CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

ĐƯA NGHỊ QUYẾT VÀO CUỘC SỐNG

 

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nói chung, đổi mới phương thức lãnh đạo bằng nghị quyết nói riêng, là một nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII của Đảng tập trung thảo luận, gợi mở nhiều vấn đề mới. Đáng chú ý là các đồng chí Trung ương đã thẳng thắn đúc rút: Để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống thì trước hết phải đưa cuộc sống vào nghị quyết!

Có nghĩa là phải lấy thực tiễn làm căn cứ, cơ sở quan trọng để xây dựng nghị quyết; là môi trường, điều kiện vận hành nghị quyết; đồng thời là thước đo, chân lý kiểm nghiệm tính khả thi, hiệu quả lãnh đạo bằng nghị quyết.

Thời gian qua, không ít tổ chức cơ sở đảng xây dựng nghị quyết chủ yếu bám vào chủ trương, giải pháp của cấp trên và xem đó như một căn cứ duy nhất và cao nhất. Nói cách khác là nghị quyết cấp trên xác định thế nào thì cấp dưới cứ thế “sao chụp”, mà quên rằng thực tiễn mới là căn cứ quan trọng hàng đầu. Thành thử, ở nhiều nơi, nghị quyết khi được ban hành thường có nội dung chung chung, phương phưởng; dù “đúng” đường lối, nhưng chưa “trúng” với đòi hỏi thực tiễn.

Để nghị quyết sát thực tiễn, việc hết sức quan trọng là tổ chức đảng nơi ấy phải xác định bằng được, rằng địa phương, cơ quan, đơn vị mình đang cần gì, khả năng lãnh đạo đến đâu, dự báo kết quả đạt được như thế nào, vấn đề lãnh đạo trọng tâm, những ưu tiên trước mắt và chiến lược lâu dài... Có nghĩa, tinh thần nghị quyết tất yếu phải bám sát chủ trương của trên, nhưng chất liệu thực tiễn mới là phần lõi của nội dung nghị quyết. Khảo sát một số tỉnh ở địa bàn Tây Nguyên cho thấy, nhiều đảng bộ cấp huyện, xã có xu hướng quy kết con số phần trăm (%) về con số thực trên thực tế gắn với địa bàn. Ví như, nghị quyết cấp trên xác định phải giảm 5% hộ nghèo/năm thì về đến cấp huyện, cấp xã phải cụ thể 5% ấy tương ứng với bao nhiêu hộ trên địa bàn; rồi cân nhắc xem có nâng lên hay hạ xuống về chỉ tiêu hay không; thực hiện số lượng ấy bằng cách nào... Cũng ở những địa phương này, con số phần trăm được nhìn nhận, đánh giá hết sức linh hoạt, phù hợp. Đều đạt 1% chỉ tiêu, nhưng ở địa phương này là một thành tích đáng ghi nhận; nhưng tại nơi khác thì đó là khuyết điểm lớn trong công tác lãnh đạo. Có nghĩa, kết quả lãnh đạo được đánh giá thực chất, chứ không cào bằng.

Công bằng mà nói, đưa thực tiễn vào nghị quyết là việc khó, đòi hỏi sự linh động, sáng tạo, cho nên khi chủ trương đã được quyết nghị, ban hành thì không cứ xem đó là “chiếu lệnh” để bằng mọi giá hiện thực một cách cứng nhắc; hoặc dùng các thủ thuật để thổi phồng thành tích, hòng "báo công" hay "tự đắc" rằng tổ chức mình đã lãnh đạo hoàn thành 100% chỉ tiêu. Đó là tư duy và cách làm sai lệch, thậm chí là vi phạm quy định, kỷ luật Đảng. Theo nghĩa đó, nghị quyết dù đã ban hành, nhưng phải căn cứ vào diễn biến thực tiễn để không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh... sao cho thật hợp lý, có tính khả thi cao.

Thực tiễn không chỉ là căn cứ xây dựng nghị quyết, là mảnh đất màu mỡ để hiện thực chủ trương mà quan trọng hơn, thực tiễn còn là tiêu chí, thước đo đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết. Ấy nhưng vẫn còn không ít tổ chức cơ sở đảng đánh giá kết quả nghị quyết nặng cảm tính, áp đặt, xa rời thực tế, thiếu định lượng... Thậm chí, có nơi tổng kết nghị quyết nhưng nội hàm, nội dung lại chẳng khác gì một báo cáo thành tích; chưa hướng trọng tâm vào việc nêu bật cách thức, phương thức, kinh nghiệm lãnh đạo. Những bài học mạnh-yếu thường được “sao chép”, chỉnh sửa lại từ nghị quyết cũ; ưu điểm thì dài dòng, nhưng khuyết điểm thì chỉ thể hiện ở một vài “gạch đầu dòng” ngắn ngủi...

Để sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thì việc cần kíp hiện nay là phải quyết liệt đổi mới tất cả các nhân tố, các khâu, các bước, từ việc xây dựng nghị quyết, tổ chức học tập, lãnh đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, đánh giá tổng kết... trên cơ sở bám sát thực tiễn sinh động. Phải đổi mới đồng bộ, nhưng có ưu tiên, chọn khâu đột phá, làm đồng thời ở tất cả các cấp trong hệ thống tổ chức đảng. Có vậy thì nghị quyết mới thật sự là văn kiện giá trị, được đúc rút, tổng kết từ thực tiễn và quay trở lại “soi đường” cho thực tiễn./.

CĐT-H4

 

0 nhận xét: