CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân


Chăm lo và bảo vệ lợi ích của nhân dân là một động lực rất quan trọng của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ở đây, ý nghĩa của động lực thể hiện ở chỗ, người dân chỉ nhận thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc khi thấy rằng lợi ích của họ gắn liền với lợi ích của đất nước này, của chế độ này, khi thấy rõ chỉ có chế độ này mới đem lại cho họ có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phức thực sự.

Quan niệm từ xa xưa trong lịch sử dân tộc Việt Nam “nước mất, nhà tan”, trong điều kiện mới, phải trở nên gắn bó chặt chẽ hơn và có những phát triển nội dung mới, với chất lượng mới.
Trong thời kỳ mới, nội hàm của khái niệm lợi ích của nhân dân đã được mở rộng rất nhiều, bao gồm cả lợi ích ở trong nước, cả lợi ích ở ngoài nước, lợi ích trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; bao gồm cả lợi ích tổng thể của quốc gia, đất nước và bao gồm cả lợi ích cụ thể của các đơn vị, tập thể, cộng đồng, địa phương, lợi ích của các cá nhân là người Việt Nam; bao gồm toàn bộ lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần;… bao gồm cả điều kiện và cơ hội tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát đói nghèo.
Nói một cách cụ thể hơn, đó là nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, miếng cơm, manh áo, việc làm, học hành, cuộc sống, gia đình, họ hàng, người thân, điều kiện phát triển, cơ hội làm giàu, cơ hội tiến thân, thụ hưởng và sáng tạo văn hoá, đời sống tinh thần, được làm giàu chính đáng trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nội dung phong phú, rộng lớn và toàn diện đó hợp thành chính thể lợi ích của nhân dân, phải được chăm lo chu đáo, không ngừng nâng cao và phải được bảo vệ, giữ gìn. Toàn bộ những lợi ích đó được quan tâm, không ngừng cải thiện và được bảo đảm thực sự trong thực tiễn (chứ không phải chỉ là trong chủ trương, chính sách), không bị ai “lấy cắp”, “tước đoạt” thì sẽ tạo nên động lực vô cùng to lớn, chủ nghĩa yêu nước trong mỗi con người Việt Nam sẽ được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ, tạo nên hợp lực tổng hợp cho “bức thành đồng vững chắc” mà không thế lực nào có thể chiến thắng nổi. Nội lực đất nước, sức mạnh bên trong của dân tộc chỉ có thể được phát huy cao nhất trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa khi lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân được quan tâm chăm lo và giải quyết tốt.
Những lợi ích đó của nhân dân, trong đó có lợi ích của người dân 4 tỉnh miền Trung, nếu không được chăm lo đúng mức, hoặc một trong những lợi ích cụ thể nào đó của một người, một cộng đồng bị xâm phạm thì không những sẽ làm suy giảm ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của con người và cộng đồng đó, mà còn có thể tạo nên “phản ứng dây chuyền” gây mất ổn định xã hội, làm suy yếu sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề này càng lớn thì càng nguy hại đến sự ổn định, thậm chí đe doạ đến sự an nguy của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, sự vững chắc của chế độ. Không thể giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tạo sự đồng thuận và sức mạnh lớn nhất cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nếu như lợi ích của nhân dân không được chăm lo thực hiện tốt, không được bảo vệ tốt trong đời sống hiện thực. Thực tế chỉ ra rằng, sau khi Formosa gây ra thảm họa cho biển miền Trung và nhân dân các địa phương này, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đồng thời vào cuộc…và cuối cùng chúng ta đã bắt tập đoàn lãnh đạo Formosa cúi đầu nhận tội và đền bù 500 triệu đô cho người dân vì những tội ác và sự giả dối do họ gây ra. Nếu Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành không quan tâm, chăm lo, liệu Formosa có nhận tội không, có chịu đền bù hay không, hỡi mấy người “làm thuê” cho các thế lực thù địch, cơ hội chính trị?
 Ở nước ta, mối quan hệ giữa mục tiêu và động lực của vấn đề nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn là mối quan hệ thống nhất, không thể tách rời. Việc tách ra phương diện mục tiêu và phương diện động lực khi xem xét vấn đề lợi ích của các tầng lớp nhân dân trong mối quan hệ với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa để nghiên cứu là chỉ có tính chất tương đối. Nói về mục tiêu đã hàm chứa trong đó yếu tố động lực, nói về động lực cũng có cả những yếu tố của mục tiêu.
Sức mạnh của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới phụ thuộc rất lớn vào việc chúng ta nhận thức và xử lý như thế nào vấn đề mục tiêu và động lực nêu trên. Điều đó có nghĩa là, cuộc sống và lợi ích của các tầng lớp nhân dân được nhận thức và giải quyết tốt sẽ tạo nên sức mạnh to lớn cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh to lớn từ sự gắn bó hữu cơ và thống nhất giữa lợi ích của người dân với lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của cách mạng, với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bản chất mối quan hệ giữa việc chăm lo lợi ích của các tầng lớp nhân dân với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa chỉ ra rằng, chăm lo lợi ích của các nhân dân phải được xác định là vấn đề tầm chiến lược, được các cấp uỷ Đảng và chính quyền quan tâm thực sự, được hiện thực hoá trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời phải kiên quyết đấu tranh, khắc phục có hiệu quả tình trạng quan liêu, tham nhũng trong bộ máy công quyền hiện nay. Theo đó, “Các cấp uỷ và tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân, cán bộ lãnh đạo, trước hết là cán bộ cấp cao, phải trực tiếp tham gia và đi đầu trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí”[1].
Cần nhận thức rõ rằng, không thể có được động lực và sức mạnh thực sự cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nếu lợi ích của người dân không được bảo đảm trên thực tế. Xét riêng dưới góc độ lợi ích của nhân dân cũng thấy rõ, chính thứ “giặc nội xâm” tham nhũng sẽ làm suy giảm, thậm chí làm triệt tiêu động lực của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người dân chỉ có thể cống hiến hết sức mình, sẵn sàng hi sinh cho chế độ khi chính chế độ này mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho họ; khi lợi ích của họ, của gia đình và người thân họ, ruộng vườn, nhà cửa, đất đai, miếng cơm, manh áo của họ không bị ai “tước đoạt”. Người dân không yêu cầu quá cao về đời sống vật chất, tinh thần khi tình hình và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước còn thấp, nhưng họ cũng rất bất bình khi cuộc sống của đa số quần chúng nhân dân còn thấp thì một bộ phận cán bộ, đảng viên lại giàu lên một cách bất chính, phi pháp.
Bản chất mối quan hệ giữa việc chăm lo cuộc sống và đảm bảo lợi ích của nhân dân với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa còn chỉ ra rằng, không phải khi nào cuộc sống của nhân dân quá thiếu thốn, vất vả, lợi ích bị vi phạm thì các cấp chính quyền mới quan tâm chú ý; cũng không phải đến khi nhân dân kêu ca, phàn nàn, nhân dân khiếu kiện thì chính quyền mới “ra tay”, không phải sự chăm lo lợi ích là chỉ để nhằm “xoa dịu” tình hình. Vấn đề là ở chỗ, sự chăm lo cuộc sống và đảm bảo lợi ích của nhân dân phải tạo điều kiện vật chất và tinh thần vững chắc thực sự để không xảy ra tình hình khiếu kiện và sự kêu ca, phàn nàn trong quần chúng nhân dân.
Tuy chúng ta phải rất cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng kích động nhân dân khiếu kiện, chống đối chính quyền, nhưng cũng phải nhìn nhận rõ chúng ta không phải không “tạo ra” những yếu tố làm phát sinh tình hình khiếu kiện ấy từ chính sự yếu kém, hạn chế, khuyết điểm của chúng ta; từ tình trạng tham ô, tham nhũng của bộ máy công quyền; từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; từ việc lợi ích của nhân dân không được chăm lo và bảo vệ tốt. Từ câu chuyện Formosa ở miền Trung và sự vu khống, chống Đảng, Nhà nước đã và đang nhắc nhở chúng ta rằng, trước đây, hiện nay và mai sau vẫn là như vậy, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Điều đó khái quát thành phương châm chỉ đạo hành động: “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”. Ngoài chân lý ấy, Đảng, Nhà nước ta không có mục đích gì khác. Ai đó cố tình bóp méo sự thật, “bốc lửa bỏ bàn tay”, nhất định sẽ bị trừng trị bởi chính tòa án lương tâm và luật pháp Việt Nam./.

Theo nhanvanviet.com

0 nhận xét: