Hiện nay,
mạng xã hội trở thành công cụ truyền thông, giải trí được nhiều người sử dụng,
nhất là giới trẻ. Một cá nhân có thể tham gia nhiều mạng xã hội, cả chính danh
và ẩn danh, với nhiều tài khoản, hình thành nên mối quan hệ đa dạng, có thể
thiết lập quan hệ bạn bè rộng khắp, không bị giới hạn bởi không gian, thời
gian, không phân biệt chủng tộc, tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, nghề
nghiệp... Bên cạnh mặt tích cực như: thông tin phong phú, tương tác, gặp gỡ,
giao lưu, tìm kiếm việc làm, quảng cáo, kinh doanh thuận lợi, góp phần tạo ra
những giá trị mới, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy giáo dục, đào tạo
và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, thì mạng xã hội cũng nảy sinh không
ít vấn đề tiêu cực, tác động đến đời sống xã hội, nhất là những biểu hiện lệch
chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa,… đòi hỏi mỗi quân nhân tham gia mạng xã hội phải
có trách nhiệm, có kỹ năng ứng xử một cách có văn hóa và đúng quy định luật
pháp.
Trong Quân
đội nhân dân Việt Nam, đội ngũ quân nhân phần nhiều là những người trẻ, có nhu
cầu sử dụng mạng xã hội cao. Tuy nhiên, do quy định và môi trường hoạt động,
các quân nhân tuy không có nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội, nhưng họ đang
chịu tác động khá toàn diện từ môi trường này với những mặt tích cực, tiêu cực
đan xen, thậm chí khó phân biệt. Bên cạnh những kiến thức bổ ích trên các lĩnh
vực như: thông tin nhanh chóng, sự kết nối, giao lưu, tương tác ở mọi lúc, mọi
nơi trong toàn quân, toàn quốc,… được khai thác, phục vụ cho nhu cầu cá nhân và
quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thì những mặt trái của mạng xã hội
cũng tác động tiêu cực đến đội ngũ cán bộ, thanh niên Quân đội, nhất là những
nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội của các thế lực thù địch, phần tử phản
động... Thực tế cho thấy, việc tham gia mạng xã hội của cán bộ, thanh niên Quân
đội cơ bản đảm bảo đúng các quy định, lan truyền những hình ảnh, hoạt động
đẹp,… song, một số ít còn bộc lộ hạn chế, nhất là kỹ năng giao tiếp, có bình
luận phản cảm, đưa những hình ảnh lên mạng không đúng quy định, sử dụng ngôn
ngữ không phù hợp với bản sắc văn hóa của dân tộc...
Nhận thức rõ
điều đó, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong toàn quân đã có
nhiều hình thức, biện pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của quân nhân khi tham gia
mạng xã hội và đạt được kết quả cao. Vì thế, nâng cao trách nhiệm quân nhân khi
tham gia mạng xã hội là yêu cầu khách quan; biện pháp quan trọng góp phần xây
dựng Quân đội cách mạng, chính quy. Do vậy, trách nhiệm của quân nhân khi tham
gia mạng xã hội cần thực hiện tốt các nội dung cơ bản sau đây:
Một là, chấp
hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
và quy định của Quân đội về quản lý, sử dụng mạng xã hội; nhất là tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật đến các đối tượng thanh niên, thiếu niên, học
sinh, sinh viên. Tuyệt đối không được lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi
vi phạm pháp luật.
Hai là, nêu
cao tính gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong sử dụng
mạng xã hội, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo; phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn,
không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được
kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.
Ba là, xây
dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn, tích cực; mọi người tham gia,
sử dụng mạng phải có trách nhiệm, tôn trọng nhau, có thái độ ứng xử văn hoá,
đúng chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt
đẹp của dân tộc.
Bốn là, nâng
cao ý thức học tập và rèn luyện cách ứng xử trên mạng xã hội. Biết quan tâm,
lắng nghe, chia sẻ, thông cảm đến người khác. Mọi lời nhận xét, bình luận phải
khách quan và tế nhị; tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp. Không nói xấu kéo bè cánh
nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác. Không nên đưa ra những nhận
xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý.
Năm là, suy
nghĩ thật kỹ lưỡng, lựa chọn, kiểm chứng thông tin chính xác trước khi đăng lên
mạng xã hội và phải có trách nhiệm với thông tin mình cung cấp, chia sẻ. Khuyến
khích đưa những thông tin tích cực, những giá trị tốt đẹp của con người lên
mạng xã hội. Không đăng thông tin, hình ảnh không đúng quy định pháp luật, hoặc
không phù hợp với văn hoá đạo đức của người Việt Nam.
Sáu là, mỗi
quân nhân khi xem thông tin trên mạng xã hội, phải biết rõ nguồn gốc của thông
tin, phân biệt tin thật, tin giả; thường xuyên tiếp cận những thông tin chính
thống, bổ ích; không để mình bị sa vào những thông tin thất thiệt, tiêu cực.
Bảy là, thực
hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sử
dụng mạng xã hội theo quy định pháp luật. Ngăn chặn mọi thông tin xấu, độc hại,
sai sự thật, phản cảm trên mạng xã hội./.
Tia chớp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét