Cứ vào dịp cả
nước kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/5) trên một số diễn đàn,
trang mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại
tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng của
Người.
Do vậy, việc
nhận diện, phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc không chỉ góp phần bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng mà còn khẳng định sức sống, giá trị tư tưởng Hồ Chí
Minh. Đồng thời, đó còn là trách nhiệm, lương tâm, tình cảm đối với lãnh tụ vĩ
đại của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Luận điệu sai
trái, xuyên tạc. Một số hội
nhóm, tổ chức, cá nhân phản động, bất mãn lấy danh nghĩa là “nghiên cứu cuộc đời,
sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh” đưa ra luận điệu: “thực chất Hồ Chí Minh là
người theo chủ nghĩa dân tộc”, “chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là
chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”. Họ giải thích tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng
cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng đấu tranh giai cấp, không có tư
tưởng về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, họ ngụy biện rằng, Hồ Chí Minh
không phải là người theo chủ nghĩa cộng sản; tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với
chủ nghĩa Mác-Lênin, đối lập với đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam vì tư tưởng
Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc, còn đường lối của Đảng là theo tư tưởng đấu
tranh giai cấp…
Đây thực chất
là một cách diễn đạt sai lệch. Cách diễn đạt này dù vô tình hay hữu ý đã bỏ qua
tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm giai cấp của Chủ tịch Hồ Chí
Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Với cách diễn đạt
ấy đã tước bỏ tính đảng và lập trường cách mạng chân chính trong tư tưởng Hồ
Chí Minh, thực chất là để phủ nhận tư tưởng của Người.
Thậm chí, những
kẻ chống phá, cơ hội cố tình bóp méo, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, đối lập
tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, chia rẽ, phá vỡ từng bộ phận cấu
thành trong nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. Mục đích của
các thế lực thù địch nhằm để thực hiện mưu đồ chính trị chống phá Đảng ta trên
lĩnh vực tư tưởng, lý luận là nhằm làm cho Đảng xa rời, từ bỏ nền tảng tư tưởng,
từ bỏ thế giới quan, phương pháp luận khoa học, kim chỉ nam cho mọi hành động của
Đảng, dẫn đến từ bỏ mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thực
tế, nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như
thực tiễn thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng của giai cấp
vô sản, là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của
cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa
Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị
truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là
tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi
đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Kế thừa, vận
dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin để giải quyết đúng đắn vấn đề
dân tộc với giai cấp. Từ khi thực
dân Pháp xâm lược (1858) và đặt ách thống trị ở nước ta cho đến đầu thế kỷ XX,
các ngọn cờ cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và tư sản đã chiến đấu rất quyết
liệt và anh dũng, song tất cả đã bị đàn áp đẫm máu và thất bại. Thực tiễn đó
cho thấy, không thể giải quyết vấn đề dân tộc, giành độc lập dân tộc dựa trên
những quan điểm phong kiến hay tư sản.
Trong điều kiện
lịch sử ấy, Nguyễn Tất Thành với lòng yêu nước, thương dân, với nhãn quan chính
trị sắc sảo đã nhận thấy không thể cứu nước và giải phóng dân tộc theo con đường
của các bậc tiền bối và Người đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng
dân tộc. Điểm xuất phát và là động lực tinh thần của sự ra đi tìm đường cứu nước,
cứu dân của Hồ Chí Minh là chủ nghĩa yêu nước chân chính. Người đặt cho mình
cái tên Nguyễn Ái Quốc là để luôn nhắc nhở bản thân và cổ vũ đồng bào mình lòng
yêu nước.
Năm 1920,
Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa
của Lênin. Luận cương chỉ rõ, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải
đi theo con đường cách mạng vô sản. Đó là chân lý của thời đại, là giải đáp cho
điều mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở, tìm tòi. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc xác định
“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách
mạng vô sản” ¹ . Lúc này Người có sự chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước truyền
thống sang chủ nghĩa yêu nước theo lập trường giai cấp vô sản. Năm 1924, Nguyễn
Ái Quốc đã khẳng định, đối với các dân tộc thuộc địa ở phương Đông, “chủ nghĩa
dân tộc là động lực lớn của đất nước”. Người đánh giá cao động lực của chủ
nghĩa dân tộc nhưng chủ nghĩa dân tộc theo quan niệm của Người phải theo lập
trường vô sản.
Tiếp thu chủ
nghĩa Mác - Lênin, tự nhận là học trò của C. Mác, V.I Lênin nhưng Nguyễn Ái Quốc
không thụ động mà dùng lập trường, quan điểm, phương pháp luận mác xít để vận dụng
và phát triển những nguyên lý, quy luật chung của cách mạng thế giới vào đặc điểm
tình hình các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Người luận giải, những luận
điểm về chủ nghĩa đế quốc như một con đỉa có hai vòi; tính chủ động chủ yếu của
cách mạng thuộc địa; nội dung chủ yếu của cách mạng thuộc địa; quy luật thành lập
đảng ở các nước thuộc địa… Đó là những cống hiến lý luận to lớn của Người đối với
phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới.
Nắm vững học
thuyết về cách mạng vô sản và học thuyết giai cấp, đấu tranh giai cấp của chủ
nghĩa Mác - Lênin, đồng thời bám sát đặc điểm của thực tiễn Việt Nam và thế giới,
Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện ra những nét đặc thù của Việt Nam so với các quốc
gia khác, đặc biệt là các nước phương Tây. Người nhận thấy, nếu như ở phương
Tây, mâu thuẫn giai cấp đã trở nên sâu sắc thì ở Việt Nam, mâu thuẫn giữa toàn
thể dân tộc với chủ nghĩa thực dân Pháp và bè lũ tay sai là mâu thuẫn hàng đầu,
đấu tranh giải phóng dân tộc mới là vấn đề gay gắt và nóng bỏng đối với cách mạng
Việt Nam chứ chưa phải là đấu tranh giai cấp như trong các xã hội tư bản chủ
nghĩa phương Tây. Quan điểm này của Người được thể hiện rõ ở “Chính cương vắn tắt”,
“Sách lược vắn tắt” và “Điều lệ tóm tắt” trong Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản
Việt Nam năm 1930, đó là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng
để đi tới xã hội cộng sản” 2. Trong đó, nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền
là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và bọn phong kiến “làm cho nước Nam được hoàn toàn
độc lập”, nhân dân được tự do, tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc làm của công
và chia cho nông dân nghèo, quốc hữu hoá toàn bộ xí nghiệp của tư bản đế quốc,
lập chính phủ công - nông - binh và quân đội công nông...
Quan điểm này
tiếp tục khẳng định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (Khóa I, tháng 5/1941):
“Trong lúc này quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy... nếu không giải quyết được
vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho dân tộc thì chẳng
những còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp vạn năm
cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc”³.
Đây chỉ là một
phần dẫn chứng nhưng đủ để cho thấy tư tưởng và hành động nhất quán để giải quyết
đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp; kết hợp đúng đắn đấu
tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp của Hồ Chí Minh. Chính điều đó đã thực sự
trở thành chiến lược chỉ đạo toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam, cũng nhờ đường
lối đúng đắn đó mà đã huy động được toàn thể nhân dân Việt Nam muôn người như một
chống lại kẻ thù chung, giành độc lập cho dân tộc.
Thắng lợi của
cách mạng Việt Nam khẳng định giá trị, sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh
Thắng lợi của
Cách mạng Tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến chiến thắng
lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc những
năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thời kỳ đất nước tiến hành cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 -1975), Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch
Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến
lược cách mạng khác nhau ở hai miền: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và
cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm thực hiện mục tiêu chung
trước mắt của cả nước là giải phóng miền Nam, hoà bình, thống nhất Tổ quốc, đưa
cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong công cuộc
đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nước ta đã vươn lên trở thành nước đang phát triển,
có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất
và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống
chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng
cố; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ
vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành
viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế. Thêm một
lần nữa khẳng định sức sống mãnh liệt và giá trị vô cùng to lớn của tư tưởng Hồ
Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.
Không chỉ
nhân dân Việt Nam mà nhân dân tiến bộ trên thế giới còn ca ngợi, công nhận tư
tưởng và những cống hiến của Hồ Chí Minh đã có quyết định đối với sự phát triển
của cách mạng Việt Nam và góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc,
giải phóng giai cấp, giải phóng con người vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ
và tiến bộ xã hội. Ngay từ năm 1970, nhà triết học Nhật Bản Singô Sibata đã viết
cuốn sách có tiêu đề “Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng” và cho rằng: “Nguồn gốc thắng
lợi của Việt Nam, trong một mức độ lớn, bắt nguồn từ trình độ cao của triết học
và lý luận mà nhân dân Việt Nam đạt được”. Báo chí Cuba coi “Hồ Chí Minh là một
trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”. Cựu Tổng Bí thư Đảng
Cộng sản Mỹ Gớt Hôn thì cho rằng: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một lãnh tụ và là một
nhà tư tưởng Mácxít - Lêninnít vĩ đại của thế giới... Cả loài người sẽ đời đời
trân trọng giữ gìn những cống hiến của Người vào kho tàng của chủ nghĩa Mác”.
Còn UNESCO thì khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân khát vọng của các
dân tộc trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy
hiểu biết lẫn nhau”./.
LNH - H3
0 nhận xét:
Đăng nhận xét