CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

THỰC HÀNH CHỮ "LIÊM" TRONG CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN

  

Nói đến cán bộ, bao giờ cũng phải coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc mà gốc của đức là liêm chính, tức là phải trong sạch, ngay thẳng. Liêm chính là tiêu chí cơ bản của đạo đức, là thước đo của mỗi người. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước". Lời căn dặn ấy của Bác Hồ ngày càng thấm thía biết bao.

Ðánh mất chữ "liêm" là mất tất cả

Chưa bao giờ nước ta có đội ngũ cán bộ đào tạo bài bản, có trình độ năng lực cao như hiện nay, nhưng cũng thật buồn, chưa bao giờ vấn đề đạo đức, lối sống ở một số cán bộ đáng lo ngại như những năm qua.

Trong số cán bộ bị xử lý kỷ luật hoặc tuyên án phạt tù gần đây, không ít trường hợp từng là anh hùng, hay được xã hội tôn vinh bởi có đóng góp đáng kể cho đất nước. Họ và nhiều cán bộ khác, khi bổ nhiệm đều là những người được đánh giá là liêm chính, nhưng nắm chức, có quyền trong tay lại không giữ được chữ "liêm", để "cái tôi" vị kỷ lấn át mà làm trái, tham nhũng, hối lộ. Cái kết cay đắng là danh dự, sự nghiệp đều tiêu tan. Có người phấn đấu cả đời lên đến cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, đứng đầu thành ủy, hay thành phố lớn, vì làm trái, làm bừa đã phải vào tù rồi vẫn bị điệu ra tòa trong một số vụ án khác. Không chỉ cá nhân, gia đình họ mà Đảng cũng thấy xót xa, song để cứu cả cây xanh thì buộc phải cắt bỏ đi những cành sâu mọt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những lần chia sẻ, cứ nghĩ trong cuộc sống mà xem, có những người thiếu thốn gì đâu, nhưng tham thế, chưa làm cái gì đã nghĩ đến "chấm mút". Nói nhỏ là chấm mút, nói to là vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng là đảng viên, dân coi thường;... Tiền nhiều, lúc chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất.

Nhắc lại chuyện không vui ấy, càng thấy lời cảnh báo từ lâu của Bác Hồ sâu sắc và mãi mãi nguyên giá trị: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân". Cán bộ có chức, có quyền nếu không giữ được "liêm chính" trước sau cũng suy thoái. Sự suy thoái, không chỉ làm cho cán bộ tự đánh mất chính mình mà nguy hại hơn là làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Mà mất lòng tin là mất tất cả.

"Liêm" phải đi liền với "chính"

Đức và tài không phải từ trên trời rơi xuống, mà thông qua giáo dục, rèn luyện mới có. Cái tài trong cán bộ khó mất đi, có điều nuôi dưỡng, sử dụng nó thế nào. Người có đức mà không thường xuyên tu dưỡng, nảy sinh lòng tham thì cái đức rất dễ bị triệt tiêu, như vậy là không còn liêm chính nữa. Vì thế, Bác Hồ đã căn dặn: "Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu". Theo Bác Hồ, trời có bốn mùa, đất có bốn phương; người có bốn đức là cần, kiệm, liêm, chính, thiếu một đức thì không thành người. Cần, kiệm, liêm là gốc của chính. Với cán bộ lại càng phải coi trọng cần, kiệm, giữ mình trong sạch nhưng cũng phải mạnh dạn phê phán sai phạm của đồng chí mình, thế mới là liêm chính. Có chính trực, ngay thẳng, có dũng khí mới dám đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, bất mãn, việc làm sai trái để bảo vệ Đảng và sự trong sáng của cán bộ.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng luôn coi trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, thật sự là công bộc của dân. Những năm gần đây, Đảng có nhiều hình thức tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong Quy định này nêu rõ các điều cần nêu gương; các điều phải nghiêm khắc với bản thân, như chống: chủ nghĩa cá nhân, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân, định kiến với người góp ý, phê bình; chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, hối lộ, v.v.

Hội nghị TW4, khóa XIII của Đảng đã tập trung thảo luận sâu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Thực chất đó cũng là vấn đề của công tác cán bộ. Kế thừa tư tưởng Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, điểm mới trong nhiệm kỳ này là mở rộng phạm vi xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong cả hệ thống chính trị. Tinh thần chủ động hơn, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn, ngăn chặn sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; ích kỷ thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực, vô cảm trước khó khăn của nhân dân; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư trưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Công tác cán bộ của Đảng cũng như "người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu". Những hạt giống ươm mầm bao giờ cũng được chọn lọc kỹ, nhưng để không bị sâu mọt, những mầm xanh ấy phải biết đề kháng tự bảo vệ mình tránh xa mọi thói hư, tật xấu. Với bàn tay chăm sóc tận tình của Đảng, với sự tự vươn lên không ngừng của từng người, đất nước sẽ có đội ngũ cán bộ liêm chính, hết lòng vì nước vì dân./.

                                                                                          NXT-H1

 

0 nhận xét: