Trong di sản lý luận của chủ
nghĩa Mác - Lênin, học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa giữ vai trò rất
quan trọng. Đề cấp đến nhiều vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc đối với công cuộc
bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong đó, phương thức bảo vệ tổ quốc là một
trong những vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nghiên cứu làm rõ phương thức
bảo vệ tổ quốc của chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ khẳng định tính khoa học,
cách mạng mà còn là cơ sở để kế thừa, phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo
vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Phương thức đấu tranh bảo vệ tổ
quốc là cách tiến hành bảo vệ nhằm đạt mục
đích bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề lý luận, thực tiễn
có tầm quan trọng đặc biệt, gắn với quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc
xã hội chủ nghĩa. Từ nghiên cứu tình hình thực tiễn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng
định, cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa không những sẽ có tính chất dân tộc mà
sẽ đồng thời xảy ra trong tất cả các nước văn minh, tức là, ít nhất ở Anh, Mỹ,
Pháp và Đức... Do đó, giai cấp vô sản sau khi nắm chính quyền trong tay tất yếu
phải vũ trang bảo vệ những thành quả cách mạng. Bởi lẽ, cách mạng vô sản trong
tiến trình phát triển của mình không tránh khỏi sự chống đối của các giai cấp
bóc lột đã bị lật đổ. Các giai cấp này dựa vào sự ủng hộ của các lực lượng phản
động bên ngoài, với vũ khí trong tay sẽ chống lại chính quyền mới phục hồi trật
tự cũ. Trong những điều kiện ấy, giai cấp công nhân phải có tinh thần cảnh giác
cách mạng cao và có sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự, tiến hành đấu tranh vũ
trang để tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng. Tổng kết thực tiễn những
bài học đau xót của Công xã Pari, C.Mác viết: “Một Paris lao động, suy nghĩ,
chiến đấu, đổ máu nhưng rạng rỡ trong niềm hào hứng sáng tạo lịch sử mà hớn hở
mải mê xây dựng xã hội mới, hầu như quên mất bọn ăn thịt người đang ở ngay cửa
ngõ nhà mình”[1].
Trong khi chỉ ra khả năng và thậm
chí sự không tránh khỏi cuộc chiến tranh giữa nhà nước vô sản và các lực lượng
phản cách mạng trong và ngoài nước, C.Mác khẳng định, giai cấp vô sản có
thể tiến hành những cuộc chiến tranh giải phóng, chính nghĩa; đồng thời thừa nhận
khả năng của những cuộc chiến tranh phòng thủ của chủ nghĩa xã hội chống lại
giai cấp tư sản, kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và phi vũ trang bảo vệ thành
quả cách mạng. C.Mác cũng khẳng định về sự cần thiết phải có những hành động phối
hợp tích cực của những người lao động ở tất cả các nước trong cuộc đấu tranh giải
phóng khỏi ách áp bức xã hội và dân tộc, củng cố khối liên minh công - nông
trong công cuộc bảo vệ những thành quả của mình. Đây là điều kiện thiết yếu củng
cố chính quyền của những người lao động và bảo vệ nó một cách có hiệu quả: “Cần
phải làm sao để những người công nhân của các nước khác nhau không chỉ cảm thấy,
mà còn hành động như những người anh em và đồng chí trong cuộc đấu tranh để giải
phóng mình trong một đội quân thống nhất”[2].
Trung thành và phát triển sáng tạo
tư tưởng vũ trang quần chúng bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ
nghĩa của C.Mác trong điều kiện lịch sử mới; từ thực tiễn công cuộc đấu
tranh bảo vệ, bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới
từ sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển
những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng
nên học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhất là phương thức bảo vệ
tổ quốc.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười
thành công, V.I.Lênin đã khẳng định một cách dứt khoát tính tất yếu khách quan
giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải tiến hành bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa. Người nêu rõ, chúng ta phải tiến hành “cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc
xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc”[3].
V.I.Lênin chỉ ra rằng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách
quan ngay sau khi giai cấp công nhân đã giành được chính quyền nhà nước, tiến
hành tổ chức xây dựng xã hội mới. Đối với nước Nga lúc này, bảo vệ Tổ quốc xã hội
chủ nghĩa còn là đòi hỏi cấp bách phải được thực hiện với tư cách là một cuộc
chiến tranh - “chiến tranh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa” trước sự bao vây,
uy hiếp và tiến công bằng vũ lực của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động
hòng bóp chết Nhà nước xô viết non trẻ. V.I.Lênin tiếp tục nhấn mạnh và cụ thể
thêm: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không
thể tồn tại được. Giai cấp thống trị không bao giờ nhường chính quyền cho giai
cấp bị trị. Nhưng giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng họ không những
có khả năng lật đổ bọn bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy
để bảo vệ lấy mình”[4].
Người còn chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”[5].
Như vậy, có thể thấy, tuy chưa
trực tiếp đề cập đến thuật ngữ “phương thức” nhưng V.I.Lênin đã đề cập đến một
trong những cách thức, biện pháp để bảo vệ tổ quốc chính là phải vũ trang bảo vệ
tổ quốc và huy động mọi nguồn lực để bảo vệ tổ quốc, đồng thời phải luôn chú trọng,
chăm lo xây dựng, chuẩn bị lực lượng để bảo vệ tổ quốc như Người đã chỉ rõ “Hãy
chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo đến
con ngươi trong mắt mình, và hãy nhớ rằng chúng ta không được phép lơ là một
giây phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nông dân của ta và bảo vệ những
thành quả của họ”[6].
Cùng với đó, V.I.Lênin còn đặc biệt chú trọng việc giai cấp công nhân phải biết
tổ chức sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và phải “có khả năng tự tổ chức, huy động hết
thảy để bảo vệ lấy mình”. Theo đó, V.I.Lênin một mặt ra sức động viên các tầng
lớp nhân dân, huy động mọi lực lượng xây dựng xã hội mới; mặt khác giáo dục nêu
cao tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ tổ quốc, xây dựng sức mạnh quốc phòng,
xây dựng quân đội công nông vững mạnh. Mặt khác thực hiện những biện pháp mạnh
mẽ, kiên quyết bảo vệ Chính quyền xô viết non trẻ, đưa sự nghiệp cách mạng tiếp
tục phát triển.
Mặc dù khẳng định phương thức đấu
tranh vũ trang để bảo vệ tổ quốc song trong tư tưởng của V.I.Lênin còn chứa đựng
vấn đề đấu tranh phi vũ trang, cũng như sự kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và đấu
tranh phi vũ trang trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việc tập
trung khôi phục và xây dựng kinh tế, thực hiện chính sách kinh tế mới để thúc đẩy
phát triển kinh tế; giải quyết các vấn đề xã hội; đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận
thức, trình độ văn hóa, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho các tầng lớp
nhân dân; vạch trần âm mưu phá hoại của các thế lực đế quốc phản động, nhất là
bọn mensêvích; mở rộng các hoạt động đối ngoại… đã thể hiện rõ sự quan tâm của
V.I.Lênin đến những hoạt động phi vũ trang để cùng với các hoạt động vũ trang bảo
vệ tổ quốc./.
PVĐ-H4
[1]C.Mác và Ph.Ăngghen,
Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 464.
[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb. Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 467.
[3] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb TB,
M,1978. tr.102.
[4] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 38, Nxb TB,
M,1981. tr.165-166.
[5] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb TB,
M,1978. tr.145
[6] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb TB,
M,1979, tr.368-369.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét