CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

LỜI BÁC HỒ DẠY NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 1965

 


“… Muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự...”.

Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nội dung trả lời phỏng vấn nhà báo Phêlích Gơrin (nhà báo người Anh), ngày 18 tháng 11 năm 1965, để giải thích về lập trường của Việt Nam trước đề nghị thương lượng của phía Mỹ; Báo Nhân dân đăng trên số 4266, ngày 09 tháng 12 năm 1965.

Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam buộc phải đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược cũng chỉ với khát khao đất nước được độc lập, nhân dân được sống trong hòa bình, tự do. Từ khát vọng cháy bỏng đó mà nhân dân Việt Nam đã không tiếc mồ hôi, nước mắt, máu xương của biết bao thế hệ cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, no ấm, hạnh phúc của mình. Lời khẳng định “... Muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự...” của Bác như là một chân lý, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc. Đó không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là một giá trị to lớn trong học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh. Đó là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc.

Thấu triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh về giá trị to lớn của hòa bình và điều kiện tiên quyết để có được hòa bình thực sự, Đảng ta chủ trương phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là lợi ích cao nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các thuận lợi từ bên ngoài, kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, vừa hợp tác vừa đấu tranh, gia tăng hợp tác, tránh xung đột đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc... Đối với Quân đội ta, phải trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thường xuyên nắm chắc tình hình, đánh giá chính xác, tham mưu sắc bén cho Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ,. Ngành Trung ương, các lực lượng và các địa phương chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Ngày 18-11-1939, Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Hồ Quang trở lại Quý Dương (Trung Quốc), một lần nữa tìm cách liên hệ với các đồng chí từ trong nước sang và tìm đường trở về Tổ quốc.

Ngày 18-11-1942, trên đường bị giải từ Nam Ninh tới huyện Vũ Minh (Trung Quốc), Hồ Chí Minh làm bài thơ “Giải vãng Vũ Minh” (Giải đi Vũ Minh - bản dịch của Văn Trực và Văn Phụng):

“Đã giải đến Nam Ninh,

Lại giải về Vũ Minh;

Giải đi quanh quẹo mãi,

Kéo dài cả hành trình.

Bất bình!”.

Khoảng giữa tháng 11-1943, để thâm nhập vào phong trào người Việt ở hải ngoại nhằm ứng phó với ý đồ “Hoa quân nhập Việt”, lại được Tư lệnh Đệ tứ Chiến khu của Trung Quốc Trương Phát Khuê ủng hộ, Hồ Chí Minh nhận chức Phó Chủ tịch của Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội do Nguyễn Hải Thần đứng đầu.

Ngày 18-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Nam Trung bộ và Tây Nguyên vừa ra Thủ đô và bày tỏ mối quan tâm của Chính phủ đối với miền Trung và cao nguyên. Cùng ngày, Bác gặp đại diện của Pháp để tìm giải pháp tháo gỡ những căng thẳng đang có nguy cơ bùng nổ chiến tranh.

Tháng 11-1950, nhân dịp nhà báo Lêô Phighe (Leo Fiueres), đại diện Đảng Cộng sản Pháp sang thăm vùng kháng chiến trở về nước, Bác viết “Thư gửi các bà mẹ và vợ Pháp có con và chồng chết trận ở Việt Nam” thông báo chủ trương nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với phần mộ của những binh sĩ Pháp chết trận tại Việt Nam là “chúng tôi tự coi có bổn phận thiêng liêng phải giữ gìn nguyên vẹn để sau này, khi chiến tranh chấm dứt, các bà có thể mang hài cốt của chồng con mình về quê cha đất tổ” và “mong rằng có thể làm dịu nhiều những nỗi đau khổ của các bà”.

Ngày 18-11-1954, trả lời phỏng vấn của báo Pháp “Regards” (Nhìn Xem) Bác khẳng định quan điểm “muốn lập lại quan hệ với Pháp về kinh tế, văn hóa nhưng bình đẳng, hai bên cùng có lợi và thân thiện”.

Ngày 18-11-1965, Bác tiếp hai vợ chồng nhà báo Anh Phêlích Gơrin để giải thích lập trường của Việt Nam trước đề nghị thương lượng của phía Mỹ và khẳng định lập trường: “Nhân dân Việt Nam rất muốn có hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự... Luận điệu cho rằng miền Nam của Tổ quốc chúng tôi là “một nước láng giềng” riêng biệt với miền Bắc là một luận điệu gian trá. Cũng như nói rằng những bang ở phía Nam là một nước riêng biệt với những bang phía Bắc của Hoa Kỳ... Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Là đồng bào ruột thịt, nhân dân miền Bắc nhất định hết lòng hết sức ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước, chống Mỹ của đồng bào miền Nam, cũng như nhân dân miền Nam hết lòng hết sức đấu tranh để góp phần bảo vệ miền Bắc của Tổ quốc mình... Cuộc chiến tranh xâm lược đó cũng đã bôi nhọ thanh danh nước Mỹ, xứ sở của Oasinhtơn và Linhcôn. Tôi muốn nói với nhân dân Mỹ ý chí của toàn dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu chống bọn xâm lược Mỹ cho đến thắng lợi hoàn toàn. Nhưng đối với nhân dân Mỹ, chúng tôi tăng cường quan hệ hữu nghị”.

Cùng ngày, Bác cũng gửi thư cho hai nhân vật nổi tiếng là Bác sĩ Bengiamin Xpớc và Xtiuớt Hiugơ, Chủ tịch “Ủy ban Oasinhtơn đấu tranh cho một chính sách nguyên tử lành mạnh” để cảm ơn các lực lượng tiến bộ Mỹ tích cực đấu tranh chống chiến tranh và ủng hộ nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

N.X.C-H1