CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

CẦN RA SỨC HỌC TẬP, RÈN LUYỆN ĐỂ TIẾN BỘ VÀ TRƯỞNG THÀNH

 

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, mỗi quân nhân luôn không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt. Đó cũng là đặc trưng cơ bản được khái quát trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương (sau đây gọi là Nghị quyết 847) về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Phải khẳng định, Quân đội ta là một trường học lớn, ở đó quân nhân được học tập toàn diện để nâng cao trình độ mọi mặt. Người xưa dạy rằng “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trong môi trường quân sự, người chiến sĩ được chỉ dạy những điều nhỏ nhất như: Học sắp đặt nội vụ ngăn nắp, gọn gàng, học xưng hô, chào hỏi, đi đứng cho đúng lễ tiết, tác phong, học giao tiếp, ứng xử để giải quyết các mối quan hệ công tác... Khi vào huấn luyện, bộ đội được học tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ...

Như vậy, có thể thấy rằng, quân nhân được quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện toàn diện cả về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, kỹ năng sống để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bất kể ở đâu, khi nào, việc học tập cũng được coi trọng dù trong sinh hoạt đời thường hay khi huấn luyện, công tác; dù trong chiến đấu hay giữa thời bình. Nhờ có học tập mà bộ đội ngày càng tiến bộ, trưởng thành.

Từ những ngày mới thành lập với bao khó khăn chồng chất, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ đã hết sức coi trọng việc học tập, rèn luyện. Bởi là người chiến sĩ tiên phong thì phải có trình độ nhận thức, có kiến thức để tuyên truyền vận động nhân dân đi theo cách mạng, để đấu tranh với kẻ thù gian ác, nguy hiểm. “Giặc dốt” cũng là kẻ thù của cách mạng. Người chiến sĩ phải đi đầu trong diệt “giặc dốt”, xóa nạn mù chữ. Chính vì thế, học tập cũng là một nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cách mạng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với nhiệm vụ chiến đấu, bộ đội luôn tích cực học tập. Các lớp bồi dưỡng, tập huấn được mở ra ngay tại chiến khu. Các trường quân sự cũng được thành lập. Bộ đội từ chiến trường được về giảng đường học tập và từ nhà trường lại ra chiến trường chiến đấu. Nhờ vậy, cán bộ, chiến sĩ có điều kiện gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành để tiếp tục chiến đấu và giành chiến thắng.

Quân đội ta vinh dự được Bác Hồ quan tâm giáo dục, rèn luyện. Người căn dặn: “Toàn thể cán bộ và chiến sĩ phải ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hóa, cần phải nâng cao lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân, cần phải nắm vững đường lối quân sự của Đảng, ra sức rèn luyện kỹ thuật và chiến thuật, cần phải luôn nêu cao cảnh giác, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân”.

Lời căn dặn của Người chỉ rõ đối với bộ đội phải học tập toàn diện về chính trị, quân sự, văn hóa, phải rèn luyện cả về kỹ thuật và chiến thuật. Cán bộ, chiến sĩ trong quân đội học không chỉ để biết mà học để “làm việc, làm người, làm cán bộ” và mục đích cuối cùng đó là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Nhờ học tập, rèn luyện, nhiều thế hệ cán bộ trong quân đội đã trưởng thành, đóng góp trí tuệ vào sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trở về từ khói lửa chiến trường, nhiều người lính cầm súng ngày nào lại miệt mài cầm bút ngồi trên giảng đường. Cũng từ đây, nhiều đồng chí trở thành nhà khoa học, giảng viên, cán bộ, tiếp tục truyền thụ tri thức, đóng góp xây dựng quân đội, xây dựng các tổ chức dân, chính, đảng.

Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ đều được học tập rất cơ bản. Hệ thống các nhà trường trong quân đội được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa, thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Cán bộ các cấp được bổ nhiệm chức vụ đều qua đào tạo các cấp học tương ứng. Quá trình học tập được tổ chức trong hệ thống nhà trường quân đội và ở các đơn vị. Giáo viên là những người thầy đứng trên bục giảng, là đội ngũ cán bộ quản lý ở đơn vị. Bộ đội học trên giảng đường, ngoài thao trường và trong thực tiễn công tác tạo thành phong trào học tập sôi nổi trong toàn quân.

Các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học theo hướng toàn diện, đổi mới. Hàng loạt công trình khoa học, sáng kiến được nghiệm thu và triển khai có hiệu quả. Với tinh thần thi đua học tập, nghiên cứu, tuổi trẻ quân đội đẩy mạnh Phong trào “Thanh niên quân đội tiến quân vào khoa học và công nghệ”. Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội với nhiều công trình nghiên cứu đạt chất lượng tốt. Trong các hội thi, hội thao trong nước và quốc tế, quân đội luôn giành được thành tích cao. Mỗi công trình khoa học, giải thưởng là kết tinh trí tuệ, công sức, sự nỗ lực học tập, rèn luyện không ngừng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, mang lại lợi ích thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và dân sinh, đem vinh quang về cho Tổ quốc.

Tích cực học tập, rèn luyện vừa là nhu cầu tự thân vừa là đòi hỏi đối với mỗi quân nhân, bởi có học tập mới có tri thức, phương pháp tác phong công tác, không bị tụt hậu lỗi thời. Thế nhưng trong quá trình công tác vẫn còn quân nhân chưa thực sự ham học hỏi, cầu tiến bộ, có biểu hiện thỏa mãn, cầm chừng, ngại học, ngại rèn. Nghị quyết 847 đã thẳng thắn chỉ ra biểu hiện “Coi thường lý luận, xa rời thực tiễn, lười học tập, rèn luyện, thích tự do, vô kỷ luật”. Vì không tích cực học tập, không cập nhật thông tin dẫn đến thiếu hiểu biết, có nhận thức lệch lạc, nảy sinh tư tưởng tiêu cực, hành động sai trái, vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước. Lười học tập, ngại rèn luyện là những căn nguyên dẫn đến suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, đánh mất những giá trị phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ.

Hoạt động quân sự mang tính đặc thù cao. Do vậy nhiệm vụ học tập để trang bị cho bộ đội có kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo tương ứng với từng chức trách, nhiệm vụ nhất định, hình thành lý tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của quân nhân cách mạng, có thế giới quan khoa học, linh hoạt nhạy bén, năng động, sáng tạo thích ứng trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào. Trước yêu cầu hiện đại hóa quân đội, bộ đội càng phải thi đua học tập để có đủ trình độ, tri thức tiên tiến. Hiện nay, quân nhân có điều kiện tiếp thu nhiều kiến thức mới với cách thức tiếp cận hiện đại. Đặc biệt, khi internet phát triển, bộ đội dễ dàng tìm hiểu, nắm bắt được nhiều thông tin phong phú về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Đó là nguồn tri thức hỗ trợ tích cực cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ toàn diện.

Để việc học trở thành nhu cầu tự thân của mỗi quân nhân, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho mỗi quân nhân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, rèn luyện, khơi dậy tinh thần tự học, tự rèn, khả năng sáng tạo để thỏa mãn nhu cầu nhận thức và yêu cầu công tác. Quá trình học tập của bộ đội chịu tác động của cả hệ thống giáo dục-đào tạo từ nhà trường đến đơn vị, từ giảng viên đến cán bộ quản lý. Do đó, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới nội dung, hình thức học tập luôn được đặt ra đối với các học viện, nhà trường và đơn vị. Bên cạnh đó, công tác quản lý giáo dục, cơ sở vật chất bảo đảm cũng phải được cải tiến nhằm tạo ra môi trường giáo dục thuận lợi, giúp cho việc dạy và học đạt hiệu quả cao.

Tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt và kiến thức chuyên môn vừa là đặc trưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cũng là yêu cầu đặt ra đối với mỗi quân nhân phải luôn tự học, tự rèn để có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp trí tuệ, sức lực xây dựng quân đội vững mạnh, hiện đại./.

CĐT-H4

0 nhận xét: