CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

SỰ NHẤT QUÁN VỀ TIẾP TỤC HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở NƯỚC TA

             Tóm tắt: Quá trình 35 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã từng bước nghiên lý luận, tổng kết thực tiễn, đề ra những quan điểm, chủ trương về phát triển nền kinh tế thị trường kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong đó, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là quan điểm nhất quán của Đảng. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được Đảng và Nhà nước ta xây dựng, hoàn thiện trong nhiều năm qua, đến nay đã đạt được những thành tựu nhất định, song vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục bổ sung, phát triển quan điểm đó.

1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là quan điểm nhất quán của Đảng trong tiến trình đổi mới

Suốt tiến trình đổi mới đất nước, Đảng ta đã có những nhận thức mới cả về lý luận và thực tiễn về bản chất kinh tế thị trường và mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, quan điểm về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta luôn được quan tâm, bổ sung, phát triển mang tính nhất quán và xuyên suốt.

Ngay từ Đại hội VI, Đảng ta đã đề ra đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trên cơ sở củng cố thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa và “sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác”[1]. Khẳng định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, “sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hóa - tiền tệ”, “sản xuất phải gắn với thị trường, mọi hoạt động kinh tế phải so sánh chi phí với hiệu quả”[2], “mở rộng giao lưu hàng hóa, xóa bỏ tình trạng ngăn sông, cấm chợ, chia cắt thị trường theo địa giới hành chính”, “thi hành chính sách một giá, đó là giá kinh doanh thương nghiệp”[3].

Hội nghị Trung ương 2 (khóa VII) đã đề cập đến thể chế kinh tế: “Bổ sung, sửa đổi thể chế nhằm bảo đảm cho kinh tế tư nhân được phát huy không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; được tự do lựa chọn hình thức kinh doanh, kể cả liên doanh với nước ngoài theo những điều kiện do luật định”[4].

Đến Đại hội IX, Đảng ta đã tiến lên một bước cao hơn, khẳng định: Mô hình kinh tế tổng quát của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dưới góc độ thể chế kinh tế, tại Hội nghị Trung ương 6 (Khóa X), Đảng ta khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa “Đó là nền kinh tế trong đó các thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường được tự giác tạo lập và sử dụng để giải phóng triệt để sức sản xuất, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”[5].

Xuất phát từ tình hình thực tiễn, trong nhiệm kỳ Đại hội XI, XII, Đảng ta tiếp tục thể hiện nhất quán quan điểm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhận thức ngày càng rõ hơn, cụ thể hơn; đồng thời đề ra chủ trương, đường lối để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế.

2. Quan điểm về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ ở nước ta tại Đại hội Đảng lần thứ XIII

Tổng kết thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gần 35 năm qua, Đại hội Đảng XIII nhận định: “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp vối yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Nhiều rào cản tham gia thị trường được dỡ bỏ; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp khá sôi động. Doanh nghiệp nhà nước từng bước được sắp xếp, tổ chức lại có hiệu quả hơn; kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế tập thể từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, là bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta”[6].

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta vẫn còn những bất cập. Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước. Việc tiếp cận một số nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Cải cách hành chính còn chậm.

Về những hạn chế trọng việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội Đảng XIII đã chỉ rõ: “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch. Chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Thể chế phát triển, điều phối kinh tế vùng chưa được quan tâm và chậm được cụ thể hóa bằng pháp luật nên liên kết vùng còn lỏng lẻo…

Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ công còn lúng túng. Một số loại thị trường, phương thức giao dịch thị trường hiện đại chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, chưa hiệu quả, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đồng bộ”[7].

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đặc biệt là nguyên nhân nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ, ảnh hưởng đến quá trình thống nhất nhận thức chung và định hướng hành động trong vấn đề tiếp tục hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ở phần định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục thể hiện nhất quán quan điểm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã viết: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh”[8].

Văn kiện cũng xác định rõ: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đẩy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ, kể cả các dịch vụ công cơ bản.

Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực. Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử. Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm... trên nền tảng công nghệ số với kết cấu hạ tầng, công nghệ và phương thức giao dịch hiện đại. Phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ. Phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản; thị trường quyền sử dụng đất. Phát triển thị trường lao động linh hoạt gắn với cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thị trường. Xử lý tốt những bất cập của cơ chế thị trường, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái”[9].

Để góp phần thống nhất nhận thức và định hướng hành động về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ ở nước ta trước thềm Đại hội XIII của Đảng, cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên các vấn đề sau. 

Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quá trình phát triển liên tục; kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn đổi mới ở nước ta; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Hoàn thiện thể chế kinh tế đi đôi với hoàn thiện thể chế chính trị mà trọng tâm là đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và cán bộ. Có bước đi phù hợp, vững chắc, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện. Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.

3. Đấu tranh phản bác một số quan điểm sai trái phủ nhận chủ trương tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Những năm qua, nhận thức của cán bộ và nhân dân ta về vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được nâng lên đáng kể, song, trong thực tế vẫn còn những nhận thức chưa rõ. Chính từ những hạn chế, yếu kém này mà các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng để ngụy biện, xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng ta nói chung và thể chế kinhh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói riêng.  

Nhận thức sai lệch cho rằng việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sách lược trong một giai đoạn nhất định.

Thực tế có những nhận thức sai lệch cho rằng thể chế kinh tế thị trường về cơ bản và lâu dài không dung hợp với chủ nghĩa xã hội, cho nên việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã chủ nghĩa chỉ là sách lược ngắn hạn, chứ không phải là chiến lược ổn định, lâu dài.

Nhận thức sai lệch trên dẫn đến việc một số người cho rằng: thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay sẽ sớm bị loại bỏ để thay thế bằng một thể chế kinh tế khác, mà ở đó, kinh tế tư nhân sẽ bị xóa bỏ. Đó chính là cơ sở để một số thế lực thù địch lơi dụng nhằm chống phá ta. Chúng ngụy biện rằng nước ta thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để rồi sau này sẽ tiến hành “quốc hữu hóa”, tịch thu, “rải thóc bẫy chim sẻ”, “vỗ béo để làm thịt”, làm cho một số người dân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài lo lắng, không dám mạnh dạn đầu tư tài sản, công sức của mình vào tham gia phát triển nền kinh tế đất nước.

Đảng và Nhà nước ta chủ trương nhất quán thực hiện lâu dài thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sẽ không “quốc hữu hóa” kinh tế tư bản, tư nhân như các thế lực thù địch xuyên tạc, bịa đặt.

Thực tế trên đặt ra vấn đề phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong cán bộ, nhân dân ta và với cộng đồng quốc tế rằng việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhằm đến mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cùng với đó, phải chỉ rõ những nhận thức mơ hồ để khắc phục và kiên quyết vạch trần, đấu tranh với các quan điểm xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, bất mãn trong vấn đề này.

Nhìn nhận, suy diễn theo kiểu cơ học về vai trò của thị trường và Nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong những năm qua, đã xuất hiện không ít những nhìn nhận, đánh giá phiến diện, một chiều về mối quan hệ giữa vai trò của thị trường và vai trò của Nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là theo nguyên tắc “bập bênh”, nghĩa là bên này tăng lên thì bên kia giảm xuống và ngược lại. Không thấy được việc sử dụng đồng bộ vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường theo nguyên tắc bổ sung cho nhau, kết hợp mặt mạnh của Nhà nước và mặt mạnh của thị trường, đồng thời hạn chế mặt yếu của Nhà nước và mặt yếu của thị trường trong những điều kiện cụ thể.

Trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ các nguồn lực của xã hội, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sức sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Về vấn đề trên, thực tế không những ở nước ta, mà trên thế giới, cũng có nhiều nhà kinh tế, học giả thường xuyên tranh luận với một đề tài có vài thế kỷ nay, rằng nên thực hiện vai trò của nhà nước và vai trò của thị trường trong thể chế kinh tế thị trường như thế nào. Với các quan điểm nhìn nhận phiến diện rằng nên “thị trường nhiều hơn, nhà nước ít hơn”, hay ngược lại “nhà nước nhiều hơn, thị trường ít hơn”…

Ngộ nhận rằng tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ chủ yếu nằm ở chính sách xã hội và chính sách phân phối

Thực tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng vẫn còn có ngộ nhận rằng tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chủ yếu nằm ở chính sách xã hội và chính sách phân phối, vì vậy đối với quá trình sản xuất kinh doanh, Nhà nước cần giảm tối đa sự can thiệp, để cơ chế thị trường phát huy tối đa vai trò tự động điều tiết nền kinh tế; Nhà nước chỉ cần tập trung vào hoàn thiện các chính sách xã hội và chính sách phân phối.

Chúng ta cần chỉ rõ rằng, tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải chỉ thể hiện ở phương diện chính sách xã hội, lại càng không phải chỉ là sự bao cấp xã hội, mà tính định hướng xã hội chủ nghĩa phải được thể hiện đồng bộ ở ba phương diện: xây dựng cơ chế phát triển để giải phóng triệt để sức sản xuất của tất cả các thành phần kinh tế; hướng tới mục tiêu từng bước nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, dân giàu, nước mạnh; thực hiện tốt các mục tiêu về phát triển con người, các chính sách xã hội, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quan điểm nhất quán của Đảng ta; đồng thời là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó cần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (2017), Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa X, Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, tr.139.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005),  Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb CTQG, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XIII, Nxb CTQG, Hà Nội.

5. Nguyễn Quang Bình (2022), “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Tư duy đột phá và sáng tạo của Đảng ta”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, số 6, tr.3-9.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005),  Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb CTQG, Hà Nội, tr.44.

[2]Sđd, tr.71.

[3] Sđd, tr.73.

[4] Sđd, tr.75.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa X, Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, tr.139.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XIII, tập 1, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr.59, 60.

[7] Sđd, tr.80, 81.

[8] Sđd, tr.114.

[9] Sđd, tr.132 - 133.

0 nhận xét: