Trong
kỷ nguyên số, không gian mạng ngày càng trở thành mặt trận chính trong cuộc đấu
tranh ý thức hệ. Với những ưu thế nổi trội so với các phương tiện truyền thông
truyền thống, nhất là tính siêu kết nối, tính mở, khó kiểm soát, tính nặc
danh…, các phương tiện truyền thông mới bị các thế lực thù địch triệt để lợi
dụng để phát tán các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian
mạng, biến thành công cụ đắc lực chống phá Đảng, Nhà nước ta. Với lượng người
dùng internet cao của nước ta (tính đến tháng 1-2021, số lượng người dùng
internet và các phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam lần lượt chiếm 70,3%
và 73,7% tổng dân số), những thông tin xấu độc có ảnh hưởng, tác động tiêu cực
rất lớn tới xã hội. Hằng ngày, có hàng nghìn tin, bài chống phá được các thế
lực thù địch tung lên không gian mạng, gây nhiễu loạn thông tin, hướng lái công
chúng truyền thông hiểu sai lệch, gia tăng sự bất đồng thuận, kích động những
tư tưởng bất mãn, phản kháng, chống đối với Đảng, Nhà nước. Nếu chủ quan, lơ
là, mất cảnh giác hoặc thiếu những giải pháp đấu tranh hữu hiệu, để những thông
tin xấu độc tràn lan trên không gian mạng sẽ gây nên những hệ lụy khôn lường.
Trong
các thông tin xấu độc trên không gian mạng, những luận điệu xuyên tạc, sai
trái, thù địch tấn công trực diện vào những vấn đề lý luận cốt lõi thuộc nền
tảng tư tưởng của Đảng ta đặc biệt nguy hiểm. Hiện nay, sự chống phá này không
chỉ ở diện rộng bằng những bài viết dung tục, thù hận, cực đoan một chiều như
trước đây, các thế lực thù địch đầu tư xây dựng và sử dụng ngày càng nhiều bài
viết đa tầng thông tin, đa quan điểm, với nhiều chiêu trò đánh tráo khái niệm,
ngụy tuyên truyền hết sức tinh vi, khiến công tác đấu tranh của ta càng thêm
khó khăn, phức tạp.
Nội
dung thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch hết sức đa dạng, phức tạp, trên
tất cả các lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa, xã
hội…, trong đó tập trung tấn công vào một số nội dung cốt lõi thuộc hệ tư
tưởng, đường lối của Đảng ta:
*
Các thế lực thù địch đòi Đảng ta từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng
tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Chúng bài bác chủ nghĩa Mác -
Lê-nin, tập trung tấn công vào những vấn đề nguyên tắc then chốt, luận điểm cơ
bản nhất, như phê phán quy luật giá trị thặng dư; bác bỏ chủ nghĩa duy vật lịch
sử, mà nền tảng là bác bỏ bản chất cách mạng và khoa học của lý luận hình thái
kinh tế - xã hội; phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và bản chất
giai cấp công nhân của Đảng ta; phủ nhận lý luận về chủ nghĩa xã hội và xuyên
tạc mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta… Chúng công kích,
xuyên tạc nhằm “hạ bệ” tư tưởng Hồ Chí Minh bằng phủ nhận nội dung, giá trị tư
tưởng của Người; cắt rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác -
Lê-nin; tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận gián tiếp tư tưởng của
Người, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lỗi thời, chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ
Chí Minh để nâng cao tính dân tộc của Đảng. Nói xấu, bôi nhọ đời tư, hình ảnh
lãnh tụ cộng sản, lãnh tụ Đảng ta.
*
Chống phá, xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước hiện nay, nhất là đường lối đổi mới của Đảng ta.
Chúng đồng nhất đổi mới chính trị với thay đổi chế độ chính trị. Phủ nhận, bôi
đen những thành tựu; cường điệu, thổi phồng, khoét sâu vào những tiêu cực,
khuyết tật, tạo cái nhìn đen tối, bi quan về tình hình đất nước.
*
Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi xóa bỏ sở
hữu toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đồng nhất với tư nhân hóa nền
kinh tế, xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Cổ xúy phi chính trị hóa
lực lượng vũ trang; phủ nhận bản chất cách mạng và nhân dân của lực lượng vũ
trang; chia rẽ quân đội nhân dân và công an nhân dân. Tán dương nền tự do báo
chí tư sản, vai trò “quyền lực thứ tư” của báo chí, nhân danh tự do sáng tạo để
tách sự lãnh đạo của Đảng khỏi hoạt động báo chí, văn học, nghệ thuật. Thúc đẩy
hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” trá hình, từ đó cho ra đời các tổ chức
đối lập chính trị ở Việt Nam. Tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân
quyền, tôn giáo để chống phá…
Các
thế lực thù địch phát tán dầy đặc và với tần suất lớn những thông tin xấu, độc
trên không gian mạng, thực hiện thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu”, “tâm lý chiến” hết
sức thâm độc. Mặt khác, chúng đan cài, trộn lẫn tinh vi thông tin thật - giả để
dẫn dụ độc giả lạc vào ma trận thông tin, từ đó bị hướng lái theo luồng thông
tin sai lệch; khoác áo “khách quan khoa học”, núp bóng “phản biện độc lập”,
ngụy tạo sự khách quan để xuyên tạc nhiều vấn đề lý luận chính trị, từ “giả
khoa học” chuyển hóa thành “giả chính trị” hết sức phức tạp, tinh vi. Chọn thời
điểm có những sự kiện chính trị lớn của Đảng, của đất nước, những vấn đề dư
luận xã hội quan tâm, những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội trong nước;
những biến động lớn của thế giới, nhất là những vấn đề tại các nước đi theo con
đường chủ nghĩa xã hội, có đảng cánh tả cầm quyền để thực hiện các “chiến dịch”
cao điểm công kích, chống phá ta ở quy mô lớn. Có sự cấu kết chặt chẽ giữa các
đối tượng phản động lưu vong, số đối tượng chống đối bên ngoài với những phần
tử cơ hội, bất mãn chính trị trong nước, được hậu thuẫn, “hà hơi tiếp sức” bằng
nhiều nguồn lực bởi các tổ chức phản động, khủng bố, tổ chức phi chính phủ,
chính phủ một số nước phương Tây…, hình thành mạng lưới chống đối rộng khắp,
“nội công ngoại kích”, tạo thành nhiều mũi tấn công, trên nhiều lĩnh vực.
Các
thế lực thù địch sử dụng, khuếch trương các phương tiện, kênh truyền thông phản
động ngoài nước, đồng thời với công kích, phê phán hệ thống báo chí chính thống
của ta. Hệ thống các phương tiện truyền thông phản động ngoài nước đa dạng, số
lượng nhiều, một số là những tập đoàn truyền thông quy mô, có số lượng khán -
thính - độc giả cao, diện bao phủ thông tin rộng, đa quốc gia, kết nối với các
phương tiện truyền thông xã hội, nên sức chống phá lớn. Đa phần các kênh truyền
thông phản động trên đều có máy chủ, trụ sở đặt ở nước ngoài nên công tác đấu
tranh của ta gặp nhiều khó khăn. Cùng với việc phát triển các kênh truyền thông
phản động, các thế lực thù địch ra sức đả kích, hạ thấp uy tín hệ thống báo chí
chính thống trong nước của ta, với những luận điệu xuyên tạc về bản chất nền
báo chí cách mạng Việt Nam, về sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, các chức
năng xã hội của báo chí, về tự do báo chí… Chúng cung cấp tiền, o bế một số
“ngọn cờ”, “cây bút” có lượng người theo dõi lớn, ít nhiều có khả năng chi
phối, dẫn dắt dư luận xã hội; sử dụng ngày càng nhiều các bài bình luận, chuyên
luận phân tích sâu, luận điệu giả trá lắt léo, tinh vi…
Do
tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh tư tưởng và những thủ đoạn chống
phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp, nên Đảng, Nhà nước ta
luôn coi trọng, tập trung chỉ đạo và triển khai công tác bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018,
của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, công tác đấu
tranh được triển khai ngày càng bài bản, thống nhất, đồng bộ, toàn diện, quyết
liệt, đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến
rõ rệt. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, công tác đấu tranh phản bác các luận
điệu sai trái, thù địch, phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế
lực thù địch, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhất là trên không
gian mạng, vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế.
Đại
hội XIII của Đảng đề cập trực tiếp và nhấn mạnh việc quản lý và phát triển
thông tin trên không gian mạng, trong đó có việc đấu tranh phản bác các luận
điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại
hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các
sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định
chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục’’.
Thời
gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục chĩa mũi nhọn tấn công vào những vấn đề
tư tưởng, lý luận, đồng thời sử dụng không gian mạng là một mặt trận chính để
chống phá ta, do đó công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc,
sai trái, thù địch trên không gian mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp
phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng.
Thứ
nhất, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù
địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta cần được xác định là nhiệm vụ thường
xuyên, lâu dài, khó khăn, quyết liệt, nên tuyêt đối tránh tư tưởng xem nhẹ, lơ
là, buông lỏng, mất cảnh giác. Cần lấy chính các phương tiện truyền thông mới
và không gian mạng là phương tiện và nền tảng chủ đạo để khắc chế thủ đoạn dùng
không gian mạng chống phá ta của các thế lực thù địch, theo phương châm “lấy
độc trị độc”, tận dụng chính những ưu thế của các phương tiện truyền thông mới
để phản tuyên truyền lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, thay vì
phiến diện chỉ thấy các yếu tố tiêu cực, mặt trái của nó.
Thứ
hai, làm loãng thông tin xấu, độc bằng xây dựng tuyến, luồng bài viết có thông
tin tích cực hoặc trực diện phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù
địch để liên tục phủ lên và tiến tới chiếm thế thượng phong trên không gian
mạng, không gian các phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội. Kết hợp
hài hòa giữa lan tỏa phổ rộng thông tin với ngày càng coi trọng chiều sâu thông
tin, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng hệ bài chuyên luận chuyên sâu bẻ gãy
từ gốc những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch bằng lý luận, có hệ thống
luận cứ, luận chứng chặt chẽ, tính thuyết phục cao, giúp độc giả hiểu sâu, thấy
rõ bản chất vấn đề, từ đó có niềm tin khoa học vững chắc vào nền tảng tư tưởng
của Đảng. Đây là phương thức đấu tranh có chiều sâu, căn cơ, kịp thời và chủ
động ngăn chặn thủ đoạn chuyển hướng chống phá của các thế lực thù địch nhằm
vào những vấn đề cốt lõi thuộc hệ tư tưởng và nền tảng lý luận của Đảng ta.
Thứ
ba, giữ vững vai trò nòng cốt, chủ lực của hệ thống cơ quan chuyên trách đấu
tranh tư tưởng, các cơ quan tuyên giáo, báo chí của Đảng, đồng thời mở rộng các
kênh, lực lượng thông tin rộng khắp, làm chủ không gian thông tin trong nước và
không gian mạng; xây dựng cơ chế chỉ đạo thông tin thống nhất, hiệp đồng thông
tin đồng bộ, tác chiến thường trực, đa dạng, đa tuyến. Kết hợp thông tin phản
bác của các cơ quan báo chí chính thống với các kênh truyền thông khác, theo
phương thức lấy thông tin chủ đạo từ các cơ quan báo chí làm thông tin nguồn để
lan tỏa trên không gian mạng từ tận dụng tính năng siêu kết nối xã hội của các
phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội; tích hợp tính năng chia sẻ
thông tin của các báo, tạp chí điện tử đến một số ứng dụng truyền thông xã hội
lớn; mở các kênh truyền thông xã hội riêng như “cánh tay” nối dài của các báo,
tạp chí, nếu phù hợp…
Coi
trọng công tác dự báo khoa học về những xu hướng truyền thông mới, tác động
trực tiếp tới sự thay đổi về thủ đoạn, cách thức, phương tiện chống phá kiểu
mới của các thế lực thù địch, trực tiếp phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo sát
trúng, có tầm nhìn dài hạn, chủ động trong mọi tình huống. Kết hợp các giải
pháp về nội dung với các giải pháp kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ an ninh
bao gồm việc chặn lọc, vô hiệu hóa, đấu tranh với các nhà cung cấp các phương
tiện truyền thông xã hội nước ngoài gỡ bỏ thông tin xấu độc; răn đe; xử lý hình
sự…, để tạo hiệu quả đấu tranh tổng lực.
Thứ
tư, nâng cao chất lượng công tác tổng kết thực tiễn - nghiên cứu lý luận, xây
dựng hệ thống luận cứ, luận chứng khoa học - thực tiễn nền tảng cho công tác
đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch; gắn chặt nghiên
cứu lý luận với đấu tranh lý luận, nhất là việc tổng kết 40 năm tiến hành công
cuộc đổi mới, 40 năm tiến hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) trong thời gian tới.
THH-H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét