Hiện
nay, Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là
việc xử lý hình sự một số cán bộ, đảng viên tham nhũng. Lợi dụng việc này, các
đối tượng có quan điểm thù địch rêu rao luận điệu phản cách mạng. Thủ đoạn của
chúng rất tinh vi, nham hiểm, chúng mượn những câu nói của các lãnh đạo Đảng,
Nhà nước khi chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chúng tái hiện một cách
méo mó, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về phòng, chống
tham nhũng, lãng phí. Chúng cho rằng: Ở Việt Nam nhân dân chưa được làm chủ, vì
vậy, nhân dân không được phát huy trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí! Cá
biệt, chúng còn cho rằng: Lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí là để trừ diệt
lẫn nhau!
Bằng
lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định: chủ trương
lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng ta là đúng đắn và
phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta. Tham nhũng, lãng phí là một hiện
tượng lịch sử, vì vậy, ở các quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng có ở Việt
Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ rõ: “Lênin dạy chúng ta phải ra sức chống quan
liêu, tham ô, lãng phí. Dù vô tình hay là cố ý, duy trì ba bệnh ấy tức là giúp
sức cho kẻ địch và làm hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho Đảng”. Người nhấn
mạnh: “Quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công
vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”.
Đảng,
Nhà nước ta luôn nhìn thẳng vào sự thật, quyết liệt phòng, chống tham nhũng,
lãng phí, nhất là phòng, chống tội phạm tham nhũng, lãng phí. Thời gian qua,
tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh
vực với quy mô khác nhau, trong đó có những vụ, việc xảy ra ở những ngành, lĩnh
vực kinh tế trọng điểm với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi, mức độ sai phạm lớn,
làm thất thoát hoặc thiệt hại nặng nề đối với tài sản của Nhà nước và nhân dân,
gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Trước thực trạng đó, Đảng ta đã có
nhiều chỉ đạo quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao trong công tác phòng, chống
tham nhũng, kiên quyết xử lý đối với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, “không
có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Nghị quyết Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhận định bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra
vẫn tồn tại, trong đó tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng
phí chưa bị đẩy lùi, còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh
tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu
quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII của Đảng, khẳng định: “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả
cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”./.
MD-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét