CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

MUỐN ĐƯA VIỆT NAM ĐI XA HÃY ĐI CÙNG NHAU


Ba mươi năm trước, Việt Nam là một quốc gia như thế nào? Liên Xô sụp đổ, vừa mới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, vẫn bị cấm vận, sở hữu một nền kinh tế vẫn còn những dấu ấn bao cấp nặng nề, khốn khổ. Và cũng chỉ vừa mới kết thúc chiến tranh, im tiếng súng được vài ba năm… Nhiều người cứ nghĩ rằng Việt Nam chấm dứt chiến tranh từ năm 1975? Không đâu, tới tận đầu những năm 90 của thế kỷ trước cơ. Khi bước vào thế kỷ mới, Việt Nam tuy đã tạm bỏ lại những cực khổ ở khía sau, nhưng vẫn còn rất khó về nhiều mặt. Việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài hay những thế hệ người Việt trở về phụng sự quốc gia luôn là một điều khó khăn… Nhưng khó khăn không có nghĩa là không có ai dám làm.

Năm 2023, Việt Nam đã là một quốc gia như thế nào?

Cách đây 10 năm, có bao giờ các bạn nghĩ rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư hàng tỷ đô để xây dựng nhà máy ở Hoa Kỳ không? Cũng ở mốc thời gian, liệu có dám tin rằng tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt Thái Lan khá xa rồi hay không? Và có lẽ trong mơ, những người Thái đã từng hy vọng sẽ cạnh tranh với Hàn Quốc, Đài Loan, họ từng không coi Việt Nam là đối thủ giờ lại đang bị một Việt Nam “thúc đít” và báo giới nước này không ít lần phải thừa nhận rằng “Thái có thể sẽ bị Việt Nam vượt qua”. Một quốc gia mà cách đây 30 năm GDP chỉ là 13 tỷ đô và sau 30 năm dự kiến tăng lên 33 lần lên tới 430 tỷ đô vào năm nay. Năm 1993, GDP đầu người của Việt Nam chỉ là 185 đô, chỉ bằng 2/3 so với thu nhập của người dân Campuchia và Lào, 1/5 thu nhập của người dân Philippines, 1/12 thu nhập của người dân Thái Lan… Hiện nay, bộ mặt đô thị, đường xá, hạ tầng đã thay đổi nhanh chóng…

Việt Nam của hiện tại, đã có những doanh nghiệp vươn tầm thế giới, đầu tư vào cả chục quốc gia, có những doanh nghiệp đã đứng vào loại hàng đầu thế giới ở một số lĩnh vực riêng, đã xuất khẩu xe hơi, thép sang các nước phát triển… Có những thương hiệu trị giá hàng tỷ đô, có những tập đoàn tư nhân vốn hóa hàng chục tỷ đô… Đã có giải thưởng công nghệ thu hút được rất nhiều tinh hoa tham gia.

Dĩ nhiên, nói về câu chuyện Việt Nam hôm nay sẽ là một câu chuyện rất dài về cả những điều tồn đọng, chưa đạt được và đã đạt được khác. Và Việt Nam cần những gì để có thể đi lên hơn nữa, khắc phục được những yếu kém và chưa hoàn thiện? Những trái tim dũng cảm dám vươn xa, những khối óc sẵn sàng suy nghĩ lao động và học tập, những thái độ cầu thị học hỏi, tinh thần khởi nghiệp và dám đặt những mục tiêu lớn lao…

Trong thể thao có thuật ngữ “Miracle Run” để nói về những con người, đội tuyển có xuất phát điểm thấp nhưng lại có được một hành trình dài vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những thành tích đáng tự hào và xuất sắc. Và mới đây, trong một diễn đàn ASEAN, người ta cũng dành thuật ngữ này để nói về vươn lên của Việt Nam sau 30 năm. Dĩ nhiên, Việt Nam vẫn chưa thể tiến bước vào hàng ngũ những quốc gia phát triển, nhưng quan trọng là chúng ta đám đặt mục tiêu, dám làm, dám lao động, dám để trái tim bay cao tự hào để cố gắng… Như câu chuyện mà Tiktoker du học sinh Sỹ Anh trải qua, khi bạn ấy ở Mỹ, vô tình học lớp kinh tế và được giảng viên đưa chiếc xe Vinfast vào làm ví dụ, đó có lẽ là khoảnh khắc cho chúng ta thấy rằng Việt Nam cũng “ra gì đấy”, người ta không còn chỉ biết đến Việt Nam nhờ chiến tranh nữa.

Những điều tốt đẹp nảy mầm từ những khát khao giản dị. Những điều vĩ đại đều xuất phát từ những thứ nhỏ bé. Mỗi thành tựu đạt được đều phải trải qua những giờ phút khó khăn, lao động và phấn đấu. Mỗi con người đều có những hành trình riêng, nhiều hành trình riêng được thực hiện tạo ra một hành trình chung cho Tổ Quốc.

Có câu nói quen thuộc thế này “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Và mỗi quốc gia trong hành trình phát triển và tiến ra biển lớn, thì mỗi công dân cũng sẽ phải đặt những dấu chân vươn thật xa, thật nhanh, thật vững vàng.

Việt Nam của 30 năm sau sẽ là một quốc gia như thế nào? Điều đó phụ thuộc vào tất cả chúng ta. 

 

0 nhận xét: