CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG THÔNG TIN BỊA ĐẶT, XUYÊN TẠC, CHỐNG PHÁ LUẬT AN NINH MẠNG


Kết quả hình ảnh cho luật an ninh mạngNgày 01/01/2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực, lợi ích và tính cấp thiết cần có luật này đã được phân tích rất cụ thể và tuyên truyền rộng rãi. Tuy nhiên, gần đến thời điểm thực thi, trên mạng xuất hiện nhiều hơn các bài viết có mục đích phản đối qua việc trích dẫn những cái gọi là thư ngỏ, tâm thư hoặc kiến nghị kèm chữ ký của cư dân mạng hay những clip, bài viết được cho là của các chuyên gia công nghệ thông tin nhằm kêu gọi hoãn thực thi Luật An ninh mạng.
Thư ngỏ yêu cầu Việt Nam đình chỉ thực thi Luật An ninh mạng. Đây là thông tin được một số trang mạng đăng tải, chia sẻ trong những ngày qua. Dường như việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật An ninh mạng vào ngày 12/6/2018 đã được đông đảo người dân ủng hộ lại khiến cho nhiều đối tượng lo sợ, tìm đủ cách để ngăn chặn luật này. Trong cái gọi là thư ngỏ được đăng tải người viết cho rằng Luật An ninh mạng không tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, họ còn bày tỏ cái gọi là quan ngại về dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng sẽ áp đặt thêm nhiều giới hạn về tự do trên mạng và có thể gây tác động mạnh đến nhân quyền Việt Nam. Và rồi thư ngỏ đi đến kêu gọi đại biểu quốc hội hoãn ngay lập tức việc thực hiện Luật An ninh mạng, đòi hủy bỏ Điều 8 và Điều 16 trong Luật; kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân lương tâm. Không dừng lại ở thư ngỏ, trên mạng lại xuất hiện những bản kiến nghị kèm chữ ký hoặc những bài phân tích của người tự xưng là chuyên gia công nghệ thông tin hoặc luật sư, yêu cầu Quốc hội Việt Nam hoãn thi hành Luật An ninh mạng. Một số đối tượng chống đối đã có hoạt động tuyên truyền, kích động biểu tình, chống phá Luật An ninh mạng hòng hướng lái dư luận theo hướng bất lợi, với các luận điệu như “đàn áp bất đồng chính kiến”, “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “cấm sử dụng Facebook, Google”.
Thiết nghĩ, Luật An ninh mạng cũng giống như những quy định pháp luật khác, cũng phải có những quy định, có biện pháp xử lý về mặt hành chính, về mặt hình sự đối với những kẻ có hành vi lừa đảo hoặc chiếm đoạt gây tổn thất nặng về kinh tế, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Việc các cơ quan chức năng yêu cầu các cá nhân hoạt động trên không gian mạng phải công khai hóa các nhận dạng, các thông tin cá nhân thì đó là các biện pháp an ninh mạng để kiểm soát và chống lại những hành vi lừa đảo hoặc mạo danh trên mạng. Luật An ninh mạng hiện nay đảm bảo người dân khi thực hiện bất kỳ một hành vi, một lời nói, một tuyên bố nào trên mạng thì phải rất cẩn thận và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nó hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền tự do dân chủ của người dân, mà còn góp phần bảo vệ quyền cá nhân của mỗi người khi tham gia vào không gian mạng. Nhất là khi Việt Nam đang phải đối phó với hàng chục nghìn cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao mỗi năm, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, gây tổn thất nặng nề về kinh tế. Không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng trên không gian mạng còn bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để phát tán thông tin kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn, khủng bố, lật đổ chính quyền nhân dân, xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia. Tình trạng đăng tải thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo; lan truyền thông sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân… diễn ra tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần. Chưa kể đến công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh mạng tại các bộ, ban, ngành, địa phương còn tồn tại những bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh vấn đề này. Trong hoàn cảnh như vậy thì việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay. Chúng ta cũng như rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực thi Luật An ninh mạng với những quy định nghiêm khắc như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga, Đức, Nhật Bản, Australia... Chúng ta học tập những kinh nghiệm của các nước, đồng thời khi ban hành Luật An ninh mạng chúng ta đã đưa vào những quy định rõ ràng hơn, đầy đủ hơn để đảm bảo lợi ích quốc gia, an toàn xã hội và lợi ích hợp pháp của người dân. Chúng ta không có sự méo mó, bóp méo quyền công luận hoặc tự do Internet như ai đó đã áp đặt. Chúng ta, không đi ngược lại những quy định quốc tế và những quy định trong hiến pháp. Luận điệu “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí doanh nghiệp”, “cấm sử dụng Facebook, Google” là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, với mục đích cản trở hoặc gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân.
Có thể thấy Luật An ninh mạng có những điều khoản bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng, đặc biệt là tôn giáo, dân tộc lại càng được bảo vệ. Khi Luật An ninh mạng được ban hành và có các quy định chặt chẽ, đầy đủ, không xâm phạm, không làm ảnh hưởng đến quyền con người thì mọi hoạt động trên không gian mạng cũng trở nên có văn hóa hơn, trong sáng hơn, lành mạnh hơn. Luật An ninh mạng không cấm người dân truy cập Facebook, Google, Youtube. Người dân Việt Nam vẫn được tự do truy cập vào các trang mạng này hay bất kỳ trang mạng xã hội nào khác ở trong và ngoài nước miễn là không vi phạm pháp luật. Vì vậy, mà không có lý do gì để ngăn cản việc thi hành Luật An ninh mạng.
Tuy nhiên, để hướng tới một không gian mạng ít nguy cơ, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng thì các cơ quan chức năng ngoài việc đưa ra các quy định của pháp luật về an ninh mạng rất cần thiết phải giải thích về các quan hệ pháp luật, quan hệ xã hội đang bị điều chỉnh, hành vi nào bị cấm… Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân có cách hiểu đúng đắn hơn, đầy đủ và rõ ràng hơn về Luật An ninh mạng. Mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích và có trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng. Hãy cảnh giác với những luận điệu cố tình ngăn cản thực thi Luật An ninh mạng. Đừng để không gian ảo thành nguy cơ thật!

0 nhận xét: