CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

ĐẨY MẠNH CUỘC ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG - LÝ LUẬN NHẰM PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TIÊN TIẾN,ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Để phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với việc không ngừng phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, chúng ta cần chủ động định hướng tiếp thu tinh hoa văn hóa bên ngoài. Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa đó không thể không gắn liền với cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận trên lĩnh vực văn hóa. Hơn lúc nào hết, lý luận văn hóa của chúng ta phải trở thành vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng. Với cách nhìn tổng thể và khái quát, có thể thấy, văn hóa vừa thể hiện ở bình diện rộng, vừa thể hiện ở chiều sâu, tầm cao các giá trị mang ý nghĩa sáng tạo và nhân văn mà con người đạt được - những giá trị không chỉ có ý nghĩa đối với một dân tộc riêng biệt, mà còn có ý nghĩa phổ quát trong phạm vi đời sống văn hóa toàn nhân loại. Hội nhập quốc tế hiện nay đang làm cho đời sống văn hóa của đất nước không bị bó khuôn trong những giá trị văn hóa theo hệ tiêu chí chân, thiện, mỹ truyền thống của dân tộc, mà có nhiều văn hóa phẩm của các dân tộc khác đang và sẽ thâm nhập vào mọi phương diện của đời sống xã hội, lan tỏa và thấm sâu vào mọi "mao quản" của xã hội. Đó là xu thế khách quan. Tuy nhiên, sự thâm nhập ấy luôn luôn hàm chứa cả những khả năng thẩm lậu của các phản giá trị nếu chúng ta không kiểm soát, ngăn chặn được. Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc không những không dịu đi như nhiều người lầm tưởng, mà ngày càng diễn ra gay go, quyết liệt, phức tạp và mang nhiều sắc thái mới, trong đó lĩnh vực văn hóa đang là một mũi nhọn cực kỳ quan trọng. Do vậy, muốn phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với việc không ngừng phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để tạo sức mạnh nội sinh của nền văn hóa, chúng ta cần chủ động định hướng sự thâm nhập những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài, nhằm vừa làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam hiện đại, vừa chủ động phá những cạm bẫy "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch về lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa phương châm ấy không thể không gắn liền với cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận trực diện trên lĩnh vực văn hóa. Quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay sẽ trở nên thiếu tính toàn diện, triệt để và khả thi nếu không đi đôi với đấu tranh lọc bỏ những yếu tố phản văn hóa. Hơn nữa, trận địa tư tưởng - lý luận đang là một khía cạnh xã hội có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và để giữ vững trận địa tư tưởng - lý luận thì không thể làm ngơ trước sự tồn tại và hoành hành của các yếu tố phản văn hóa. Trên thực tế, vấn đề xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chưa được thực sự đặt ngang tầm với các nhiệm vụ khác. Văn hóa thường bị xem nhẹ, bị bó hẹp trong văn hóa tinh thần, thậm chí hẹp hơn nữa - chỉ là văn học - nghệ thuật, và ngay cả đối với văn học - nghệ thuật thì chức năng xã hội của nó cũng chưa được nhận thức đầy đủ, sâu sắc. Cuộc đấu tranh nhằm khẳng định các chân giá trị và lọc bỏ những phản giá trị vẫn đang tiếp tục diễn ra gay go và hết sức phức tạp. Di sản văn hóa truyền thống nhiều khi bị lãng quên, không ít giá trị văn hóa lành mạnh trở nên lạc lõng, trong khi nhiều yếu tố văn hóa phi giá trị, thậm chí phản giá trị lại ngang nhiên hoành hành và được một bộ phận trong xã hội tôn thờ. Tác động mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường làm cho các quan hệ văn hóa có những biến dạng như: thiếu gắn bó, hòa đồng trong quan hệ giữa người với người, giữa con người với tổ chức, giữa các cộng đồng văn hóa; chạy theo lợi ích kinh tế, coi nhẹ quan hệ tình nghĩa; đánh giá con người không theo phẩm chất và năng lực thực sự mà chỉ theo độ "tinh khôn" trong "quan hệ", biết cách lấy lòng cấp trên và phỉnh mị quần chúng... Một số hoạt động văn hóa không phục vụ thiết thực cho đời sống của quần chúng nhân dân, không phát huy được vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, trong xây dựng con người và cộng đồng. Các thiết chế văn hóa thiếu đồng bộ, cơ sở vật chất - văn hóa chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, chưa được khai thác, sử dụng hợp lý và phát huy tác dụng tích cực trong đời sống xã hội. Vẫn còn tình trạng coi xây dựng văn hóa chỉ là phong trào "bề nổi", "vô thưởng, vô phạt"; công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa tiến hành chiếu lệ, hời hợt. Thậm chí, có hiện tượng lợi dụng sự phát triển "nhảy vọt" về nhu cầu văn hóa của nhân dân để kiếm lợi... Trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng yếu kém, lệch lạc ấy, có nguyên nhân rất quan trọng từ những mặt còn bất cập trong cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận. Bởi lẽ, để kết hợp chặt chẽ giữa "xây và chống" trong phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trước hết phải có nhận thức đúng, mà để có nhận thức đúng, phải làm cho nền tảng tư tưởng - lý luận khoa học chiến thắng những lý thuyết phản khoa học. Trong thời đại hiện nay, lý luận văn hóa đã có những phát triển rất mới do sự phát triển nhanh chóng của đời sống văn hóa, sự bùng nổ của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, cũng như quá trình chuyên sâu hóa và liên ngành hóa của các khoa học. Khách thể nghiên cứu của lý luận văn hóa hiện đại ngày càng được mở rộng; mặt khác, có nhiều ngành khoa học lấy văn hóa làm khách thể nghiên cứu, do có sự xâm nhập lẫn nhau ngày càng sâu sắc giữa văn hóa và các phương diện khác của đời sống xã hội. Tuy nhiên, do tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong thời đại hiện nay, nên các trường phái lý luận văn hóa đều mang dấu ấn sâu sắc về thế giới quan, hệ tư tưởng, lối sống - đạo đức của các giai cấp nhất định, đặc biệt là các giai cấp có mâu thuẫn đối kháng. Vì vậy, cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận trên lĩnh vực văn hóa phải là một hình thức của cuộc đấu tranh giai cấp, cùng với đấu tranh chính trị, đấu tranh kinh tế... tạo thành sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử, nhiệm vụ chính trị và lợi ích của một giai cấp nhất định. Nó không chỉ có nhiệm vụ phê phán các phản giá trị đang ẩn náu trong nền văn hóa của chúng ta hiện nay, mà còn có nhiệm vụ đấu tranh trực diện bằng vũ khí tư tưởng - lý luận. Thời gian gần đây, do xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ, sự manh nha của kinh tế tri thức... mà không ít người ra sức ca ngợi các lý thuyết phát triển của giới nghiên cứu phương Tây, đến mức coi đó là hình mẫu lý tưởng để áp dụng vào nước ta. Họ không thấy được hầu như tất cả các lý thuyết đó, kể cả những lý thuyết về kết hợp văn hóa và phát triển, đều chỉ nhấn mạnh vào các yếu tố kỹ thuật của sự tăng trưởng kinh tế mà không chú ý đến nhân tố xã hội, nhân tố con người; hơn nữa, do xuất phát từ đặc điểm xã hội "duy kỹ" nên hầu hết các lý thuyết đó đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là hai mục tiêu mâu thuẫn nhau, không thể dung hòa. Một số người, kể cả những nhà văn hóa, đưa ra quan niệm văn hóa là lĩnh vực phi sản xuất, đứng ngoài kinh tế, chỉ là "cái bóng phản chiếu", là kết quả "thăng hoa" của kinh tế; đời sống vật chất có dư dật thì mới nói đến việc mở mang văn hóa. Thái độ của nhà nước đối với văn hóa thường được họ quy về chính sách xã hội, cho nên sự quan tâm đến văn hóa chẳng qua chỉ là sự quan tâm có tính chất "từ thiện". Nhiều người coi văn hóa đơn thuần là sản phẩm thuộc hệ giá trị tinh thần, cho nên nếu có chấp nhận văn hóa như là động lực phát triển kinh tế thì cũng chỉ là sự tác động trở lại của "tính thứ hai" đến "tính thứ nhất", dù thừa nhận đó là sự tác động rất tích cực, năng động. Để tiếp thu một cách chọn lọc những hạt nhân hợp lý của các lý thuyết phát triển đương đại, cần có cái nhìn phê phán trên cơ sở khoa học. Chỉ có đứng vững trên lập trường thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng, chúng ta mới có công cụ nhận thức vĩ đại để xây dựng lý luận khoa học về triết học văn hóa, xã hội học văn hóa, nhân học văn hóa, đạo đức học văn hóa..., cũng như phát triển thực tiễn đúng hướng về văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa tổ chức xã hội, văn hóa nghệ thuật, văn hóa ứng xử, giao tiếp, văn hóa quân sự... Chính vì vậy, để phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay, cuộc đấu tranh trên mặt trận lý luận văn hóa, nhất là đấu tranh chống những quan điểm lệch lạc, phản động, cần đứng vững trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng ta về văn hóa và xây dựng nền văn hóa. Trên nền tảng tư tưởng ấy, cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận cần tập trung khẳng định, quần chúng nhân dân không chỉ là người hưởng thụ thành quả văn hóa mà còn là chủ thể tích cực của quá trình sáng tạo văn hóa. Không thể phủ nhận trong di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, có không ít giá trị dân tộc ta đã tiếp biến được từ các nền văn hóa khác trong quá trình giao lưu văn hóa. Nhưng bản sắc văn hóa độc đáo mang hồn dân tộc - cái "bộ gien" di truyền về mặt văn hóa của dòng giống "con Lạc, cháu Hồng" mà các thế hệ hôm nay có được - là do chính bàn tay, khối óc của tổ tiên chúng ta sáng tạo nên. Để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay, phải hết sức coi trọng việc khơi dậy niềm tự hào và ý thức kế thừa những di sản văn hóa quý báu ấy - sự kế thừa hết sức sáng tạo, nếu không muốn tự mình rơi vào căn bệnh thủ cựu: hoặc bê nguyên xi "cái cổ truyền", hoặc "nệ cổ" vô lối. Kế thừa văn hóa phải gắn với đổi mới văn hóa và phát triển văn hóa thì mới làm cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện đầy đủ bản chất sáng tạo và nhân văn của văn hóa. Có đẩy mạnh cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận trên lĩnh vực văn hóa, chúng ta mới khắc phục được những nhận thức lệch lạc coi nhẹ vai trò chủ thể sáng tạo văn hóa của quần chúng nhân dân, cũng như bác bỏ những mưu toan hòng nhân danh sáng tạo văn hóa để phủ nhận truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, phủ nhận vai trò nền tảng của các di sản văn hóa dân tộc. Đấu tranh tư tưởng - lý luận trên lĩnh vực văn hóa cần tập trung nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là những thành tựu kỳ diệu của khoa học và công nghệ hiện đại. Chỉ khi có nhận thức đúng, các tầng lớp nhân dân mới chủ động, tích cực tham gia xây dựng nền văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội.Và đến lượt nó, thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc một cách khoa học mới có thể góp phần nâng cao hiệu quả khắc phục tệ nạn xã hội, chống lại sự suy thoái về đạo đức, lối sống, phê phán tư tưởng sùng ngoại và khuynh hướng lai căng văn hóa, đấu tranh không khoan nhượng với nhận thức, hành vi phủ nhận giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam. Sự kết hợp chặt chẽ giữa "xây và chống" trong quá trình nâng cao nhận thức đúng đắn của cán bộ, nhân dân về văn hóa và xây dựng văn hóa sẽ làm cho nền văn hóa của nước ta hiện nay thực sự tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, thông qua hoạt động thực tiễn tổ chức xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong sự kết hợp chặt chẽ giữa "xây và chống" mà nhận thức của nhân dân về văn hóa không ngừng được nâng cao. Đấu tranh tư tưởng - lý luận phải bênh vực cho quan điểm biện chứng về mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế: văn hóa nằm ngay trong kinh tế và kinh tế nằm trong văn hóa. Văn hóa không phải là sự phản ánh thụ động, là sản phẩm tự phát của kinh tế. Bởi vậy, không nên cho rằng, chỉ cần phát triển kinh tế thì văn hóa tự khắc phát triển theo. Có những nước kinh tế phát triển cao mà văn hóa, đạo đức, lối sống lại suy đồi. Trái lại, có nước trình độ phát triển kinh tế chưa cao nhưng ngay từ đầu đã coi trọng mở mang văn hóa, giáo dục để "làm kế sâu rễ bền gốc" cho sự phát triển. Bản thân sự phát triển kinh tế cũng không phải chỉ do các yếu tố kinh tế đơn thuần như lao động, vốn, công nghệ và tài nguyên thiên nhiên mang lại, mà ngày càng phụ thuộc vào tiềm năng sáng tạo của nguồn lực con người, từ sự hiểu biết đến đạo đức, lối sống, thị hiếu, trình độ thẩm mỹ... của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội. Vì vậy, để phát triển xã hội bền vững, cần tìm ra những phương thức cho kinh tế bắt rễ được trong văn hóa, thấm đậm những giá trị văn hóa, tham gia xây dựng con người và cộng đồng về văn hóa. Cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận về văn hóa phải đi tiên phong trong việc phê phán nhằm khắc phục các phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời trong đời sống văn hóa của cộng đồng xã hội. Quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay sẽ trở nên thiếu tính toàn diện, triệt để và khả thi nếu không đi đôi với đấu tranh lọc bỏ những yếu tố phản văn hóa. Bởi lẽ, nếu thất bại trong cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận thì chúng ta không thể định hướng đúng đắn cho việc xây dựng, phát triển những thành tố văn hóa lành mạnh để đủ sức tự khắc chế các phản giá trị. Đặc biệt, lý luận văn hóa phải trở thành vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống lại chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng. Hơn lúc nào hết, lý luận văn hóa của chúng ta hiện nay phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận nhằm phê phán các quan điểm và hành động phản văn hóa như: hoài nghi và phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; dao động mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thoái hóa về chính trị - tư tưởng, sa đọa về đạo đức, lối sống; sùng bái nước ngoài, coi thường các giá trị văn hóa dân tộc... Tất nhiên, để đấu tranh thắng lợi thì vũ khí phải sắc bén. "Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí"(1), nhưng muốn phê phán lý luận phản văn hóa, chúng ta phải được trang bị bằng vũ khí lý luận văn hóa cách mạng, được lý luận ấy dẫn đường. Hơn nữa, đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa cần được tiến hành một cách văn hóa. Bởi vì, cũng như những giá trị văn hóa, một khi đã đi vào tư tưởng, tâm hồn, tình cảm con người thì những yếu tố phản văn hóa sẽ trở thành nếp nghĩ, nếp làm, ăn sâu, bám rễ vào nhân cách, không thể dùng biện pháp hành chính thuần túy mà gột rửa được. Trong cuộc đấu tranh đó, trước hết phải phân định được những yếu tố phản văn hóa nào là những cái đã lỗi thời, lạc hậu, gây cản trở sự phát triển của nền văn hóa; yếu tố nào phản ánh những mặt tiêu cực ngay trong đời sống và hoạt động; yếu tố nào là do sự thẩm lậu từ bên ngoài; yếu tố nào nảy sinh từ sự nhận thức yếu kém, lệch lạc của nhân dân; yếu tố nào là do âm mưu phá hoại của địch về văn hóa... Cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận trên lĩnh vực văn hóa cần tập trung khẳng định, bảo vệ và phát triển nền tảng lý luận ở nước ta là thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và hệ thống quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về những vấn đề văn hóa và xây dựng văn hóa. Nội dung của toàn bộ hệ thống lý luận về văn hóa của chúng ta trước hết phải thể hiện chức năng khẳng định các chân lý, các giá trị văn hóa của nhân loại và của từng dân tộc. Song, việc chuyển tải các chân lý và các giá trị đó đến con người nhằm tích cực góp phần làm sáng tỏ những vấn đề có tính nguyên tắc trong nhận thức và trong thái độ ứng xử đối với văn hóa phải thông qua vai trò đặc biệt quan trọng của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mặt khác, việc tiến hành đấu tranh thắng lợi nhằm bảo vệ nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm của Đảng ta về văn hóa và xây dựng văn hóa sẽ làm cho quá trình phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay luôn được định hướng đúng đắn, khoa học, chống được những lực cản cả hữu hình và vô hình, không bị rơi vào hữu khuynh hoặc "tả" khuynh. Đó là một trong những điểm mấu chốt của phương pháp luận mác-xít để đấu tranh tư tưởng - lý luận trên lĩnh vực văn hóa, và càng có ý nghĩa quan trọng khi nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. NXT-H1 ______________________________________ (1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t1, tr 580

0 nhận xét: