm tháng.

Thấy Bác đeo đôi dép cao su đã lâu, các cán bộ văn phòng, chiến sĩ cảnh vệ đề nghị thay cho Bác đôi giày hoặc đôi dép mới, nhưng Người kiên quyết không đồng ý vì “dép vẫn còn đi được”... Sau này, hình ảnh đôi dép cao su của Bác Hồ đã đi vào thi ca, để tấm gương thanh cao, đức độ của Người mãi tỏa sáng cùng non sông, đất nước, để mãi mãi “Dấu dép Cha già dẫn lối chúng con đi”.

Sự giản dị, thanh tao của Bác được thể hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày, trong từng bữa ăn. Sau khi xong bữa, Người luôn tự tay thu dọn bát đũa gọn gàng để người phục vụ chỉ việc mang đi. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người được cùng ăn cơm với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhất, từng kể: “Bữa ăn nào Bác Hồ cũng tiết kiệm, vừa đủ, không bỏ món thừa, không vương vãi một hột cơm. Bác thích ăn những món dân dã như cá kho gừng, cà dầm tương, mắm, canh cua với rau chuối thái ghém hoặc dọc mùng. Những ngày mời khách ở lại dùng cơm, Bác luôn báo trước với người cấp dưỡng chuẩn bị những món ăn hợp khẩu vị của khách. Và đặc biệt, số tiền đãi cơm Bác đề nghị phải được trừ vào tiền lương của Bác, không lấy tiền ở công quỹ. Hằng năm, vào ngày 19.5, Bác thường đi làm việc hoặc đến thăm hỏi một số nơi để tránh những nghi lễ chúc mừng phiền phức và tốn kém”.

Không chỉ thể hiện trong lối sống, đức tính khiêm tốn, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện thông qua cách nói, cách viết, cách làm việc của Người. Là người có trí tuệ uyên thâm, thông thạo nhiều ngoại ngữ, là nhà chính trị tài ba, nhà ngoại giao sắc sảo, nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc nhưng khi bàn luận, giải thích hay đề cập đến vấn đề chính trị, người luôn trình bày đơn giản, không triết lý, dài dòng, không vòng vo, khuôn sáo, sách vở, biến những điều phức tạp thành dễ nghe, dễ hiểu để tất thảy mọi người đều có thể hiểu và dễ dàng thực hiện theo.

Không chỉ gương mẫu trong lời nói, Bác còn có những hành động cụ thể. Không hình thức, Bác ân cần thăm hỏi, động viên các chiến sỹ trên mặt trận; đi thăm chỗ ở, nhà bếp, nhà vệ sinh của các gia đình, tập thể; trực tiếp xuống ruộng làm việc, hướng dẫn bà con về sâu bệnh, về thủy lợi; đến thăm các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học; tự tay viết thư thăm hỏi người già, trẻ em… Bác luôn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu. Còn nhớ tối 30 Tết năm Nhâm Dần (1962), Bác đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tín ở ngõ 16 phố Lý Thái Tổ - một con phố nằm ngay ở quận trung tâm thành phố. Nhà chị ở sâu trong một ngõ hẻm chật hẹp, nhà cửa tuềnh toàng như quán chợ. Đêm giao thừa năm ấy, ai ai trong con phố nhỏ nhà chị Tín đều xúc động vì được Bác đến thăm, Bác an ủi, động viên mọi người đoàn kết, thương yêu nhau vượt qua khó khăn… Có rất nhiều câu chuyện về Bác mà nay chúng ta vẫn thường kể lại cho nhau nghe. Dù rất đơn giản, nhẹ nhàng nhưng trong đó ẩn chứa biết bao tình yêu thương bao la của Bác dành cho tất thảy mọi người dân Việt Nam.

Đến câu chuyện chọn nhà

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, ngày 15/10/1954, sau khi quân ta tiến vào Thủ đô được năm ngày, Bác bí mật vào Hà Nội và tạm dừng chân ở nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Lúc này việc chọn cho Bác một chỗ ở riêng được các đồng chí lãnh đạo đặt ra và trao đổi nhiều lần. Cuối cùng, Bộ Chính trị cũng quyết định đưa Bác về ở và làm việc tại dinh toàn quyền cũ - ngôi nhà to đẹp nhất nước lúc bấy giờ.

Ngày 15/12/1954, nhân đến thăm bộ đội diễn tập duyệt binh để chuẩn bị tham gia đón Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô, Bác cùng các đồng chí giúp việc ghé vào thăm nhà mới được phân. Ai cũng nghĩ ngôi nhà này thật sự xứng đáng với Bác. Nhưng sau khi xem xét cả trong lẫn ngoài, Bác nói với các đồng chí đi cùng: "Ngôi nhà rất đẹp, không thua kém những công trình đẹp nhất ở thủ đô Paris. Các chú cần có kế hoạch quét dọn, sửa chữa để dùng vào việc khác, ví dụ như làm nơi vui chơi cho các cháu thiếu nhi chẳng hạn, còn Bác thì dứt khoát không ở đây".

Sau khi xem xét một số ngôi nhà ở khu vực xung quanh, Bác quyết định chọn chỗ ở cho mình là ngôi nhà cấp bốn của người thợ điện. Đến ngày 19/12/1954, từ nhà thương Đồn Thủy Bác dọn đến nơi mới. Đây là căn nhà mái bằng cách nhà sàn hiện nay khoảng 100m. Nó đã bỏ không khá lâu, hình như là từ sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, trong đó có qui định quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội sau ba tháng. Do đó mà quanh nhà và lối đi cây và cỏ dại đã mọc đầy.

Bộ phận văn phòng khẩn trương dọn dẹp, làm vệ sinh, chuẩn bị lại căn nhà để Bác về ở. Chỉ một thời gian ngắn, cảnh vật xung quanh ngôi nhà đã thay đổi hẳn. Con đường vào nhà được rải sỏi. Bác cho trồng hai hàng dâm bụt hai bên đường. Tuy nhiên, do nhà đổ mái bằng nên mùa hè rất nóng, còn mùa đông thì lạnh giá, ánh sáng mặt trời không đủ cho Bác làm việc. Khoảng hơn 3giờ chiều đã phải thắp đèn. Các đồng chí lãnh đạo mỗi lần đến làm việc rất băn khoăn về nơi ở và làm việc của Bác, nhiều lần đề nghị Bác chuyển nơi khác nhưng Bác vẫn giữ ý kiến của mình. Bác nói với các đồng chí phục vụ: "Hãy nhìn nhân dân sống như thế nào để mà sống cho phù hợp. Sống phù hợp với nhân dân mới hiểu được nhân dân".

Sau hơn bốn năm sống và làm việc ở ngôi nhà người thợ điện, ngày 18/5/1958, Bác chuyển sang ở ngôi nhà sàn, cũng ở ngay trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Nơi này đã trở thành nơi ở và làm việc trong 11 năm cuối cuộc đời của Bác kính yêu.

Lối sống giản dị, thanh tao của Bác là nét đẹp văn hóa, là bản lĩnh văn hóa của Người. Thanh cao, giản dị chứ không hề giản đơn, bởi suốt đời, Người không màng danh lợi, mà chỉ theo đuổi một mục tiêu cao cả: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Bác Hồ kính yêu đã đi xa mãi mãi nhưng tấm gương cần, kiệm, liêm, chính cùng lối sống giản dị, thanh bạch, nhân cách cao đẹp của Người đã trở thành tấm gương sáng ngời cho lớp lớp các thế hệ người dân Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh vẫn trường tồn cùng dân tộc, mãi là những bài học lớn cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: "Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao". Đã từng có một danh ngôn: Giản dị là nỗ lực cao nhất và cuối cùng của bậc thiên tài. Giản dị trong lối sống Hồ Chí Minh là nét đặc sắc nhất của văn hóa Hồ Chí Minh.

Bác Hồ kính yêu – vị lãnh tụ vĩ đại nhưng những hình ảnh về Người lại giản dị vô cùng. Đặc biệt, có những khách vào Lăng viếng Bác hôm nay, khi được xem những thước phim tư liệu về Bác, ai nấy đều rưng rưng niềm xúc động. Như bác Trần Thị Hà (Cà Mau) chia sẻ: Xúc động lắm! Về Lăng viếng Bác, được xem những hình ảnh này là chúng tôi lại không thể kìm được nước mắt. Tôi biết Bác yêu và mong được vào miền Nam lắm nhưng lại chưa thể vào miền Nam. Giờ Bác đã không còn nên những người con miền Nam như tôi đều cố gắng vào được một lần vào Lăng viếng Bác, được thực sự “gặp” Bác.

Được công tác bên Lăng Bác Hồ, mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có cơ hội để hiểu sâu sắc hơn về phong cách giản dị, gần gụi, rất mực thanh tao của Bác. Xác định niềm vinh dự, tự hào khi được gần Bác, mỗi cán bộ, nhân viên chiến sỹ Ban Quản lý Lăng đều tích cực chủ động thực hiện nhiệm vụ, cố gắng trở thành một “tuyên truyền viên” để tuyên truyền các nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, xác định rõ: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần bắt đầu từ công việc và cuộc sống hàng ngày của mình; trong đó phải hoàn thành tốt nhất trọng trách, vai trò của mình ở những điều nhỏ nhất; góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh đến gần hơn nữa với cuộc sống… để mỗi cá nhân sẽ học tập, làm theo Bác kính yêu mãi mãi./.

CĐT-H4

0 nhận xét: