CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐẤU TRANH PHÒNG NGỪA CHỦ NGHĨA DÂN TUÝ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 

Chủ nghĩa dân túy (Populism) bắt đầu xuất hiện trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế những năm giữa thế kỷ XIX ở Pháp. Có nhiều cách hiểu khác nhau về chủ nghĩa dân tuý, tùy theo góc độ tiếp cận và bối cảnh thể hiện ngôn ngữ, hay hành vi, hành động của chủ thể. Chủ nghĩa dân tuý là một trào lưu tư tưởng, đường lối chính trị mang tính mị dân, tác động vào tâm lý của đám đông để tổ chức kêu gọi, lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận, quần chúng nhân dân phục vụ mục đích chính trị của cá nhân và tổ chức chính trị.

Ở Việt Nam chưa thể gọi là “chủ nghĩa dân túy” như ở nước Nga cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hoặc một số nước châu Âu, Mỹ Latinh, vì ở Việt Nam không có cơ sở kinh tế, chính trị - xã hội để Dân túy tồn tại dưới dạng một “chủ nghĩa”. Chúng ta đều biết, Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự bảo đảm của thể chế chính trị XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, những biểu hiện dân túy vẫn có điều kiện để xuất hiện, tồn tại. Như: Tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi ly khai, tự trị; tình trạng dân chủ tự do kiểu phương Tây của một phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất; sự xa rời, vô cảm với quần chúng, sẵn sàng “trục lợi" từ quần chúng, khiến một bộ phận quần chúng suy giảm niềm tin với Đảng; tình trạng “tự diễn biến", “tự chuyển hóa", “lợi ích nhóm"; tình trạng bè phái, cục bộ địa phương, tư tưởng vùng, miền; những phát ngôn và hành động của số phần tử cơ hội, chống đối chính trị mang tính “mị dân trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các diễn đàn, các trang mạng xã hội… 

(Ảnh: Internet)

Những biểu hiện của “Chủ nghĩa dân túy” ở Việt Nam tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, có nguy cơ tác động đến sự lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Do đó, để đấu tranh phòng ngừa chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, phải nhận diện và cảnh giác với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trong đời sống chính trị Việt Nam. Trên thực tế đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên. Những phát ngôn, lời nói và hành động mang tính dân túy đã nhất thời lấy được lòng dân, họ hứa hẹn về quyền lợi cho số đông, thổi bùng ý niệm về sự xung đột lợi ích giữa các nhóm đa số và thiểu số.

Hai là, hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của cơ quan nhà nước; giảm mạnh, bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đề cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ. 

Ba là, thực hiện chủ động, linh hoạt và sáng tạo chiến lược đối ngoại trong hội nhập quốc tế, với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc theo phương châm “hội nhập là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi”. Hoạt động đối ngoại phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, chủ động và mềm dẻo để Việt Nam không bị cô lập với thế giới, không bị lệ thuộc vào thế giới và cũng không bị tác động tiêu cực bởi “chủ nghĩa dân túy”.

Bốn là, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ ta, là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Năm là, phải tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân thấy rõ những biểu hiện, nguy cơ và tác hại của chủ nghĩa dân túy.

Đấu tranh ngăn ngừa và chống chủ nghĩa dân túy xâm nhập là một quá trình bền bỉ, dài lâu, gắn bó mật thiết với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, là một phần rất quan trọng của đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng. Phải kiên trì làm công tác tư tưởng, đề cao sự phòng ngừa. Điều này đòi hỏi sự tất yếu và cấp bách phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự vào cuộc của báo chí, truyền thông và sự tham gia tích cực của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân./.

NTC-H4

0 nhận xét: