CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO MỚI

 

Hiện tượng tôn giáo mới (HTTGM) hay còn gọi là “tôn giáo mới” là thuật ngữ dùng để chỉ những tôn giáo hay tổ chức mang tính tôn giáo xuất hiện sau các tôn giáo truyền thống chính thống. Từ “mới” ở đây chủ yếu là để xác định về mặt thời gian xuất hiện một hiện tượng tôn giáo, không mang hàm ý đánh giá tốt hay xấu. Do đó, những HTTGM còn được gọi là “đạo mới”, “đạo lạ”.

HTTGM thường có quy mô nhỏ, tổ chức phức tạp, có thể được tách ra hoặc nảy sinh từ tôn giáo chính thống hoặc tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống và có quan hệ về mặt tư tưởng với tôn giáo, tín ngưỡng đó. Trong cơ cấu tổ chức, nội dung hoạt động, bản chất của HTTGM có một số đặc điểm mới, cho dù nó có nguồn gốc từ một tôn giáo chính thống, rõ ràng. Những người lập ra HTTGM này thường tự cho mình có “thiên tính”, có trách nhiệm với “thần linh” được “thế lực siêu nhiên” nào đó trao nhiệm vụ đứng ra lập “đạo”. Các “đạo” này có tín điều riêng nhưng thường nhào nặn, lắp ghép từ các giáo lý, giáo luật, lễ nghi sinh hoạt tôn giáo chính thống, tín ngưỡng truyền thống và được cải biên gắn với một số yếu tố đời sống tín ngưỡng của xã hội thực tại. Những HTTGM này thường có những hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng mang tính “mê tín dị đoan” nhưng chưa có yếu tố cực đoan, chính trị như “tà đạo”. Nhưng cũng có HTTGM tiếp thu học tập tôn giáo, tín ngưỡng gốc để cùng tồn tại và phát triển. Do đó, nếu cho rằng tất cả các HTTGM đều là “tà giáo” hoặc cho rằng HTTGM và “tà giáo” không có liên quan gì thì đều chưa thực sự chính xác.

Bên cạnh đó, các HTTGM còn được gọi là “tạp giáo” hay “tạp đạo” vì: Có những HTTGM có biểu hiện phức tạp và đa dạng, như: Tự xem tổ chức của mình là một tôn giáo, là “đạo” nhưng vượt xa giáo lý, giáo luật của các tôn giáo chính thống, hoặc đơn giản đến mức tầm thường hóa các tôn giáo đó. Ở khía cạnh này chúng gần giống khái niệm “tôn giáo lờ mờ” của phương Tây, hoặc “tôn giáo hỗn tạp” của Trung Quốc; Bản thân HTTGM tự nhận là một tôn giáo nhưng cũng chưa phải là tôn giáo, vì thiếu các yếu tố cấu thành tôn giáo; Các HTTGM rất đa dạng, có loại tiêu cực, cực đoan, có loại bi quan, hoặc kích động bạo lực; có loại tích cực hoặc đan xen cả tích cực và tiêu cực... Do đó, có thể hiểu “tạp giáo” hay “tạp đạo”  là biểu hiện của HTTGM, chúng đang trong quá trình vận động mà chưa hình thành đầy đủ các yếu tố cấu thành tôn giáo, cho nên về xu hướng, có thể một số tổ chức này sẽ phát triển thành tôn giáo, hoặc ngược lại sẽ biến mất do thiếu những yếu tố của một tôn giáo.

Như vậy, có thể hiểu: “Hiện tượng tôn giáo mới là những hiện tượng có tính tôn giáo, mới xuất hiện trong gần đây nhằm tập hợp một số người xung quanh một nhân vật tự xưng là “Đấng tiên tri”, hoá thân của thần linh, siêu nhân có những quyền năng phi thường đứng ra lập đạo; có giáo lý riêng được nhào nặn, lắp ghép từ nhiều nguồn sơ sài; có tổ chức riêng nhưng lỏng lẻo; có nghi lễ riêng hay cách thức thực hành nghi lễ nhưng ở mức độ là những hiện tượng có tính tôn giáo, chưa thể hiện với tư cách là một tôn giáo”. Các HTTGM thường có các đặc điểm như: Là những hiện tượng có tính tôn giáo; mới xuất hiện từ những năm gần đây; có giáo chủ tự xưng là Đấng tiên tri; có tổ chức lỏng lẻo; Giáo lý, lễ nghi khá đơn giản, chưa hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống; Đa số hàm chứa yếu tố mê tín, một số mang mầu sắc chính trị.

0 nhận xét: