Cục
Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất cơ bản nên đà tăng giá của USD
chưa có dấu hiệu chậm lại. Diễn biến này gây lo ngại cho nhiều thị trường tiền
tệ trên thế giới, trong đó có các nước châu Á.
Sau
khi tỷ giá của đồng USD tăng 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái, đã xuất hiện ý kiến
lo ngại rằng châu Á có thể sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tương tự
năm 1997 (giá trị đồng nội tệ nhiều quốc gia rơi xuống mức thấp kỷ lục). Tuy
nhiên, ý kiến này đã bị bác bỏ.
Tờ
South China Morning Post nhận định, hiện tại thị trường tài chính châu Á đã cải
tổ đáng kể, giúp hệ thống kinh tế ít bị tổn thương hơn khi USD tăng giá so với
cuối thập niên 1990. Ví dụ điển hình là các nước không có quá nhiều khoản nợ bằng
đồng bạc xanh.
Một
số nền kinh tế châu Á cũng đang duy trì thặng dư cán cân thanh toán và dự trữ
ngoại hối được cải thiện nhờ những nỗ lực như Sáng kiến Đa phương hóa Chiang
Mai năm 2010, một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương giữa các thành viên
ASEAN + 3, gồm các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 3 quốc
gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Ngân
hàng trung ương nhiều nước châu Á trước đây giữ ổn định tỷ giá so với đồng bạc
xanh, giờ đã thả nổi tỷ giá theo thị trường. Dù khiến tỷ giá hối đoái biến động
mạnh hơn, chính sách này giúp giảm bớt những sức ép có thể dẫn tới sụp đổ hệ thống
tài chính.
Ngoài
ra, thu nhập ngoại hối của hầu hết các nước châu Á lớn hơn chi tiêu, do đó họ
đã tích lũy được một lượng lớn ngoại hối, có thể mang ra sử dụng khi cần thiết
để duy trì xuất khẩu và ngăn chặn sự mất giá của đồng nội tệ. Hiện nay, tỷ lệ
nhà đầu tư ngoại nắm giữ tài sản địa phương tại châu Á không quá cao, vì vậy bất
kỳ đợt rút vốn nào cũng sẽ không gây ra quá nhiều tổn thất tài chính.
Theo
Exante Data, một công ty chuyên theo dõi dòng vốn toàn cầu, chính phủ các nước
châu Á đã lần lượt can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ bằng cách rút khoảng 50 tỷ
USD từ dự trữ ngoại hối trong tháng 10 - mức cao nhất kể từ tháng 3-2020, để bảo
vệ tỷ giá nội tệ trước sự tăng giá không ngừng của USD. Giảm dự trữ ngoại hối
cũng là xu hướng trên toàn cầu.
Dự
trữ ngoại hối của thế giới trong năm nay đã giảm hơn 1.000 tỷ USD, tương đương
giảm 8,9%, từ đầu năm đến nay, còn chưa đầy 12.000 tỷ USD. Đây là mức giảm mạnh
nhất kể từ khi hãng tin Bloomberg bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 2003.
Ở
Trung Quốc, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất trong
14 năm, buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phải ban hành một loạt biện
pháp để kiềm chế đà mất giá của đồng nhân dân tệ, bao gồm cảnh báo nhà đầu tư
không đặt cược vào sự mất giá của đồng nội tệ Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản
cũng lần đầu tiên can thiệp hỗ trợ đồng yen trong 24 năm qua sau khi đồng yen
rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Dù
có những đánh giá lạc quan, nhưng giới chuyên gia cũng cảnh báo hỗn loạn trên
thị trường ngoại hối đối với các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ vẫn còn đáng kể.
Nhiều khả năng sẽ dẫn tới những khó khăn tương tự như hồi năm khủng hoảng tài
chính năm 2013 nếu các chính phủ không có sự điều chỉnh linh hoạt đối với thị
trường tiền tệ./.
NQV-QSĐP
0 nhận xét:
Đăng nhận xét