Hiện nay, trên không gian mạng
xã hội đang lan truyền quan điểm “dân sự hóa” Quân đội, với những thủ đoạn che
giấu tinh vi của các thế lực thù địch, đã khiến cho không ít người nhẹ dạ cả
tin. Vì vậy, việc nhận diện kịp thời và phê phán sự phi lý, phản động của quan
điểm “dân sự hóa” Quân đội là việc làm cấp thiết trong công tác bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng hiện nay.
Một số học giả nước ngoài đang
ra sức tuyên truyền cho quan điểm “siêu giai cấp” của Quân đội, “dân sự hóa”
Quân đội và đi đến kết luận: Quân đội là công cụ của toàn xã hội. Họ cho rằng,
"sự tồn tại của Quân đội là cần thiết để bảo đảm cho hoạt động bình thường
của bất kỳ hệ thống xã hội nào. Vì vậy, Quân đội là tổ chức đứng ngoài xã hội
và không có bản chất giai cấp; là lực lượng vũ trang “trung lập về chính trị”
và phải được “dân sự hóa” triệt để”. Thực chất của quan điểm trên nhằm thực hiện
mưu đồ “vô hiệu hóa” quân đội ở các nước xã hội chủ nghĩa dẫn đến dao động về
tư tưởng, mất phương hướng chính trị, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu,
hướng tới xóa bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội
nhân dân (QĐND) Việt Nam. Đây là một thủ đoạn nham hiểm trong chiến lược “diễn
biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.
Bên cạnh đó, một số người còn viện
dẫn vào học thuyết “Tam quyền phân lập”, ở một số nhà nước tư sản đã ban hành
luật thể hiện “dân sự quản lý quân sự”, quân đội tách ra khỏi sự ảnh hưởng, chi
phối của đảng phái. Điều này là hoàn toàn không đúng trong thực tế.
Bởi lẽ, phía sau chính phủ vẫn
là một chính đảng đảng cầm quyền (hoặc chi phối chính sách của chính phủ). Các
đảng cầm quyền vẫn can thiệp vào quản lý nhà nước về quốc phòng. Với tính cách
là một hiện tượng chính trị-xã hội, bất cứ quân đội nào trong lịch sử cũng mang
bản chất giai cấp sâu sắc. Sự quyết định bản chất giai cấp của một quân đội là ở
chỗ: Quân đội đó là chỗ dựa của chế độ chính trị-xã hội nào; hoạt động của quân
đội đó bảo vệ lợi ích cho giai cấp nào và bản chất giai cấp của nó phụ thuộc một
cách trực tiếp vào bản chất giai cấp của nhà nước đã tổ chức ra quân đội đó. Bản
chất giai cấp của quân đội còn được thể hiện trong quá trình xây dựng và tổ chức
quân đội. Giai cấp thống trị bảo đảm sự vững mạnh về chính trị của quân đội, bảo
đảm phương hướng phát triển và hoạt động của quân đội phù hợp với lợi ích của
giai cấp đó. Để giữ vững phương hướng chính trị và tăng cường bản chất giai cấp
cho quân đội, giai cấp thống trị tiến hành truyền bá hệ tư tưởng của nó cho
quân đội bằng hệ thống giáo dục có tính chất áp đặt về tư tưởng cho binh lính;
thực hiện triệt để đường lối tổ chức, phương hướng hoạt động và kiểm soát mọi
hoạt động của quân đội. Điều này đã được ghi nhận theo điều lệnh quân đội Mỹ,
sĩ quan chỉ huy chịu trách nhiệm về giáo dục tư tưởng và tinh thần binh sĩ.
Quân đội Mỹ duy trì cả một bộ máy tuyên truyền gọi là “cơ quan thông tin và
giáo dục quân đội” để tiến hành công tác tư tưởng. Trong các quân chủng của
quân đội Mỹ đều có cơ quan thông tin. Bên cạnh việc lãnh đạo công tác tuyên
truyền, cổ động, cơ quan này còn chuẩn bị và xuất bản những sách giáo khoa về
tư tưởng, những tài liệu phát thanh, báo chí, phát hành những phim ảnh ca tụng
chủ nghĩa tư bản.
Như vậy, sự ra đời, tồn tại và
phát triển của quân đội luôn gắn với vai trò của giai cấp và nhà nước. Thực tế
cho thấy, giai cấp và nhà nước luôn giữ vai trò quyết định đối với quân đội về
chính trị, tư tưởng và tổ chức. Về chính trị, giai cấp và nhà nước quyết định mục
tiêu, lý tưởng chiến đấu và các chức năng, nhiệm vụ cơ bản của quân đội. Đồng
thời, hệ tư tưởng của giai cấp đó luôn giữ vai trò thống trị đối với quân đội,
chi phối đến đời sống tinh thần của quân đội. Về tổ chức, giai cấp và nhà nước
quyết định đường lối, nguyên tắc tổ chức xây dựng quân đội; quyết định cơ chế
lãnh đạo, thành phần chỉ huy và binh lính tham gia trong quân đội.
Bên cạnh đó, hoạt động của quân
đội phụ thuộc vào chế độ chính trị-xã hội, chịu sự quy định của giai cấp và nhà
nước tổ chức ra nó. Là một bộ phận của chỉnh thể xã hội thuộc kiến trúc thượng
tầng, quá trình phát triển của quân đội tất yếu chịu sự chi phối, tác động của
các quy luật xã hội nói chung.
Trong các yếu tố ảnh hưởng đến bản
chất giai cấp của quân đội, yếu tố giai cấp luôn tác động trực tiếp, mạnh mẽ và
quyết định nhất. Quân đội nào cũng do nhà nước tổ chức ra và chịu sự chi phối bởi
đường lối chính trị của một giai cấp. Bài học xương máu của Liên Xô và các nước
xã hội chủ nghĩa Đông Âu cho thấy, khi đảng cộng sản mất vai trò lãnh đạo, sự
biến chất của nhà nước là không tránh khỏi và hậu quả tất yếu của nó là làm cho
quân đội mất phương hướng chính trị. Mặc dù năm 1991, Hồng quân Liên Xô có quân
số hơn 3 triệu người nhưng đã không bảo vệ được chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ.
Đó là bi kịch lớn của lịch sử!
Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời
ngày 22-12-1944 từ những tổ chức vũ trang tiền thân trong phong trào đấu tranh
cách mạng giành độc lập, tự do của dân tộc, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch
Hồ Chí Minh trực tiếp sáng lập, tổ chức, lãnh đạo. Lịch sử cách mạng Việt Nam
đã khẳng định tính tất yếu, đặc thù ra đời và vai trò to lớn của Quân đội nhân
dân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Bởi vậy, về bản
chất, Quân đội nhân dân Việt Nam là Quân đội kiểu mới, công cụ bạo lực vũ trang
của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và mang bản chất giai cấp công
nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc.
Là công cụ bạo lực vũ trang chủ
yếu của nhà nước xã hội chủ nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với các giai
cấp, thành phần của toàn dân tộc tiến hành đấu tranh chống lại các thế lực xâm
lược để giành độc lập dân tộc và thực hiện thống nhất nước nhà. Sau khi đất nước
độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Quân đội nhân dân Việt
Nam là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực tế
lịch sử đấu tranh cách mạng cho thấy, từ khi ra đời đến nay, dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội ta luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được
giao phó. Bản chất giai cấp công nhân và truyền thống vinh quang của Quân đội
ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn
sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm
vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Nhưng thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 35 năm đổi mới toàn diện đất
nước, có sự đóng góp rất quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Là Quân đội kiểu mới do Đảng Cộng
sản Việt Nam lãnh đạo, vì vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam mang bản chất giai cấp
công nhân sâu sắc. Bản chất đó được biểu hiện sâu sắc ở mục tiêu, lý tưởng chiến
đấu; hệ tư tưởng và nguyên tắc tổ chức xây dựng Quân đội. Đảng Cộng sản Việt
Nam và nhà nước xã hội chủ nghĩa quyết định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; quyết
định các nguyên tắc tổ chức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Hệ tư
tưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã hiến định chương IV về bảo vệ Tổ quốc, bao gồm
các Điều 64 đến Điều 68 đã thể hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng Cộng sản
Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bảo vệ Tổ quốc.
Kiên định, vận dụng và phát triển
sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo,
cầm quyền của Đảng; kiên định, giữ vững nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam là
người tổ chức và lãnh đạo, Nhà nước quản lý Quân đội nhân dân Việt Nam-là nhân
tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội và là nhân tố bảo đảm
chính trị của Quân đội ta.
Các thế lực thù địch, phản động
từ trước đến nay cũng hiểu rất rõ điều đó. Do vậy, chúng luôn tìm mọi cách công
kích, phá hoại, nhằm tiến tới loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội,
trong đó có quan điểm “dân sự hóa” Quân đội, tạo nguyên cớ cho các thế lực có
thâm thù với cách mạng tiến hành “cuộc chiến không đánh mà thắng”, tiến tới xóa
bỏ hoàn toàn chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Vì vậy, việc nhận diện kịp thời
và phê phán sự phi lý, phản động của quan điểm “dân sự hóa” Quân đội là việc
làm cấp thiết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. Việc
phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức, các lực lượng trong phòng, chống luận
điệu “dân sự hóa” Quân đội, góp phần tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
suy cho cùng cũng là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữ vững và tăng
cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối
với Quân đội nhân dân Việt Nam./.
PVĐ-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét