CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH LÀ SỰ THỐNG NHẤT GIỮA TƯ TƯỞNG VÀ HÀNH ĐỘNG, GIỮA NÓI VÀ LÀM, HƯỚNG TỚI TIẾN BỘ XÃ HỘI

 

Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc. Đồng thời  Người là tấm gương đạo đức sáng ngời cho chúng ta học tập, noi theo.

“Đạo đức” mà Hồ Chí Minh đề cập là đạo đức mới - đạo đức cách mạng, khác hẳn với đạo đức cũ: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng được biểu hiện ở các phẩm chất, như: lòng nhân ái, tính nhân văn cao cả, trung với nước, hiếu với dân, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tinh thần quốc tế trong sáng, v.v. Đây là lĩnh vực nhạy cảm của văn hóa và là cái gốc của sự phát triển.

Trong xã hội hiện đại, luật pháp ngày càng đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn, nhưng ngoài luật pháp thì đạo đức giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết các quan hệ xã hội. Hồ Chí Minh bao giờ cũng chú ý cả “đức trị” và “pháp trị”, xử lý mọi công việc vừa có lý, vừa có tình. Với mỗi con ngư­­ời cụ thể, Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài, nhưng xét về thứ tự ư­u tiên thì Người vẫn cho đức là cơ bản hơn cả. Đạo đức đối với người cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài ngư­­ời là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.5 Có thể nói, cuộc đời Hồ Chí Minh như “pho sách” lớn, biểu tượng sáng ngời về đạo đức, đã lan toả, thẩm thấu, trở thành giá trị văn hóa vĩnh hằng trong các thế hệ ngư­­ời Việt Nam và nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

Tuy vậy, có không ít ng­ười cho rằng, trong kinh tế thị trường, chỉ cần có tài thì ở đâu cũng “sống” đ­ược, cũng đóng góp của cải cho xã hội được, cho nên làm ăn kinh tế không nhất thiết cần đạo đức. Đó cũng là một cách nghĩ, nhưng chắc chắn không phải là cách nghĩ của những người cộng sản, mà Hồ Chí Minh là tiêu biểu. Bởi nó đã tách văn hóa, đạo đức ra khỏi kinh tế và như­­ vậy, con đường làm ăn kinh tế rất dễ đi vào ngõ cụt. Bởi lẽ, mọi sự phát triển đều dựa trên nền văn hóa, đạo đức; nếu không có đạo đức làm cái căn bản thì làm ăn kinh tế chỉ có chụp giật mà thôi. Thế giới càng phát triển nhanh thì người ta càng báo động mạnh hơn về tính bền vững của sự phát triển, về sự mất đi cái tính văn hóa, về sự phai nhạt dần cốt cách của từng dân tộc, về sự tha hóa của chính bản thân con người. Từ lâu, các thế lực thù địch đã ra sức đặt điều, xuyên tạc,… về đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là về đời tư của Người. Chúng lấy đó làm phương pháp hành động chống lại cách mạng Việt Nam. Lúc thì chúng dùng biện pháp, thủ thuật tinh vi, nói xa nói gần, nói vòng vo; lúc thì nói trực diện, trắng trợn, bốp chát, cay nghiệt, chửi rủa,… cốt là để lung lạc tinh thần nhiều người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Nhưng thử hỏi và nhìn lại xem họ đã làm được những gì, lung lạc được những ai, ngoài nhóm người nhẹ dạ cả tin, lập trường hay bị dao động? Cả cuộc đời Hồ Chí Minh luôn phấn đấu vươn tới những giá trị thiện và đẹp, đó là những giá trị cao đẹp nhất mà bất kỳ ai có lương tâm trong sáng đều muốn đạt tới: hướng thiện, chân thành, nhân ái, đấu tranh vì sự tiến bộ, xả thân vì việc nghĩa, lo cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp và giải phóng con người. Hồ Chí Minh quan niệm rằng: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Đúng dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (năm 1969) - năm cuối cuộc đời, Người viết bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” để giáo dục cán bộ, đảng viên. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người không có điều gì phải hối hận, nhưng chỉ tiếc nuối! Tưởng là tiếc nuối về vật chất, chưa được hưởng cái này cái nọ, nhưng cái mà Người tiếc nuối là không được phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Đó là sự tiếc nuối của một nhà văn hóa, đạo đức lỗi lạc; tiếc nuối của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Trong Di chúc, Người viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

 Có thể nói, ở đâu, lúc nào Hồ Chí Minh cũng nói, viết và làm luôn thống nhất với nhau và đều liên quan đến đạo đức. Đó là nếp sống văn hóa thư­­ờng nhật của Hồ Chí Minh. Khi cho đạo đức là cái gốc của cây, cái ngọn nguồn của sông, cái căn bản của ng­­ười cách mạng, Hồ Chí Minh trở thành một trong những ng­ười tiên phong trong cuộc cách mạng về đạo đức; đồng thời là một chiến sĩ văn hóa trong hiện thực cuộc sống. Sự thật này hoàn toàn bác bỏ những lời lẽ xuyên tạc ác độc của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, với Hồ Chí Minh. Hơn thế, họ càng xuyên tạc, phủ nhận thì văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh càng tỏa sáng.

Hồ Chí Minh không phải là ng­­ười chuyên viết sách lý luận về đạo đức, nhưng là ng­ười Việt Nam đầu tiên đề cập đạo đức công dân trong chế độ mới, đã gắn trách nhiệm với nghĩa vụ công dân. Khi đề cập đến cán bộ, đảng viên, Người đã tác động đúng vào khâu “trọng điểm”, “trung tâm” của xã hội. Vì khi Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên là những người tiên phong trong các phong trào cách mạng, là cái gốc của mọi công việc,­­ là dây chuyền của bộ máy. Điều đó cắt nghĩa tại sao trong “hàm lượng” Hồ Chí Minh nói, viết về đạo đức thì Người dành nhiều nhất cho cán bộ, đảng viên. Trong đời sống xã hội, mỗi người luôn có vô vàn các mối quan hệ, nó đan xen, chồng chéo, phong phú và vô cùng phức tạp. Song, tất cả được Hồ Chí Minh quy vào ba mối quan hệ chủ yếu là: đối với người, đối với việc và đối với mình; trong đó, tự mình đối với bản thân mình là khó khăn nhất và Người là gương sáng tự mình làm chủ bản thân mình về văn hóa, đạo đức, từ thuở hàn vi cả đến khi là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước. Bản chất đạo đức Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa nhân đạo truyền thống kết hợp và tiếp nối chủ nghĩa nhân đạo hiện đại tiến bộ, thể hiện đậm nét truyền thống nhân ái, tính chiến đấu không khoan như­­ợng với cái xấu, cái ác, hướng con người tới cái thiện, cái tốt, cái đúng. Đặc tr­ưng đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm, nhiều khi làm nhiều hơn nói, “học” đi đôi với “hành”, lý luận gắn liền với thực tiễn, v.v. Đó là những cặp chỉnh thể, nếu thiếu một vế sẽ là vô nghĩa.

Vẫn còn đó những cán bộ, đảng viên không làm tròn nhiệm vụ, thậm chí có một bộ phận không nhỏ đang suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; một số phạm phải những tiêu cực, như: tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời quần chúng,… nhưng không phải như các thế lực thù địch dựa vào đó, hoặc căn cứ vào cá nhân cán bộ, đảng viên hư hỏng để rồi bôi xấu Đảng ta. Vì theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì Đảng cũng từ trong xã hội mà ra, trong Đảng cũng bị lây ngấm những cái xấu từ bên ngoài vào, nhưng Người tin Đảng ta - Đảng của đạo đức và văn minh - sẽ giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên làm tròn nhiệm vụ của mình.

VTK-H1

0 nhận xét: