CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

BÁC HỒ CHỌN “VÕ TƯỚNG”

 Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, thì tại làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cậu bé Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời. 29 năm sau hai người mới chính thức gặp gỡ rồi trở thành đồng chí, thành thầy trò...Năm 1992, trả lời nhà báo Pháp Daniel Roussel, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, chính trong thời gian ở Côn Minh (Trung Quốc), mặc dù biết ông là nhà giáo, có viết báo và chỉ quen với việc cầm bút, nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lại đề nghị ông nghiên cứu vấn đề quân sự.

Sau này trở về Việt Nam, ở Pác Bó, khi thảo luận về sự cần thiết chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, Bác Hồ đã trao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ phát triển phong trào Việt Minh ở vùng Cao Bằng. Và Người kiên quyết nhắc lại, ông phải chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức quân sự. Nhận nhiệm vụ Bác giao, Võ Nguyên Giáp đã phát triển các tổ chức quần chúng, trước hết là các tổ chức chính trị, sau đó là các đội tự vệ. Đến tháng 12-1944, Bác Hồ lại giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trọng trách thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội ta. Bác hỏi: Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không? Đồng thời với khẳng định “có thể được” trước Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến sức mạnh vô cùng to lớn của đồng bào, đến lòng yêu nước tha thiết, có thể hy sinh tất cả vì Tổ quốc của những người dân đã được Đảng giác ngộ. Ông viết trong hồi ký: “Đêm hôm ấy, chúng tôi nằm nghe Bác nói chuyện rất khuya... Trong căn lều lạnh giá, không đèn đóm, Bác và chúng tôi, mỗi người gối đầu trên một khúc gỗ cứng. Bác phác ra những nét chính về Đội Việt Nam Giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động, và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược. Bác hướng dẫn cho tôi làm một bản kế hoạch. Bác dặn đi dặn lại nhiều lần: Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của đội phải lấy chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo".

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam-làm lễ thành lập. Kể từ đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu bước vào cuộc đời của một vị tướng cầm quân suốt cuộc trường chinh của dân tộc, chỉ huy Quân đội ta lập nên những chiến công vang dội. Đội quân ấy dưới sự chỉ huy của vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã góp phần quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của đất nước. Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ. Tại lễ phong quân hàm ngày 28-5-1948, Người long trọng tuyên bố: "Nhân danh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm trọn sứ mệnh mà quốc dân phó thác".

Từ đây, ở tuổi 37, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Việt Nam. Điều này thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào "Võ Đại tướng", cũng như khẳng định sự lựa chọn thiên tài của Bác trong dùng người: Bác không chọn một nhà quân sự được đào tạo bài bản mà chọn một thầy giáo dạy sử, một sinh viên luật học làm người đứng đầu quân đội của một Chính phủ non trẻ. Và không phụ sự kỳ vọng của Người, nhà giáo ấy đã chỉ huy đội quân mà “tiền đồ của nó rất vẻ vang”. Ban đầu chỉ với 34 chiến sĩ được trang bị vũ khí thô sơ, ngày nay đã trở thành một quân đội cách mạng, chính quy ngày càng hiện đại, có thể “đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”!

 

Related Posts:

0 nhận xét: