CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

GIÁO DỤC, BỒI DƯỠNG THẾ HỆ CÁCH MẠNG CHO ĐỜI SAU, TRƯỚC HẾT LÀ PHẢI PHẢI GIÁO DỤC, BỒI DƯỠNG LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG

 

Đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Theo Hồ Chí Minh, nếu thanh niên sống có lý tưởng cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thì gặp khó khăn gian khổ đến đâu, họ cũng không sợ sệt, nản chí, khi gặp thuận lợi sẽ không kiêu căng, thỏa mãn. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn kiên định mục tiêu đã chọn.

 Theo Hồ Chí Minh lý tưởng cách mạng cần bồi dưỡng cho thế hệ trẻ chính là mục tiêu, lý tưởng của đảng.

Người yêu cầu: “người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả mình là phấn đấu cho tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”[1]. Đây cũng là lý tưởng cách mạng cao đẹp mà Hồ Chí Minh muốn bồi dưỡng cho thanh niên.

Để có lý tưởng cách mạng cao đẹp ấy, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải giáo dục truyền thống yêu nước và lịch sử dân tộc Việt Nam. Người cho rằng, đó là truyền thống quý báu của dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn nhấn chìm lũ bán nước và lũ cướp nước. Từ lòng yêu nước mà bao thế hệ người Việt Nam đã không ngại hy sinh để giành, giữ nền độc lập. Giáo dục lịch sử dân tộc sẽ giúp cho thế hệ trẻ hiểu lịch sử, tự hào về dân tộc mình. Qua đó, sẽ khơi dậy trong thế hệ trẻ chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, mà theo Hồ Chí Minh, đó là động lực to lớn của các dân tộc đang đấu tranh đòi độc lập.

Để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ còn phải giáo dục cho thế hệ trẻ nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều này sẽ giúp cho thế hệ trẻ thấy được phải đi theo con đường cách mạng vô sản, phải phấn đấu đi tới CNXH, CNCS và mới có thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Hồ Chí Minh nói: “Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết về trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”[2].

- Giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ cách mạng đời sau.

Từ vai trò đó, Hồ Chí Minh cho rằng giáo dục đạo đức cách mạng, là nội dung không thể thiếu trong bồi dưỡng thế hệ trẻ. Nói chuyện với cán bộ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (21/10/1964), Người chỉ rõ: Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng.  

Nội dung giáo dục đạo đức cách mạng đối với thế hệ trẻ được Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện, sâu sắc, phản ánh rõ mối quan hệ giữa thế hệ trẻ với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Theo Người, đạo đức cách mạng của thế hệ trẻ có thể tóm tắt trong mấy điểm:

Trung thành: trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.

Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”.

Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ.

Đó là những phẩm chất cụ thể, cơ bản nhất mà Hồ Chí Minh yêu cầu phải giáo dục cho thế hệ trẻ, không hề mâu thuẫn với những phẩm chất đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

NXĐ - H4



[1] HCM, TT, Nxb CTQG, H.2011, tập 14, tr.467

[2]  HCMTT, Nxb CTQG, H.2011, tập 9, tr.292

0 nhận xét: