Lúc sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò
của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Người cho rằng, họ là mùa
xuân của đất nước. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người
luôn dành tình cảm đặc biệt cho thế hệ trẻ cũng như việc bồi dưỡng, giáo dục,
rèn luyện thế hệ trẻ, nói cách khác là thế hệ cách mạng cho đời sau với phương
châm “Học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với xã hội”.
Học đi đôi với hành là học tập phải gắn liền với thực hành. Theo
Người, học phải suy nghĩ học phải liên hệ với thực tế phải có thí nghiệm và thực
hành học với hành phải kết hợp với nhau.
Giáo dục gắn liền với xã hội, nghĩa là nền giáo dục đó phải
gắn với nhiệm vụ đất nước trong từng giai đoạn lịch sử; sự nghiệp giáo dục ấy
phải nhằm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của
Nhà nước.
Ngày 31/8/1960, trong Thư gửi các cán bộ giáo dục, học
sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa, Người nhắc nhở: Giáo
dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất
và đời sống của nhân dân.
Giáo dục gắn liền với xã hội là giáo dục phải liên hệ chặt
chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội. Qua rèn luyện thực tiễn trải qua khó
khăn gian khổ thử thách sẽ rèn luyện cho thế hệ trẻ bản lĩnh kiên cường.
Tháng 9/1945, trong Thư gửi các học sinh, Hồ Chí
Minh chỉ ra: Đối riêng với các em lớn,…Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước,
đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đã đến tuổi phải gánh
công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia
vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sỹ và để
giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước.
Với các em nhỏ, Người khuyên: Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành
một đội, giúp nhau học hành. Khi học rảnh, mỗi tuần mấy lần cả đội đem nhau đi
giúp đồng bào.
Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một nội
dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây chính là cơ sở, là những định
hướng quan trọng đối với công tác giáo dục rèn luyện, bồi dưỡng thanh thiếu
niên của Đảng ta. Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chăm lo bồi dưỡng
thế hệ cách mạng cho đời sau là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với
công cuộc đổi mới đất nước, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét