Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, công tác đối ngoại có vị trí, vài trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nền ngoại giao của Việt Nam mềm mại, khôn khéo được ví giống như cây tre với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo và rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân…. Đây thực sự là sự phát triển đỉnh cao của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế trước bối cảnh hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Tuy
nhiên, các thế lực thù địch với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam vẫn không
từ bỏ âm mưu, xuyên tạc chống phá nền ngoại giao của chúng ta. Mới đây trên
trang mạng Báo Tiếng Dân đã tán phát bài viết “Ngoại giao cây tre” với nội dung
xuyên tạc rằng: “ngoại giao cây tre, thứ sản phẩm ngang ngược của nhà cầm
quyền… Ngoại giao cây tre chỉ lừa được kẻ dại khờ hoặc bị kẻ tham lam lợi dụng,
chứ không qua mặt được người tử tế”. Đây ro ràng là luận điệu xuyên tạc, bôi
nhọ, vu cáo nhằm chống phá đường lối, chính sách ngoại giao của Việt Nam.
Cần
khẳng định rằng, bản sắc của ngoại giao Việt Nam là một phần của bản sắc dân
tộc Việt Nam. Nền tảng cốt lõi của bản sắc ngoại giao Việt Nam hiện đại là tư
tưởng, phương pháp, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, với những
bài học “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “ngũ tri”, biết nhu, biết cương, giúp bạn
là tự giúp mình, vì hòa bình, hợp tác và sự tiến bộ của nhân loại. Đặc trưng
quan trọng của bản sắc ngoại giao Việt Nam là không ngừng kế thừa và phát
triển, sàng lọc qua thực tiễn và chắt lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa văn
hóa nhân loại. Như vậy, hình tượng cây tre đã gắn với bản sắc văn hóa Việt Nam,
gắn với ngoại giao Việt Nam một cách nhuần nhị, thấm đượm triết lý dựng nước và
giữ nước, đối nhân xử thế và quan hệ bang giao với các nước của dân tộc Việt
Nam.
Phát
huy truyền thống ngoại giao của ông cha ta và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh,
Việt Nam đã xây dựng nên nền ngoại giao đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc
“cây tre Việt Nam”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt
Nam. Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết
Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: Cây tre Việt
Nam, cũng như ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa gốc vững, thân
chắc, cành uyển chuyển. Có thể thấy được ở tre Việt Nam những nội hàm ấy. Điều
đó được thể hiện từ trong bản sắc đến đường lối, chính sách và phong cách của
nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt
Nam”, gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí
phách của dân tộc Việt Nam. Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của
Đảng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự
chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá. Báo cáo cũng tái khẳng định nguyên tắc “4
không” trong chính sách quốc phòng, trong đó mục tiêu tối thượng là bảo vệ lợi
ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Khẳng định cam kết
của Việt Nam tiếp tục là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có
trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điểm cốt lõi là sự nhấn mạnh vai trò tiên phong
của đối ngoại trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối
đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Khẳng định ngoại giao giữ vai trò trung tâm và tích cực trong bảo vệ chủ quyền
và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, nâng cao năng lực quốc gia và gia tăng uy
tín quốc tế của Việt Nam. Đồng thời, Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh
nhu cầu xây dựng một nền ngoại giao “toàn diện, hiện đại”, bao gồm 3 trụ cột là
đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân cũng như sự kết hợp
nhuần nhuyễn giữa những trụ cột trên. Bằng việc bổ sung nội hàm “toàn diện”, Việt
Nam thúc đẩy một cách rõ ràng tất cả các hình thái ngoại giao chính trị, kinh tế,
quốc phòng, công chúng, văn hóa và nghị viện.
Thực
tiễn sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, với chiến lược, đường
lối đối ngoại sáng suốt, đúng đắn đã góp phần quan trọng giữ vững môi trường
hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vị thế, uy tín của Việt Nam
trên trường quốc tế ngày càng được củng cố. Theo thông báo của Bộ ngoại giao, tính
đến tháng 10/2023, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 193 quốc
gia. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc
gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các
tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính
phủ nước ngoài. Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ
chức, diễn đàn quốc tế quan trọng. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cơ quan
quan trọng của Liên hợp quốc như: Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016,
2023 – 2025; Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013 – 2017; Hội đồng Kinh
tế – Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 – 2018… Điều đó cho thấy
chủ trương đúng đắn, chủ động tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước
ta.
Đối ngoại
đã giữ vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp
phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và
toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Các vấn đề biên giới với các nước liên quan
từng bước được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhằm bảo vệ chủ quyền, lãnh
thổ, góp phần củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực. Thực hiện tốt ngoại giao
cây tre, kết hợp “cứng” và “mềm”, đề cao hòa hiếu, chúng ta luôn giương cao
ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán với các nước liên quan
kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp bằng
biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trên cơ sở đó, vị thế và uy
tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao,
đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát
triển và tiến bộ trên thế giới.
Cùng với
việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chúng ta
cần thấm nhuần và phát huy phương pháp “ngoại giao cây tre”, nắm vững nguyên
tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”.
Cần phải chủ động, thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình
hình khu vực, thế giới và các mối quan hệ quốc tế để kịp thời đề xuất các giải
pháp thích hợp. Giữ vững quan điểm, đường lối đối ngoại, đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam, kế
thừa những truyền thống, kinh nghiệm quý báu, thấm nhuần triết lý ngoại giao
với bản lĩnh vững vàng, tự tin và khôn khéo.
Trong
một thế giới đầy biến động, khó lường, khó dự báo hiện nay thì chúng ta cần
thấm nhuần và phát huy phương pháp “ngoại giao cây tre”, nắm vững nguyên tắc
“dĩ bất biến, ứng vạn biến”, vì lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, kiên
định triết lý ngoại giao, với bản lĩnh vững vàng, tự tin và khôn khéo trong
hoạt động đối ngoại để xây dựng và phát triển đất nước./.
LBC - H3
0 nhận xét:
Đăng nhận xét