CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

TÍNH PHI LÝ CỦA QUAN ĐIỂM “QUYỀN CHÍNH TRỊ LÀ QUYỀN CON NGƯỜI QUAN TRỌNG NHẤT, DUY NHẤT”, NHƯNG LẠI COI NHẸ QUYỀN SỐNG VÀ QUYỀN PHÁT TRIỂN CỦA CON NGƯỜI


Người dân trên thế giới hiện nay, nhất là người dân ở các nước đang phát triển đều có khát vọng, mong muốn về kinh tế phồn vinh, xã hội tiến bộ cũng như chất lượng sống không ngừng được nâng lên. Vì thế, có thể cho rằng, ở nhiều quốc gia, quyền sống và quyền phát triển trở nên bức thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Trong thời kỳ đấu tranh nhằm lật đổ chế độ phong kiến, quyền sống và quyền phát triển là một vũ khí được giai cấp tư sản nhấn mạnh. Tuy nhiên, khi giai cấp tư sản giành được quyền lực nhà nước thì họ lại “vứt bỏ” những quyền này, đặt quyền sống và phát triển của nhân dân lao động sang một bên, thay vào đó nhấn mạnh một cách phiến diện các quyền chính trị. Thật là phi lý khi lập luận rằng, chỉ khi ưu tiên cho dân chủ và nhân quyền, kinh tế và xã hội mới có thể phát triển; sự phát triển về kinh tế và xã hội phải trên cơ sở thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của dân chủ và nhân quyền. Với nhận thức này, một số nước phương Tây nhấn mạnh việc thực hiện dân chủ, nhân quyền ở các nước trên thế giới, cũng như dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của một số nước. Trên thực tế, việc nhấn mạnh quyền chính trị mà coi nhẹ các quyền khác của con người, nhất là quyền sống và quyền phát triển là không có cơ sở. Về vấn đề này, cần nhận thức đúng đắn và khẳng định các vấn đề sau:

Cần phải kiên trì tính không thể tách rời và tính lệ thuộc lẫn nhau của quyền con người. Các quyền dân sự, chính trị; quyền kinh tế, văn hóa và xã hội lệ thuộc lẫn nhau, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau. Theo quan điểm của Liên hợp quốc, tất cả quyền con người và tự do cơ bản đều không thể tách rời, mà có sự lệ thuộc lẫn nhau. Việc thực thi, bảo vệ, tăng cường đối với quyền công dân và các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cần được coi là bức thiết như nhau và cần được chú ý như nhau. Vì vậy, việc các nước phương Tây tuyệt đối hóa quyền chính trị, nhưng lại coi nhẹ các quyền khác của con người là thiếu khách quan, không đúng bản chất quyền con người.

Quyền sống và quyền phát triển là quyền con người cơ bản nhất. Quyền độc lập của một quốc gia, quyền sống, quyền phát triển của công dân là các quyền con người cơ bản nhất. Không có quyền sống, các quyền khác của con người đều trở nên vô nghĩa; quốc gia không độc lập, quyền sống của người dân khó được bảo đảm; kinh tế, văn hóa, xã hội không phát triển, đời sống của người dân khó có thể được nâng cao. Vì thế, quyền độc lập, quyền sống và quyền phát triển là những quyền con người cần được ưu tiên.

Đối với các nước đang phát triển, quyền sống và quyền phát triển có ý nghĩa rất quan trọng, cần phải được ưu tiên hơn so với một số quyền khác. Nhiệm vụ bức thiết mà các nước đang phát triển cần quan tâm, giải quyết đó chính là những vấn đề cơ bản, thiết yếu, như ăn, ở, mặc, đi lại, việc làm, giáo dục, sức khỏe, cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân. Quyền chính trị dù rất quan trọng, nhưng các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội được bảo đảm thì mới có điều kiện thực hiện quyền chính trị. Nếu quyền kinh tế, văn hóa, xã hội không được bảo đảm thì việc thực hiện quyền chính trị trở nên khó khăn.

Nhấn mạnh quyền sống và quyền phát triển không có nghĩa là coi nhẹ hay phủ nhận các quyền chính trị. Các nước phương Tây luôn rêu rao rằng, “quyền chính trị là quyền con người quan trọng nhất, thậm chí là quyền con người duy nhất”. Đây là quan điểm phiến diện, không phù hợp với thực tế. Cho dù quyền tự do, dân chủ về chính trị là một trong những quyền con người quan trọng, có vai trò không thể thiếu đối với việc thực hiện quyền sống và quyền phát triển, nhưng không phải là quyền con người duy nhất.

Việc thực hiện quyền con người là một quá trình tiệm tiến, chịu sự chế ước bởi những điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, vừa không thể yêu cầu quá cao, nằm ngoài các điều kiện hiện thực, vừa không được bằng lòng với hiện thực, lạc hậu so với nhu cầu hiện thực của sự phát triển xã hội. Các phương diện có thể làm được, Đảng và Nhà nước ta đã đáp ứng tốt nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân. Không chỉ bảo đảm các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội, mà các quyền dân sự, chính trị rất được coi trọng thúc đẩy với tính đồng bộ, toàn diện, nhất là không ngừng bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của người dân.

0 nhận xét: