CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh kết hợp với hoạt động đối ngoại bảo vệ biển, đảo

 Thế giới và khu vực đang trải qua thời kỳ nhiều biến động phức tạp, khó đoán định, đặc biệt những diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay. Nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển, xu thế đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ nét, trở thành xu thế chủ đạo, vai trò của các tổ chức khu vực trên các châu lục ngày càng gia tăng, tạo mối quan hệ đan xen vừa tăng cường hợp tác, vừa cạnh tranh chiến lược. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở khu vực Biển Đông ngày càng quyết liệt chưa có dấu hiệu lắng xuống, cùng với sự can dự của một số nước lớn ngoài khu vực đã làm cho vùng biển này có lúc trở thành điểm nóng, khó đoán định.

Những thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đặt ra yêu cầu mới đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Do vậy, Đảng, Nhà nước có những giải pháp chiến lược, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia - dân tộc trên biển. Do vậy “Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh kết hợp với hoạt động đối ngoại bảo vệ biển, đảo” là một trong những giải pháp quan trọng  hàng đầu,  để thực hiện tốt giải pháp đó, chúng ta cần phải thực hiện  các nội dung biện pháp sau:

Một là, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trên biển: Quản lý nhà nước trên biển là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng pháp luật của nhà nước đối với các quá trình kinh tế  - xã hội, các hoạt động của xã hội và hành vi của con người trên biển nhằm duy trì và phát triển các mối quan hệ, các hoạt động theo đúng định hướng của Nhà nước trong việc khai thác thăm dò các tiềm năng của biển, thực thi chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, hải đảo và thềm lục địa quốc gia.

Chức năng chủ yếu của nhà nước quản lý trên biển là: Bảo đảm thi hành pháp luật của nhà nước và các điều ước quốc tế có liên quan mà nhà nước đã ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa quốc gia; tổ chức và thực hiện tìm kiếm cứu nạn trên biển; bảo vệ và kiểm soát môi trường, xử lý các vụ ô nhiễm biển... Quản lý nước Nhà nước trên biển là hoạt động mang lại lợi ích cho kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.

Hai là, xây dựng thế trận “kết hợp kinh tế với QP-AN” trên biển.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Nội dung chính của việc xây dựng thế trận kinh tế với quốc phòng - an ninh trên biển là xây dựng các khu vực kinh tế - quốc phòng - an ninh và quốc phòng - an ninh - kinh tế trên biển và ven biển. Trong khi quy hoạch các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế trọng điểm ở ven biển, cần kết hợp hài hoà giữa lợi ích kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh trong bố trí các cơ sở vật chất - kĩ thuật cũng như trong xây dựng kết cấu hạ tầng sao cho vừa phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, vừa sử dụng được cho QP-AN khi cần thiết. Thực chất là cần kết hợp chặt chẽ việc phát triển các đô thị, xây dựng các khu kinh tế ven biển với xây dựng các khu vực phòng thủ của các tỉnh, huyện ven biển và huyện đảo.

Ba là, xây dựng Quân đội đáp ứng yêu cầu bảo vệ biển, đảo trong thời kỳ mới: Đảng, Nhà nước ta thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng - an ninh. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với QĐND, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng - an ninh”.

          Bốn là, dự kiến những tình huống chiến lược có thể diễn ra trên vùng biển nước ta như: xung đột vũ trang trong tranh chấp biển đảo ở quy mô nhỏ, khi đối phương thực hiện lấn dần...Các tình huống trên không diễn ra đơn độc, mà liên kết một số tình huống để đánh chiếm toàn bộ quần đảo của ta, đối phương có thể phong tỏa một số căn cứ, bến cảng của ta, hoặc dùng hỏa lực đánh phá ven biển; hoặc hỗ trợ bạo loạn lật đổ, có thể đổ bộ đường biển hoặc tập kích hỏa lực vào ven biển; đổ bộ đường biển tiến hành chiến tranh xâm lược, phong tỏa biển.

Để có thể giành thắng lợi trong bất cứ tình huống nào trên biển, Quân đội ta phải có sự phát triển vượt bậc về sức mạnh chiến đấu trên cả ba chiều không gian của biển (trên mặt nước, dưới mặt nước và vùng trời của biển).

Năm là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển: Trong điều kiện tình hình hiện nay trên Biển Đông, hoạt động đối ngoại có vai trò hết sức quan trọng có thể khai thác những nhân tố tích cực, hạn chế những nhân tố tiêu cực, góp phần to lớn vào việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, giữ vững hòa bình và ổn định trên biển. Kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển bằng đàm phán hòa bình trên cơ sở các bên tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau. Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh kết hợp với hoạt động đối ngoại bảo vệ biển, đảo góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng  phồn vinh, ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nước ta thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

0 nhận xét: