CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

KỈ NIỆM 80 NĂM “ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM” (1943 – 2023)

           Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện lịch sử có giá trị đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, kháng chiến, đặt nền móng cho sự vận động và phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Đề cương đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó đã xác định đúng phạm vi, tính chất, nội hàm của văn hóa. Ngay trong phần đặt vấn đề, đề cương nhấn mạnh: “Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”. Cụm từ “bao gồm cả” cho thấy văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, trong đó bao chứa những thành tố cơ bản là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật.

          Hiện nay có hàng trăm định nghĩa về văn hóa, nhưng theo Giáo sư – Viện sĩ Trần Ngọc Thêm trong tài liệu “Cơ sở văn hóa Việt Nam” thì: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình. Văn hóa là thành quả, là tài sản chung của loài người”.

          Theo cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Văn hoá là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, nó làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió và thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được, để không ngừng phát triển và lớn mạnh”.

          Như vậy có thể hiểu văn hóa là tất cả những gì có được trong hoặc liên quan đến cuộc sống của loài người, từ văn hóa vật thể đến phi vật thể, từ văn học nghệ thuật (nghệ thuật bao gồm: âm nhạc, kiến trúc, hội họa, điêu khắc ...), lịch sử, địa lý đến văn hóa trong mọi khía cạnh khác nhau của cuộc sống có tác động đến tư tưởng, tình cảm của con người như: Văn hóa giao thông; văn hóa ẩm thực; văn hóa trong trang phục; văn hóa trong cưới hỏi; văn hóa tang ma; văn hóa làng xã ...

          Tôi xin đưa ra một ví dụ và so sánh nhỏ về văn hóa ẩm thực (văn hóa ăn) của người Việt Nam:

          + Người phương Tây dùng một bộ đồ ăn gồm dao để cắt, dĩa để xiên (mô phỏng động tác của con thú cắn, xé mồi), đĩa để đựng, mỗi thứ thực hiện một chức năng riêng lẻ và ít khi nói chuyện khi ăn.

          + Người phương Đông dùng đũa và thìa để lấy thức ăn vào bát của mình, ăn cùng nhau trong cùng một mâm và thích nói chuyện thân mật trong bữa ăn để tạo cảm giác gần gũi, đây là cách ăn phổ biến của người châu Á. Nó là cách ăn đặc thù mô phỏng động tác của con chim nhặt hạt, xuất phát từ những thói quen ăn những thứ không nên dùng tay bốc hoặc mó tay vào (như cơm, cá, nước mắm…) của cư dân Đông Nam Á.

          Đôi đũa của người Việt thực hiện một cách tổng hợp và rất linh hoạt hàng loạt chức năng khác nhau: gắp và xé, dầm, khoắng, trộn, vét và nối cho cánh tay dài ra để gắp thức ăn xa!

          - Bên cạnh yếu tố tư tưởng, học thuật thì nghệ thuật được xác định là bộ phận đặc biệt nhạy cảm, tinh tế của văn hóa. Nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X (2008) về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, khẳng định: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

          Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, sau khi nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ thêm "tôi nhớ trước đây, một vị tiền bối từng nói văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất".

          Tổng bí thư nói văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ. "Người ta thường nói một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa... Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng", Tổng bí thư nhấn mạnh.

          "Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội...", Tổng bí thư nói, dẫn chứng "gần đây tôi không thấy có bài hát nào hay. Tôi nói vậy mong các văn nghệ sĩ đừng giận".

ĐTT-KBS

0 nhận xét: