So sánh là khập khiễng, nhưng có một sự so sánh mà chúng ta rất khó giải thích, đó là sự phát triển thần kỳ của một số nền kinh tế mới nổi ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan; thậm chí ngay cả với một số nước ở Đông Nam Á thì kinh tế phát triển ấn tượng hơn nước ta. Đó cũng là một hiện thực khiến cho một số người tin vào luận điệu “lý luận về CNXH là sai lầm và lỗi thời”.
Đúng là người ta thường so sánh quy
mô, tốc độ phát triển kinh tế giữa nước ta và một số nền kinh tế mới “hóa
rồng”, “hóa hổ” để đổ lỗi cho Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Họ “thấy cây mà chẳng thấy rừng”,
nếu đúng như họ nói, đi theo con đường TBCN là con đường phồn vinh vĩnh viễn
thì tại sao vẫn còn hàng chục, thậm chí cả trăm quốc gia phát triển theo mô hình
TBCN ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á... lâm vào đói nghèo, lạc hậu, chiến tranh sắc
tộc liên miên. Nhìn thấy bức tranh tổng thể của các nước TBCN, chúng ta rút ra
những bài học cho riêng mình, nhất là kinh nghiệm thành công của những nước đã
“hóa rồng”, “hóa hổ” nhưng đồng thời càng tự tin vững bước theo con đường Đảng,
Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.
Trên thực tế, chúng ta không hề
giấu giếm những sai lầm, hạn chế và khó khăn trong quá trình xây dựng CNXH ở
Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đánh giá “tăng trưởng kinh tế thấp
hơn 5 năm trước, không đạt mục tiêu đề ra; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức
cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp”, kèm theo đó là những hạn chế, yếu kém về
mặt xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế... Đảng ta đã nghiêm khắc tự phê bình rằng,
tình trạng trên có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng trực tiếp và quan trọng
nhất là nguyên nhân chủ quan. Đó là những hạn chế trong đánh giá, dự báo tình
hình, trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trong công tác lãnh đạo,
quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Nhìn tổng thể qua 33 năm đổi mới
thì chúng ta phải nhận rõ, chúng ta bắt đầu công cuộc đổi mới từ một nước nông
nghiệp lạc hậu, điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, bị tàn phá sau cuộc chiến
tranh khốc liệt kéo dài suốt 30 năm và 10 năm căng mình bảo vệ hai đầu biên
giới. Đặc biệt là khó khăn, sức ỳ đến từ những quan điểm, tác phong mang nặng
tính chất của nền văn hóa nông nghiệp. Chúng ta đổi mới mà không có kinh nghiệm
tiền lệ, không còn sự hỗ trợ của hệ thống các nước XHCN như trước, nhiều thế
lực bên ngoài, một bộ phận bên trong lại ra sức chống phá... Trong điều kiện
đó, trong suốt 33 năm qua, chúng ta đã duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung
bình cao trên 6,5%/năm; GDP bình quân đầu người từ 80USD lên xấp xỉ 2.800 USD
năm 2019. Đời sống nhân dân được cải thiện một bước cơ bản... Thành tựu phát
triển đó là không thể phủ nhận, được bạn bè quốc tế đánh giá cao và nhiều học
giả phương Tây ghi nhận.
Để có được những thành tựu đó, Đảng
và Nhà nước ta đã có những bước đi dũng cảm về mặt nhận thức, sự đổi mới mạnh
mẽ về chính sách kinh tế-xã hội. Từ một nền kinh tế bao cấp hoàn toàn dựa trên
sở hữu công cộng chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; từ một nhà
nước theo mô hình chuyên chính vô sản sang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN;
từ chỗ bị bao vây cấm vận chuyển sang mở cửa hội nhập theo tinh thần “là
bạn, là đối tác tin cậy, và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc
tế”. Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước trên thế giới,
trong đó có 2 đối tác toàn diện đặc biệt, 15 đối tác chiến lược, 11 đối tác toàn
diện 2 đối tác chiến lược theo từng lĩnh vực. Quan hệ kinh tế - thương mại và
đầu tư không ngừng phát triển nhanh chóng với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh
thổ...
Những thành tựu đó khẳng định vai
trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời là sự khẳng định vai trò của Chủ nghĩa
Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là nền tảng tư tưởng, nguồn lực
tinh thần cho sự phát triển của đất nước. Những người tìm cách đổ lỗi cho học
thuyết Mác-Lênin, gán những hạn chế, yếu kém của Việt Nam cho Chủ nghĩa Mác-Lê
nin đã cố tình xuyên tạc nhằm mục đích chính trị là thay đổi nền tảng tư tưởng,
thay đổi đường lối, mục tiêu xây dựng CNXH bằng một chủ thuyết khác, bằng một
mô hình xã hội khác. Mục đích ấy đơn thuần để phục vụ cho lợi ích của một nhóm
người nào đó chứ không vì lợi ích của đông đảo nhân dân, không vì lợi ích chung
của toàn dân tộc.
Chúng ta chỉ ra những luận điệu
xuyên tạc, đổ lỗi cho Chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là để bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, mà sâu xa hơn là bảo vệ giá trị cốt lõi, sự trong sáng, tính
khoa học và nhân văn của văn hóa dân tộc. Đồng thời, cũng là lời nhắc nhở cán
bộ, đảng viên nâng cao nhận thức của chính mình về Chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tư
tưởng Hồ Chí Minh, để tìm hiểu rõ hơn, quán triệt sâu sắc hơn, thấm nhuần hơn
quan điểm thực tiễn, quan điểm lịch sử cụ thể khi vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lê
nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc đề ra đường lối, chủ trương, chính sách xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét