Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh diễn ra trong bối cảnh phức tạp, vừa có thuận lợi, vừa không ít khó khăn.
VỀ THUẬN LỢI
Một là, tăng trưởng kinh tế
trong những năm qua đã thể hiện rõ nét những thành tựu đổi mới, nâng cao đáng
kể chất lượng đời sống nhân dân. Những thành quả của tăng trưởng kinh tế và
công bằng xã hội đã khẳng định đường lối xây dựng và phát triển đất nước theo
định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng đắn. Thực tiễn lịch sử phát triển của nhân
loại đã cho thấy, không có con đường nào chỉ có thuận lợi mà không có khó khăn,
hay nói cách khác - không bao giờ có con đường chỉ đầy hoa hồng. Chính vì vậy,
không thể vì những khó khăn trước mắt mà hoài nghi con đường chân chính - đi
lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, nhân dân Việt Nam đã chọn.
Hai là, chính trị, xã hội ổn
định, dân trí ngày càng cao, các quyền tự do, dân chủ ngày càng được thực hành
rộng rãi trong xã hội. Những giá trị này hoàn toàn phù hợp với lý tưởng của
Mác, với tâm nguyện của Hồ Chí Minh. Coi trọng tự do và dân chủ, quá trình dân
chủ hóa trong Đảng và dân chủ hóa trong xã hội chính là thành công của tất cả
cán bộ, đảng viên, của mọi người dân Việt Nam. Đây là nền tảng để có được sự ổn
định của đất nước, đại đoàn kết dân tộc, là tiền đề để thực hiện tiến bộ và
công bằng xã hội.
Ba là, nhân dân Việt Nam có lòng
yêu nước nồng nàn, thiết tha quan tâm đến tình hình đất nước. Khác với một số
xã hội người dân có thể lãnh cảm với chính trị, chỉ quan tâm đến cá nhân mà
không quan tâm đến cái chung thì ngược lại, ở Việt Nam trên nhiều phương diện,
tinh thần trách nhiệm xã hội của người dân rất cao. Người dân không chỉ biết
đến quyền lợi, mà còn thấu hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của mình; không
chỉ biết đến cá nhân mà còn biết đến cộng đồng, đến cái chung; không chỉ quan
tâm đến bản thân mình mà còn quan tâm đến người nghèo, người yếu thế trong xã
hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ nghĩa nhân đạo của Mác - Lênin và Hồ
Chí Minh.
Bốn là, quá trình hội nhập quốc
tế mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội mới, biết được nhiều kinh nghiệm quốc tế,
học được từ nhiều tấm gương của thế giới, tiếp xúc với các hệ giá trị, các tinh
hoa văn hóa nhân loại, qua đó vươn lên để khẳng định vị thế Việt Nam. Việt Nam
là một quốc gia đa dạng văn hóa, rộng mở, bao dung, truyền thống này rất thích
hợp với yêu cầu hội nhập của xã hội hiện đại. Chủ nghĩa Mác - Lênin ăn sâu bám
rễ được ở Việt Nam, hòa quyện với văn hóa Việt Nam chính nhờ tinh thần bao dung
này.
NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC
Một là, niềm tin của dân đối với
Đảng, đối với chế độ có sự giảm sút. Nguyên nhân trực tiếp của thách thức trên
chính là tệ nạn nhóm lợi ích, tham nhũng. Đặc biệt là “tình trạng suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn;
tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên
có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ
không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng
công ty... Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo
của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với
Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(1).
Hai là, đã xuất hiện hiện tượng
một bộ phận đảng viên, cán bộ và quần chúng nhân dân lơi là, thậm chí coi
thường việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Xuất hiện khuynh hướng đề cao,
tuyệt đối hóa tăng trưởng kinh tế, ít chú ý đến củng cố nền tảng tư tưởng. Tính
chiến đấu về mặt tư tưởng chưa được đề cao. Xuất hiện tâm lý ngại đấu tranh
trên phương diện tư tưởng, lý luận. Một số người coi thường lý luận, chỉ quan
tâm đến thực tiễn mà không hiểu rằng lý luận và thực tiễn gắn bó chặt chẽ với
nhau không thể tách rời.
Ba là, sự tấn công của các thế
lực thù địch và phản động ngày càng tinh vi hơn. Trước đây, các thế lực thù
địch và phản động thường xuyên tạc, phủ nhận trực tiếp nền tảng tư tưởng của
Đảng, hoặc tấn công cá nhân, bôi nhọ đời tư các nhà kinh điển và các lãnh tụ
thì trong thời gian qua, bên cạnh các phương thức cũ, chúng tấn công về mặt lý
luận ngày càng nhiều hơn. Ngày càng có nhiều bài viết dài, sâu, đứng trên lập
trường, cách tiếp cận phương Tây, trái ngược với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ở một mức độ tinh vi hơn, nhiều lý thuyết được
dịch, truyền bá vào Việt Nam nhằm pha loãng hoặc nhằm dần thay thế cho hệ tư
tưởng chính thống.
Một số kẻ cơ hội chính trị hết
lời ca ngợi chủ nghĩa xã hội dân chủ và chủ nghĩa dân chủ xã hội, cho rằng chủ
nghĩa xã hội không nhất thiết phải đạt được thông qua đấu tranh giai cấp và
cách mạng vô sản. Một số người đã phản bác khái niệm nhà nước xã hội chủ nghĩa,
phản đối chuyên chính vô sản; phê phán những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác
- Lênin, như chủ nghĩa duy vật lịch sử, lý luận giá trị thặng dư,... Một số
khác lại cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống chưa hoàn chỉnh, các lý
luận về mặt triết học, kinh tế, chính trị, xã hội còn nhiều điểm lạc hậu. Tất
cả mưu toan thâm hiểm và tinh vi đó của các thế lực thù địch và phản động cần
phải bị bóc trần và đấu tranh ngăn chặn.
NHỮNG GIẢI PHÁP CƠ BẢN ĐỂ BẢO VỆ
NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRONG BỐI CẢNH MỚI
Một là, dùng thực tiễn để bảo vệ
lý luận, lấy thành tựu đổi mới, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân
làm chỗ dựa vững chắc cho tư tưởng.
Bản chất của chủ nghĩa Mác -
Lênin chính là thực tiễn như Mác đã từng nói “Các nhà triết học đã chỉ giải
thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”(2).
Không một lý thuyết nào có thể đứng vững nếu lý thuyết đó không giúp làm thay
đổi thực tiễn theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Cũng như vậy, với tư cách là nền
tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, trong điều kiện mới của đất nước,
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng ngày càng được khẳng định bằng
chính thực tiễn sinh động của Việt Nam.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh nghiên
cứu, học tập, giáo dục và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh.
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh không phải là một thứ tín ngưỡng hay giáo điều cứng nhắc, mà là một
học thuyết mang tính mở, sáng tạo, gắn liền với sự phát triển của thực tiễn,
hay nói cách khác, là thế giới quan và phương pháp luận khoa học. Muốn bảo vệ
một cách đúng nghĩa nhất phải thực sự sử dụng vũ khí tư tưởng của chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải phát huy sức mạnh thế giới quan và phương
pháp luận của nền tảng tư tưởng trong hoạt động thực tiễn, nghĩa là phải có ích
cho việc phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề của thực tiễn Việt Nam. Chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải được nuôi dưỡng, bổ sung và phát triển
bằng thực tiễn cuộc sống. Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
chính là để vận dụng vào chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Nói cách khác, thực tiễn
hằng ngày chính là nguồn sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
do đó, tách rời thực tiễn đất nước khỏi nền tảng tư tưởng vừa khiến chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở nên giáo điều, vừa làm chậm quá trình
phát triển bền vững của đất nước.
Ba là, phê phán nền tảng tư
tưởng của thế lực thù địch và phản động.
Nhiều nhà tư tưởng phương Tây,
từ các góc độ của mình đã tập trung phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều
khía cạnh khác nhau.
Bên cạnh việc thảo luận học
thuật, chống lại các luận điệu sai trái, thù địch, việc chống lại các nền tảng
tư tưởng của các luận điệu sai trái đó, đấu tranh với các hệ tư tưởng thấm đẫm
trong các trào lưu chính trị cũng là một việc làm hết sức quan trọng. Để bảo vệ
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần quan tâm và đấu tranh
với các hình thức cực đoan của các loại chủ nghĩa khác, như chủ nghĩa tự do
mới, chủ nghĩa dân tộc dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đế quốc,... Cụ thể,
chủ nghĩa tự do mới phản đối sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, cực
đoan hóa vai trò của thị trường tự do, quá thiên về chủ nghĩa cá nhân; chủ
nghĩa dân tộc dân túy cực đoan hoá chủ nghĩa dân tộc, đe dọa đến hòa bình và
thịnh vượng chung…
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh vốn được đúc kết từ tinh hoa trí tuệ dân tộc và nhân loại, vì vậy
phải được sử dụng để đối thoại với các trào lưu tư tưởng tiến bộ hiện nay, để
hấp thụ, chuyển hóa và sử dụng những giá trị hợp lý phục vụ cho dân tộc và cộng
đồng.
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh không tách rời kho tàng trí tuệ nhân loại, không quay lưng với thế
giới, không “một mình một kiểu”. Chủ nghĩa Mác - Lênin không xa lạ với những
giá trị của thế giới phương Tây đương đại, như tôn trọng nhân phẩm, tôn trọng
tự do, bình đẳng, dân chủ, bác ái, bao dung,... vì những giá trị này cũng chính
là những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Chúng ta không nên chỉ tập trung
vào những điểm khác biệt của chủ nghĩa Mác - Lênin so với các học thuyết khác
mà còn phải nhìn thấy những điểm tương đồng, dù cho cách tiếp cận có thể khác
nhau. Có như vậy, chúng ta mới có thể xuất phát từ cao độ của chủ nghĩa Mác -
Lênin để lý giải các học thuyết khác, phê phán và tiếp thu các học thuyết ấy
nhằm làm phong phú thêm cho hệ tư tưởng mácxít và giải quyết tốt hơn những vấn
đề do thực tiễn đặt ra./.
Danh dự trên hết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét