Từ
thuở lọt lòng tôi đã được nghe câu hát ru nôi của mẹ: “Công cha như núi thái
sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...”.
Lời
ru ngọt ngào hòa cùng thanh âm kẽo kẹt tiếng võng trưa hè đưa tôi vào giấc ngủ
say nồng. Có lẽ chính những lời ru ầu ơ ngọt ngào ấy là bài học đầu tiên về
tình mẫu tử, về đạo lý làm người, về tình yêu quê hương đất nước, đã góp phần
hình thành và bồi đắp nhân cách của một con người.
Đến
tuổi cắp sách tới trường, tôi mới hiểu, trong lời ru thấp thoáng những hình ảnh
thân thương với cây đa, bến nước, sân đình, dòng sông, ruộng lúa, bờ tre...
thấp thoáng những cánh cò. Bằng chính sự thuần khiết, giản dị, lời ru là sợi
dây gắn kết tình yêu thương con người hòa quyện với thiên nhiên. Lời ru là
những tâm tư thầm kín; là những khát khao cháy bỏng góp phần định hình nhân
cách và đạo lý làm người.
Buổi
đầu làm anh bộ đội chẳng đơn giản chút nào. Đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới đóng
quân trên ngọn đồi vùng núi Tân Lâm, Đông Hà (Quảng Trị); mùa hạ nắng cháy da,
gió Lào quạt lửa, mùa đông rét thấu xương. Các bài tập lăn, lê, bò trườn, quay
phải, quay trái... khiến tôi mệt bã. Có những chiều khi mặt trời khuất dần vào
dãy núi Trường Sơn, tôi thầm mong mình được chạy ào về quê vẫy vùng giữa dòng
sông La xanh mát, được đắm mình trong lời ru ngọt ngào của mẹ.
Tốt
nghiệp sĩ quan về Vùng 3 Hải quân nhận công tác, trong chuyến đầu tiên ra đảo
Lý Sơn (Quảng Ngãi) tôi được nghe tiếng ru con ầu ơ của người mẹ trẻ từ “làng
quân nhân” cất lên tha thiết, nồng ấm cả một vùng biển, đảo. Thanh âm ngọt ngào
từ lời ru của những người gieo mầm hạnh phúc trên đảo nhỏ khiến tôi bồi hồi nhớ
dáng mẹ lom khom trong chiều nghiêng. Nhớ những trưa hè rát bỏng, lời ru của mẹ
như tiếng thì thầm của thời gian, của năm tháng với những câu hát bình dị, thân
thương nâng bước tôi trong cuộc đời quân ngũ.
Giờ
đây nơi phố thị ồn ào với những thứ âm thanh chát chúa bủa vây, vợ chồng tôi và
các con đi làm suốt ngày mới về. Chỉ có bố mẹ ở nhà trò chuyện cùng nhau. Tuy
bây giờ lưng đã còng, tóc đã bạc, nhưng mẹ tôi vẫn lui cui dọn dẹp mọi thứ
trong nhà. Thi thoảng mẹ vu vơ vài câu hát ru cho đỡ nhớ.
Có
thể nói, trong kho tàng văn hóa, văn học dân gian, lời hát ru và tiếng hát ru
là một loại hình văn hóa phi vật thể, có giá trị nghệ thuật của ông cha ta từ
ngàn xưa để lại. Từ bao đời nay, câu hát lời ru luôn đồng hành trong đời sống
sinh hoạt của cộng đồng. Theo dòng chảy của thời thời gian, hát ru với những
làn điệu trữ tình, sâu lắng bắt nguồn từ cuộc sống lao động cần cù, gian lao
của nhân dân ta nhưng lại có sức lay động lòng người, góp phần bồi đắp nhân
cách, tâm hồn cao đẹp cho các thế hệ con người Việt Nam.
Lời
ru lắng đọng, da diết tình người, đậm chất nhân văn như thế, nhưng theo nhịp
sống hiện đạị ngày nay với bao bộn bề lo toan, những người mẹ trẻ bây giờ ít ru
con bằng những câu hát thuở nào bên cánh võng. Trẻ em bây giờ chỉ được nghe hát
ru qua băng đĩa. Các thiết bị hiện đại, thông minh... sẽ thay thế dần cho lời ru
của mẹ. Cứ như thế, những đứa trẻ sinh ra sau này ít còn cơ hội được đắm mình
trong những giai điệu ngọt ngào, thiết tha đong đầy tình mẹ, còn đâu câu hát ru
nôi.
Trước
thực trạng hát ru ngày càng bị mai một, thất truyền, nên chăng ngành văn hóa
các địa phương cần tổ chức những cuộc liên hoan về hát ru, các nhà trường nên
đưa hát ru vào các chương trình ngoại khóa. Việc lưu truyền hát ru, lưu giữ lời
ru chính là cơ sở để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ nhớ về nguồn cội; đánh thức và
chắp cánh trong cộng đồng về cái hay, cái đẹp của hát ru cũng chính là góp phần
gìn giữ, tiếp nối vẻ đẹp truyền thống, nét đặc trưng văn hóa các dân tộc.
Dù năm tháng vẫn trôi qua theo
chiều biến thiên của thời gian, nhưng trong tôi luôn cồn cào nỗi nhớ quê hương
da diết; nhớ cánh đồng quê thơm mùi rơm rạ; nhớ những trưa hè gió Lào quạt lửa,
trên cánh võng bên thềm, lời ru thân thương và thiết tha của mẹ dìu tôi vào
giấc ngủ say nồng. Chiều nay, tôi dẫn con về Hà Tĩnh thăm quê. Bước chầm chậm
trên con đường làng ngạt ngào hương lúa, hương cau. Giữa cánh đồng quê xạc xào
cơn gió, tôi thấy lòng mình lắng lại, văng vẳng đâu đây lời ru ngọt ngào của mẹ
thuở nào...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét