CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

ĐẠO ĐỨC- MỘT PHƯƠNG THỨC ĐIỀU CHỈNH HÀNH VI CON NGƯỜI

 Trong tiến trình phát triển của con người và xã hội, đạo đức xuất hiện và phát triển là một tất yếu lịch sử, đáp ứng nhu cầu khách quan của xã hội: phối hợp hành động của các thành viên trong cuộc sống cộng đồng, trước hết và chủ yếu là nhu cầu phối hợp hành động trong sản xuất và phân phối sản phẩm. Khi con người có ý thức về tính cá thể về vai trò và giá trị riêng biẹt của cá nhân, xuất hiện khả năng phân tích và thái độ phê phán đối với hiện thực, khả năng lựa chọn và bình giá, khả năng làm theo những quyết định từ bên trong của chủ thể hành động, thì để phối hợp hành động của các thành viên, cần có sự điều chỉnh thái độ, hành vi của cá nhân cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống cộng đồng. Đạo đức hình thành, phát triển nhằm đáp ứng điều đó.

Sự điều chỉnh về đạo đức khác biệt về chất với sự điều chỉnh về mặt pháp luật. Pháp luật là lĩnh vực của sự tất yếu với ý nghĩa nó đề ra một hệ thống những yêu cấu tối thiểu của ý chí quốc gia – xã hội mà ý chí cá nhân buộc phải phục tùng. Do đó, sự điều chỉnh của pháp luật mang tính cưỡng bức, sự cưỡng chế từ bên ngoài là chủ đạo. Còn đạo đức là lĩnh  vực của tự do với ý nghĩa nó đề ra một hệ thống những yêu cầu tối đa của ý chí xã hội mà cá nhân tự nguyện tuân theo. Do đó,  sự điều chỉnh đạo đức dựa trên sức mạnh chế ngự của tình cảm đạo đức, sự cưỡng chế từ bên trong là chủ đạo. Pháp luật và đạo đức đều chúh ý đến yếu tố khách quan và chủ quan của hành vi nhưng mức độ đánh giá yếu tố khách quan có khác nhau. Pháp luật chú ý đến quy mô và tính chất của yếu tố khách quan nhiều hơn đạo đức: về mặt đạo đức, người ăn cắp quả trứng gà và người ăn cắp cái nhẫn vàng đều chỉ bị chê trách là ăn cắp; về mặt pháp luật, ăn cắp vặt và ăn trộm lớn bị trừng phạt khác nhau.

Tuy nhiên, giữa pháp luật và đạo đức có mối quan hệ chặt chẽ. Xưa nay, pháp luật bao giờ cũng là một trong những biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức và biến nó thành thói quen. Chuẩn mực càng khó khẳng định bao nhiêu thì vai trò của pháp luật càng quan trọng bấy nhiêu.Vì vậy, không thể buông lòng pháp luật nếu việc này  chưa được chuẩn bị bằng sự tiên bộ đạo đức. Cùng với sự tiến bộ xã hội và phát triển của con người, vai trò của đạo đức được đề cao và sự trừng giới bên trong, tức là lương tâm được củng cố vững mạnh thì sự ứng dụng pháp luật, việc thi hành sự trừng giới bên ngoài dần dần trở nên không cần thiết. Những chuẩn mực pháp luật chuyển hóa thành những chuẩn mực đạo đức.

PHS H2

0 nhận xét: