CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI NHẰM PHÁ HOẠI KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN XÂY DỰNG CNXH Ở NƯỚC TA


 Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI NHẰM PHÁ HOẠI KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN XÂY DỰNG CNXH Ở NƯỚC TA

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam đã được Hồ Chí Minh kế thừa, phát huy và nâng lên một tầm cao mới. Tư tưởng của Người về đại đoàn kết dân tộc xây dựng hệ thống Chính trị trong sạch vững mạnh là cơ để Đảng ta đề ra đường lối chiến lược và sách lược tập hợp lực lượng đúng đắn, tạo nên sức mạnh vô địch  mang đến những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, cả cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

          Tuy nhiên, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang sử dụng chiến lược “Diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chống phá khối đại đoàn kết dân tộc và hệ thống chính trị là một trọng điểm.

          Chính vì vậy, việc nghiên cứu học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng giai đoạn cách mạng mới.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

          Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết dân tộc

          - Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược quyết định thành công của cách mạng Việt Nam

+ Đây là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Hồ Chí Minh.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc không phải là vấn đề mang tính nhất thời, hay một giải pháp tình thế mà đại đoàn kết là vấn đề chiến lược, mang tính nhất quán, xuyên suốt, cả trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

          Theo thống kê của các nhà nghiên cứu trong tổng số 1056 bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh thì có tới 406 bài Người trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến vấn đề đại đoàn kết dân tộc. Trong Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011 (15 tập) có tới 40% các bài viết, bài nói, Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc...16 lần trong tác phẩm sửa đổi lối làm việc, 19 lần trong diễn văn kỷ niệm Quốc khánh nước Việt Nam năm 1957, 8 lẩn trong di chúc...

Có thể nói, từ trong quá trình tìm đường cứu nước, hay trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, và cả trước khi nhắm mắt xuôi tay, lúc nào HCM cũng luôn trăn trở và quan tâm đến vấn đề đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc và coi đây là vấn đề sống còn của CMVN.

+  Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là nhân tố bảo đảm thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Tháng 7/1920, Hồ Chí Minh đã tiếp cận với bản sơ thảo lần thứ nhất của Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa đăng trên báo nhân đạo. Người đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam “theo con đường cách mạng vô sản”.

Nội dung của con đường cách mạng vô sản mà Người chỉ ra bao gồm: phải có Đảng lãnh đạo; có phương pháp cách mạng phù hợp; có lực lượng cách mạng đủ mạnh; có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Trong đó, muốn có sức lực lượng đủ mạnh thì phải trên cơ sơ thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Người nhận thấy: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, khi “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”.

- Lực lượng và hình thức tổ chức đại đoàn kết toàn dân tộc

          + Lực lượng của khối đại đoàn kết dân tộc

          Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm tất cả mọi người dân Việt Nam yêu nước không phân chia đảng phái, dân tộc, giai cấp, già trẻ, gái trai… kể cả những người đã lầm đường, lạc lối nhưng biết ăn năn, hối cải trở về với nhân dân.   Trong đó, nòng cốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

          + Hình thức tổ chức lực lượng đại đoàn kết toàn dân tộc là xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất.

          Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được tập hợp trong mặt trận dân tộc thống nhất. Để phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của cách mạng, Mặt trận dân tộc thống nhất được thành lập với những tên gọi khác nhau qua các thời kỳ: Hội phản đế đồng minh (1930); Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (1936); Mặt trận dân chủ Đông Dương (1938); Mặt trận Việt Minh (1941); Mặt trận Liên Việt (1946); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955); Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977 đến nay).

          - Nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân tộc

          Thứ nhất, tin vào dân, dựa vào dân, vì lợi ích của dân để đoàn kết toàn dân.      Theo Hồ Chí Minh: “ Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Cho nên “phải biết đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân”.

          Thứ hai, đoàn kết rộng rãi, lâu dài.

          + Đoàn kết rộng rãi: Theo HCM là không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, giai cấp, già trẻ, gái, trai, cả người Việt nam ở trong nước và ở nước ngoài...

          Ngay cả những người không may bị lầm đường lạc lối, nhưng đã ăn năn, hối cải thì cũng tạo chỗ đứng cho họ ở trong khối đại đoàn kết dân tộc. Theo Hồ Chí Minh “ Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại lộ.”

Riêng với giai cấp địa chủ, người đã chia ra làm hai loại: trung, tiểu địa chủ và đại địa chủ. Với trung, tiểu địa chủ mà chưa ra mặt phản cách mạng, thì phải lối kéo họ về phía vô sản giai cấp, chí ít cũng phải để họ đứng ở vị trí trung lập. Còn với lực lượng đại địa chủ ôm chân đế quốc đã ra mặt phản cách mạng thì phải kiên quyết đánh đổ.

Bằng sự sáng tạo và thể hiện tính nhân văn sâu sắc, Hồ Chí Minh đã đoàn kết cho cách mạng một lực lượng vô cùng to lớn, trong đó có cả những người thuộc chế độ Nam triều cũ như: Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Khâm sai đại thần  Phan Kế Toại, kể cả Hoàng Đế Bảo Đại, người đã từng ký án tử hình vắng mặt Hồ Chí Minh theo lệnh của quan thầy thực dân, nhưng khi Bảo Đại thoái vị vẫn được Hồ Chí Minh viết thư mời tham gia chính phủ.

 Nói tóm lại, theo HCM “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

+ Đoàn kết lâu dài: Với tư duy, đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị, nên HCM yêu cầu, phải đoàn kết lâu dài trong suốt quá trình cách mạng, cả trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN.

Trong cách mạng giải phóng dân tộc: đoàn kết để đánh đuổi kẻ thù, giành độc lập dân tộc, mang lại tự do cho nhân dân. Trong cách mạng XHCN: đoàn kết để xây dựng thành công CNXH, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Vì theo Hồ Chí Minh nếu “Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do hạnh phúc thì độc lập ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì”

          Thứ ba, đoàn kết trên cơ sở hiệp thương dân chủ, đoàn kết thực sự chân thành.

          Hiệp thương dân chủ là nguyên tắc cơ bản của Mặt trận dân tộc thống nhất. Theo nguyên tắc này, mọi việc của đất nước đều được các thành viên của mặt trận bàn bạc thống nhất, quyết định một cách dân chủ.

          Đoàn kết thực sự chân thành “nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí; vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”.

          Thứ tư, đoàn kết trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa của dân tộc.

          Yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc, là cội nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Tại Đại hội Đảng lầ II (1951) Hồ Chí Minh đã khẳng định “ Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

          Truyền thống nhân nghĩa thể hiện ở lòng khoan dung, độ lượng với con người, trân trọng “phần thiện”, dù nhỏ nhất ở mỗi con người để tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng. Người viết: “ Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”.

          - Phương pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

          + Phải tuyên truyền, vận động nhân dân.

          Theo Hồ Chí Minh: Phải tuyên truyền để nhân dân hiểu và tự nguyện đứng vào khối đại đoàn kết dân tộc, chứ không được áp đặt.

          Để tuyên truyền có hiệu quả, Người  yêu cầu:  “tuyên truyền phải hết sức giản đơn, ai ai cũng hiểu được, nhớ được”.

          Trên thực tế, Hồ Chí Minh đã sử dụng rất nhiều cách tuyên truyền trong nhân dân như viết thơ, viết văn,…( Hòn đá, con cáo và tổ ong, bài  ca sợi chỉ…)

          + Phải chăm lo xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

           Đảng cộng sản là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.

           Về Nhà nước: phải xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thật sự dân chủ,  là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Người khẳng định “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

           Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là cầu nối gắn kết Đảng, Nhà nước với nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

          Đạo đức Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết dân tộc

          - Đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc và là đức tính cơ bản của người cách mạng

          Kế thừa những bài học quý giá về đoàn kết trong lịch sử dân tộc Việt Nam: Đoàn kết thì thành công, chia rẽ thì thất bại. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện Đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc và là đức tính cơ bản của người cách mạng

          Đối với Đảng: Người căn dặn: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

          Đối với dân tộc, Người khẳng định: “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại. ”

Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên muốn đoàn kết: phải cần, kiệm, liêm, chính; hết lòng hết dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân  

Đối với cán bộ trong quân đội: Người nhắc “Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt ” như vậy trên dưới sẽ đoàn kết một lòng.

Nói tóm lại: theo Hồ Chí Minh “ Đoàn kết, đoàn kết...đại thành công”

- Kiên quyết đấu tranh chống lại những căn bệnh phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

          + Thứ nhất, phải chống bệnh hẹp hòi.

           Theo Hồ Chí Minh: Từ hẹp hòi mà sinh ra kéo bè kéo cánh, bè phái. “Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài… làm mất sự thân ái, đoàn kết”.

          + Thứ hai, phải chống chủ nghĩa cá nhân.

          Theo Hồ Chí Minh, những người có tư tưởng chủ nghĩa cá nhân thì việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng, không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”; “chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh mẹ đẻ ra hàng trăm bệnh con nguy hiểm khác” như:  tham ô, lãng phí, quan liêu, độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền… còn chủ nghĩa cá nhân thì chủ nghĩa xã hội mới chỉ thành công một nửa. Cách tốt nhất để quét sạch chủ nghĩa cá nhân là nâng cao đạo đức cách mạng.

          Phong Cách Hồ Chí Minh trong thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc

          - Phong cách lãnh đạo trong thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc.

           Với Hồ Chí Minh, phong cách lãnh đạo trong thực hiện đại đoàn kết dân tộc phải luôn “Kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là những người mà: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”.

          Để lãnh đạo đoàn kết được tốt: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình… Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

          - Phong cách làm việc quần chúng trong tập hợp, đoàn kết toàn dân.

          Phải tin vào dân, tôn trọng dân, chú ý lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, sẵn sàng tiếp thu ý kiến dân phê bình và kịp thời sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót.

          Không ngừng học hỏi kinh nghiệm của nhân dân. Biết biến quyết tâm của Đảng, Nhà nước thành quyết tâm của nhân dân.

         

Nhà nước luôn được nhân dân bảo vệ, ủng hộ, giúp đỡ về mọi mặt. Sau 1945, chính phủ ta cơ sở vật chất gần như không có gì, Tổng ngân quỹ vển vẹn: 1,25 triệu tiền Đông dương, trong đó 580 nghìn đồng rách đang chờ tiêu hủy, các khoản nợ Chính phủ bù nhìn, tay sai: 564 triệu. (CP đã phát động “Tuần lễ vàng” (17 đến 24-9-1945), để nhân dân đóng góp quỹ cho nhà nước. Cả nước đã quyên góp được 370 kg vàng và 60 triệu đồng, giúp nhà nước vượt qua khó khăn.

+ Nhà nước vì dân: là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền, đặc lợi, thật sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính.

Là nhà nước vì dân thì “ Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.

Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ có xây dựng được nhà nước thực sự của dân, do dân thì nhà nước đó mới vì dân.

          - Xây dựng Mặt trận dân tộc và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh        

          + Vị trí, vai trò: Mặt trận dân tộc thống nhất là liên minh chính trị tự nguyện của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội vì mục tiêu chung: " xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

          Mặt trận là nơi tập hợp, đoàn kết rộng rãi tất cả những người Việt Nam yêu nước, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái,…

          + Các đoàn thể chính trị - xã hội: là cầu nối để đưa những chủ trương chính sách của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

          Xây dựng Mặt trận dân tộc và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh là cơ sở để thực hiện đại đoàn kết dân tộc.

 

          - Xây dựng đạo đức trong Mặt trận dân tộc thống nhất và các đoàn thể chính trị - xã hội

          + Cán bộ, đảng viên của Mặt trận dân tộc phải thông suốt và thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời phải giải thích cho mọi người hiểu thật thấu và làm cho đúng; không được quan liêu, mệnh lệnh và gò ép nhân dân.

          + “Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng... công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí…và thực hành tiết kiệm”.

          + Hội Nông dân thì phải tổ chức nông dân thật chặt chẽ. Đoàn kết nông dân thật khăng khít. Huấn luyện nông dân thật giác ngộ.

          + Đoàn Thanh niên cần làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt khẩu hiệu “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”.

          + Hội Phụ nữ thực hiện các nhiệm vụ: thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới. Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Hăng hái tham gia chính quyền. Giúp đỡ bộ đội.

          Phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh

- phong cách lãnh đạo dân chủ, quần chúng và phong cách nêu gương

+ Phong cách lãnh đạo dân chủ, quần chúng

          Theo Hồ Chí Minh: có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo.  Cán bộ lãnh đạo không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới và nhân dân.

          Phong cách lãnh đạo dân chủ, quần chúng khiến cho cấp dưới và nhân dân cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc.

          Lãnh đạo là dìu dắt nhân dân. Cho nên, nếu xa nhân dân thì không đoàn kết, lãnh đạo được nhân dân.

          + Về phong cách lãnh đạo nêu gương

           Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là một phong cách lãnh đạo nhân văn và hiệu quả. Người chỉ rõ: “muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo.”

           Nói về tính hiệu quả của nêu gương Người chỉ rõ “ một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”

          - Phong cách tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và phong cách ứng xử chân thành.

          + Về phong cách tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

           Đây là phong cách lãnh đạo cơ bản nhất của chính quyền dân chủ. Việc xây dựng phong cách này nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất trong Đảng mà lại khắc phục được tình trạng “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”

          + Về phong cách ứng xử chân thành

           Theo Hồ Chí Minh, ứng xử với nhân dân phải: khiêm tốn, nhã nhặn, tôn trọng nhân dân. Chân tình, nồng hậu, tự nhiên với nhân dân như trong một đại gia đình. Xóa đi bức tường ngăn cách giữa cán bộ lãnh đạo với nhân dân. Từ đó, mới đoàn kết được toàn Đảng, toàn dân.

Nội dung vận dụng tư tưởng hồ chí minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị trong sach vững manh hiện nay

          Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực, nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

          - Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội.

          Trước những khó khăn, thách thức hiện nay, cần phải vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước ở cả trong nước và ngoài nước; tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

          Đại hội XII xác định: “lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc”.

          - Chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp xã hội nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

          Nghị quyết Đại hội lần thứ XII đã xác định:

          Đối với giai cấp công nhân: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân”.

          Đối với giai cấp nông dân: “Xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ”.

          Đối với đội ngũ trí thức: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có

chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo”.

          Đối với đội ngũ doanh nhân: “Xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao”.

         

          - Chính sách với đồng bào, các giới và lứa tuổi nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

          + Đối với thế hệ trẻ: “Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ”.

          + Đối với phụ nữ: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”.

          + Đối với đội ngũ cựu chiến binh: “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, đồng thời động viên cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống; tích cực tham gia giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ”

          + Đối với người cao tuổi: “Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc”.

          + Đối với đồng bào dân tộc ít người: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung”.

          + Đối với đồng bào tôn giáo: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”.

          + Đối với người Việt Nam ở nước ngoài: “Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu và của cả hệ thống chính trị về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

          - Mục đích: tăng cường sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

          - Yêu cầu: Các cấp ủy đảng và người đứng đầu tăng cường lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

          Thực hiện triệt để Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.

          Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

          - Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi, làm giàu hợp pháp.

          Tôn vinh người tốt, việc tốt; bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

          - Lên án, phê phán, đấu tranh chống tệ quan liêu, mất dân chủ, tham nhũng, lãng phí, những hành động coi thường kỷ luật, lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật.

          Đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở.

          - Phát huy quyền chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác vận động nhân dân phù hợp với đặc điểm từng giai tầng, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, ngành nghề ở địa phương.

          - Tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt quy định về giám sát và phản biện xã hội, chủ động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

          Tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp.

          - Tích cực phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tiến hành công tác dân vận.

          - Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

          - Các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tham gia tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

          - Trên cơ sở nhận rõ âm mưu thù, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung tư tưởng, chính trị và giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nhằm phát huy sức mạnh nội lực, tạo động lực cho công cuộc đổi mới đất nước của Đảng, của dân tộc.

          Hơn một nửa thế kỷ đã qua từ khi Bác đi xa, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn luôn đồng hành cùng Đảng, dân tộc và cách mạng Việt Nam; soi sáng, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân đạt nhiều thành tựu to lớn.

          Với tất cả lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người nhằm tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

0 nhận xét: