CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

H1 - CHÍNH TRỊ LÀ GÌ?

 

Khái niệm chính trị được hình thành đồng thời với sự xuất hiện của nhà nước. Trong lịch sử xã hội, nói đến chính trị là nói đến lĩnh vực hoạt động duy trì địa vị và thực thi quyền lực của tầng lớp cai trị quốc gia.

Ở Trung Hoa cổ đại, chính trị là hoạt động của bộ máy cai trị nhằm duy trì địa vị của tầng lớp cầm quyền và công việc đảm bảo sự ổn định của quốc gia. Nội dung của tư tưởng chính trị bao gồm hai đường lối chính trị cơ bản là “Đức trị” và “Pháp trị”. Đường lối “Đức trị” nhấn mạnh nguyên tắc “Vi chính dĩ đức”, nghĩa là làm chính trị bằng đức, lấy đức cai trị xã hội; đường lối “Pháp trị” nhấn mạnh nguyên tắc “Dĩ pháp trị quốc”, nghĩa là trị nước bằng luật pháp. Đến nay, những quan điểm này vẫn có ảnh hưởng nhất định đến đời sống chính trị của một số nước phương Đông.

Ở phương Tây, theo Arixtốt chính trị là một cộng đồng xã hội - nhà nước thành bang (polis) được hình thành từ xã hội tự nhiên của cộng đồng các gia đình. Tuy nhiên, khi đời sống xã hội tự nhiên đã chuyển sang đời sống xã hội của nhà nước thành bang (polis), được tổ chức bởi “cộng đồng chính trị” (Koinonia politike), thì con người vừa sống tự nhiên, vừa đồng thời sống trong cộng đồng. Sự biến đổi từ trạng thái tự nhiên của xã hội sang trạng thái xã hội của một nhà nước chính là cơ sở hình thành trạng thái chính trị của đời sống con người. Như vậy, trong quan niệm của Arixtốt, nhà nước thành bang chính là một xã hội được tổ chức trong một chế độ chính trị, đây cũng chính là cơ sở quy định cho sự phát triển của con người theo nghĩa là “động vật chính trị”, so với sự tồn tại của con người khi vẫn còn trong cộng đồng xã hội tự nhiên.

Khi chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời, chính trị với tư cách là một hiện tượng xã hội đặc biệt - thuộc về kiến trúc thượng tầng, nó chỉ xuất hiện khi xã hội phân chia thành các giai cấp, đồng thời với sự xuất hiện của nhà nước.

Trên lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử, chính trị luôn phải được xem xét trong mối quan hệ biện chứng với kinh tế, nghĩa là trong mối quan hệ với bản thân quan hệ giữa các giai cấp có địa vị kinh tế hợp thành chỉnh thể xã hội. Xét về bản chất, chính trị là quan hệ giữa các giai cấp, “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế[1]; “chính trị là cái kinh tế được cô đọng lại”; “chính trị là sự đấu tranh giữa các giai cấp”; “Chính trị là sự tham gia vào những công việc của nhà nước, là việc vạch hướng đi cho nhà nước, là việc xác định hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước[2]. Như vậy, quan hệ giữa các giai cấp dựa trên địa vị kinh tế của mình là cơ sở quy định nội dung và tạo thành nền tảng hết sức quan trọng của chính trị.

Không chỉ dừng lại trong hoạt động kinh tế, quan hệ giai cấp chỉ trở thành chính trị đúng nghĩa khi chúng là hình thức biểu hiện của cuộc đấu tranh giành lấy quyền lực nhà nước nhằm đạt tới địa vị thống trị. Nói cách khác, bất kỳ cuộc đấu tranh giai cấp nào ở trình độ phát triển cao đều là đấu tranh chính trị. Sự xuất hiện của đảng chính trị đã nói lên sự tưởng thành của cuộc đấu tranh giai cấp. “Cuộc đấu tranh của các chính đảng là biểu hiện hoàn chỉnh, đầy đủ và rõ rệt nhất của cuộc đấu tranh chính trị của các giai cấp”[3].

Tóm lại, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, là cơ sở quy định nội dung trong mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các đảng phái, giữa các dân tộc, giữa các quốc gia có liên quan tới vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước. Hoạt động chính trị thực tiễn của các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các nhà nước chính là việc hiện thực hoá lợi ích cơ bản của mình trong mối tương quan với các chủ thể chính trị khác nhằm củng cố cho sự ổn định của một chế độ nhà nước.

ĐHQ-H1



[1]V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M.1977, t.42, tr.311, 312.

[2]V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M.1976, t.33, tr.404.

[3]V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M.1980, tập 23, tr.164.

0 nhận xét: