CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BỔ SUNG, PHÁT TRIỂN VỀ PHƯƠNG THỨC BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 

Trung thành, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về phương thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vào thực tiễn Việt Nam, phương thức bảo vệ Tổ quốc là vấn đề đặc biệt quan trọng trong hệ thống quan điểm lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Xét từ góc độ nội dung, đó chính là những hình thức, biện pháp cụ thể của phương thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn hoạt động bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, những vấn đề: kết hợp xây dựng với bảo vệ; đấu tranh vũ trang, đấu tranh phi vũ trang, kết hợp đấu tranh vũ trang và phi vũ trang, những vấn đề tự bảo vệ,  bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, xử lý các vấn đề liên quan đến đối tác và đối tượng,… là những vấn đề rất cơ bản, là những cách thức, biện pháp cụ thể của phương thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Những phương thức cụ thể đó cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong bối cảnh của tình hình mới. 

Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”[1], vấn đề xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và các khu vực. Các thế lực thù địch có những điều chỉnh mới trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng chống phá chủ nghĩa xã hội, chống phá cách mạng Việt Nam. Chiến lược phức hợp “diễn biến hòa bình”, kết hợp với bạo loạn lật đổ và tạo cớ để sẵn sàng phát động chiến tranh xâm lược được chúng tiến hành một cách ráo riết vừa công khai, trắng trợn, vừa tinh vi, xảo quyệt, vừa ngầm, vừa sâu. Chúng luôn chĩa mũi nhọn vào những vấn đề nhạy cảm như “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, “dân tộc” để kích động, chia rẽ, phá hoại công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Sự thay đổi trong chiến lược và phương thức chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển phương thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Trong đó tập trung:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển quan điểm kết hợp chặt chẽ hai phương thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh phi vũ trang bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vừa phải quan tâm sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nếu kẻ thù liều lĩnh phát động một cuộc chiến tranh bằng phương thức vũ trang chống nước ta khi có thời cơ; vừa phải đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” kết hợp với bạo loạn lật đổ, đấu tranh chống lại các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” từ bên trong xã hội, cộng với những tiêu cực nảy sinh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thì vấn đề sử dụng và kết hợp chặt chẽ hai phương thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh phi vũ trang bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa càng phải được quan tâm đầy đủ hơn. Trong thời kỳ mới, không tuyệt đối hoá một phương thức đấu tranh nào dù trong điều kiện hoà bình hay trong tình huống phức tạp, có chiến tranh.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển hình thức, biện pháp đấu tranh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện toàn cầu hoá, mở cửa, hội nhập quốc tế thì đấu tranh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, đối ngoại ngày càng trở thành những nội dung quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải có phương thức đấu tranh phù hợp để đem lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, vấn đề phát triển các hình thức, biện pháp đấu tranh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc phải được coi là một trong những phương thức quan trọng để bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề giữ vững ổn định chính trị - xã hội, giữ vững môi trường hoà bình, ngăn chặn, đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược của kẻ thù trong mọi tình huống vẫn sẽ là nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới. Trong khi chúng ta vừa có những thời cơ, thuận lợi mới, vừa phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức không nhỏ, thì việc xác định một “kế sách” phù hợp nhất, có lợi nhất là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Theo đó, phải quan tâm giữ cho “trong ấm”, “ngoài êm”, coi đó là một trong những kế sách quan trọng để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi chưa nguy. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi chưa nguy thể hiện quan điểm tích cực, chủ động trong bảo vệ Tổ quốc, lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy, chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành chiến tranh mà lại không phải tiến hành chiến tranh là thượng sách để giữ nước. Bảo vệ Tổ quốc từ xa là quá trình tích cực chủ động đấu tranh phòng, chống những nhân tố có thể đe dọa đến sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước ta. Đó là đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” kết hợp với bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Đó là việc sẵn sàng đối phó thắng lợi với cuộc chiến tranh bằng vũ trang nếu kẻ thù liều lĩnh phát động chống nước ta. Đó còn là đấu tranh chống lại những vấn đề nảy sinh từ các “điểm nóng” do tác động từ mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, của quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế. Bảo vệ Tổ quốc từ xa là tích cực chủ động mở rộng các quan hệ quốc tế, mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế, thêm bạn bớt thù, tăng đối tác, giảm đối tượng, có sách lược chuyển hóa đối tượng, đối tác phù hợp, tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài, mọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có chính sách tập hợp những lực lượng có thể tập hợp được, khai thác những sức mạnh có thể khai thác được, hình thành mặt trận bảo vệ Tổ quốc Việt Nam từ xa, ngăn ngừa và ngăn chặn từ trước những âm mưu chống Việt Nam từ bên ngoài, tuyệt đối trong mọi tình huống không để bị động, bất ngờ.

Bốn là, tiếp tục khẳng định và phát triển quan điểm về chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến. Hiện nay, bốn nguy cơ đe dọa đến cách mạng Việt Nam vãn hiện hữu. Các thế lực thù địch tiếp tục tổ chức câu kết giữa lực lượng tài chính, công nghệ, sức ép của các nền kinh tế lớn từ bên ngoài, cộng với những chuyển dịch tự do, thiếu kiểm soát hoặc buông lỏng quản lý kinh tế từ bên trong, để hỗ trợ tài chính, huấn luyện, tạo dựng ngọn cờ, “điểm nổ” về kinh tế, xã hội, an ninh từ bên trong để kích động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “xã hội dân sự”, “bất tuân dân sự” và lựa chọn thời cơ vào những thời điểm nhạy cảm chính trị hòng tiến hành “cách mạng màu” ở Việt Nam Vì vậy, cần tiếp tục bổ sung, phát triển các hình thức, biện pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến, đồng thời phải quan tâm phát hiện, giải quyết, triệt tiêu những nhân tố bất lợi từ bên ngoài.

Năm là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội vững mạnh là phương thức hữu hiệu bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn công cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong những năm qua cho thấy, xây dựng đất nước mạnh lên về mọi mặt, kinh tế phát triển, chính trị - xã hội ổn định, văn hoá được giữ gìn và phát triển, quốc phòng an ninh được tăng cường, quan hệ đối ngoại đước mở rộng,… là cách thức bảo vệ Tổ quốc chủ động nhất, tích cực và có hiệu quả nhất. Do đó, tiếp tục nghiên cứu, triển khai công cuộc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngay trong từng mục tiêu, từng bước đi của quá trình xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên các mặt của đời sống xã hội. Trong quá trình tổ chức triển khai xây dựng đất nước trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội phải đồng thời triển khai công cuộc bảo vệ trên các mặt hoạt động cơ bản đó. Phải coi bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một bộ phận hợp thành với quá trình xây dựng đất nước theo mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, phải coi xây dựng đất nước luôn gắn bó hữu cơ với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ở đâu và lúc nào diễn ra hoạt động xây dựng đất nước thì ở đó, lúc đó phải đồng thời diễn ra hoạt động bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và ngược lại. Bởi nó tạo ra cơ sở, nền tảng vật chất và tinh thần của đất nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; ngược lại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lại chính là điều kiện quan trọng cho việc triển khai công cuộc xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt.

Sáu là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển về hợp tác và đấu tranh, đối tác và đối tượng trong bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, sự va chạm, cọ xát lợi ích giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt. Những chuyển động trong quan hệ giữa các nước lớn chi phối sự vận động, phát triển của cục diện khu vực và thế giới. Sự hợp tác đan xen cạnh tranh đều xoay quanh trục lợi ích, lấy lợi ích là thước đo cao nhất trong quan hệ giữa các nước, nhất là các nước lớn, khiến quan hệ quốc tế trở nên khó dự báo, tạo ra cơ hội lẫn thách thức đối với các nước trong thúc đẩy quan hệ hợp tác và hội nhập quốc tế. Vì vậy, trong tình hình mới, xử lý vấn đề đối tác và đối tượng cần phải được xem xét vừa là một phương châm chỉ đạo, vừa là một nội dung quan trọng của phương thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, “lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”… là nguyên tắc, là cái bất biến. Cần linh hoạt xác định trong khi là đối tượng phải đấu tranh, vẫn có thể có và cần phải khai thác để tranh thủ, hợp tác; ngược lại với các đối tác trong quan hệ làm ăn, vẫn có những mặt cần phải cảnh giác và đấu tranh tạo sức mạng tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã gội chủ nghĩa./.

PVĐ-H4



[1]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 105.

Related Posts:

0 nhận xét: