CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

LIỆU CÓ THỂ CÓ "CHỦ NGHĨA DÂN TỘC" VÀ "CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC" CHUNG CHUNG Ở VIỆT NAM?

             Có quan điểm cho rằng: Qua hàng nghìn năm không có mục tiêu chủ nghĩa xã hội, Việt Nam vẫn đoàn kết và giành thắng lợi trong chiến tranh chống xâm lược, giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Từ đó cho rằng, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là trên hết, lợi ích dân tộc, quốc gia là vĩnh viễn, bất biến, không thay đổi, còn các loại chủ nghĩa chỉ là phương tiện, biện pháp, luôn thay đổi.

Thực chất, đây là những quan điểm sai lầm, đề cao, tuyệt đối hóa “chủ nghĩa dân tộc”; nhận thức về “chủ nghĩa yêu nước” chung chung, trừu tượng không có tính lịch sử. Bởi, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam một mặt hình thành do lịch sử dân tộc “dựng nước đi đôi với giữ nước”; mặt khác bị chi phối bởi giai cấp thống trị. Trước đây là tư tưởng phong kiến với quan điểm “trung quân, ái quốc”. Tội “bất trung đồng nghĩa với tội phản quốc”.

Chủ nghĩa yêu nước (chủ nghĩa dân tộc) Việt Nam thời phong kiến đã phát huy sức mạnh chống xâm lược phong kiến. Nhưng, cả lý luận và thực tiễn cho thấy khi thế giới xuất hiện sự xâm lược của giai cấp tư sản thì chủ nghĩa dân tộc theo hệ tư tưởng phong kiến không còn phù hợp. Các phong trào yêu nước chống xâm lược tư sản Pháp kéo dài hơn 70 năm lần lượt thất bại.

Muốn chiến thắng quân xâm lược tư sản thì chủ nghĩa yêu nước (chủ nghĩa dân tộc) phải mang một nội dung mới. Quá trình khai thác thuộc địa của chủ nghĩa tư sản thực dân Pháp (1897 – 1914 và 1919 – 1929, xuất hiện những phong trào chống thực dân Pháp (đình công, bãi công, mít tinh, biểu tình, bãi thị, bãi khóa…). Và xu hướng yêu nước có tính chất tư sản cũng hình thành. Nhưng tầng lớp tư sản Việt Nam nhỏ bé lại phụ thuộc tư sản ngoại bang (Pháp, Nhật); chủ nghĩa tư bản thế giới chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, giai cấp tư sản quốc tế trở thành giai cấp phản động toàn diện; cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga thành công 1917, mở ra thời đại mới, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, chủ nghĩa yêu nước theo hệ tư tưởng tư sản cũng trở thành lạc hậu, dẫn đến thất bại (1930 – khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo). “Trong đời tôi chứng kiến 100 lần thất bại, chưa có một lần thành công” (Phan Bội Châu).

Sau 10 năm tìm đường cứu nước (1911 – 1920) Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh tìm được con đường cứu nước đó là chủ nghĩa yêu nước trên lập trường giai cấp công nhân với luận điểm “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải phóng thật sự các dân tộc bị áp bức”, Hình thành đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và truyền bá chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa vào Việt Nam, phong trào yêu nước Việt Nam thập kỷ 20 chuyển sang phong trào yêu nước vô sản, phong trào yêu nước và chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa, là nhân tố chính cho thành công của cách mạng Việt Nam (1945, 1954, 1975…) đặc biệt sau 35 năm đổi mới, “đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như hiện nay”.

Như vậy, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời mỗi giai đoạn lịch sử chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mang tính đặc thù “chủ nghĩa yêu nước phong kiến”, chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa. Không có chủ nghĩa yêu nước chung chung, trừu tượng.

0 nhận xét: