CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI- SỰ LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC TA


Vào những năm đầu của thế kỷ XX, nước ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước và giải phóng dân tộc. Chính trong điều kiện đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, Người tìm thấy cơ sở lý luận chắc chắn cho con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Đó là con đường cách mạng vô sản. Người khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức: "Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn". "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". Tư tưởng đó đã được Đảng ta khẳng định, được cả dân tộc hưởng ứng và đi theo. Đó là sự lựa chọn của lịch sử Việt Nam, của toàn dân tộc Việt Nam.

Sự lựa chọn này dựa trên cơ sở: Chỉ có chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sản mới triệt để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi ách áp bức bóc lột, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, đem lại vị trí làm chủ chân chính cho người lao động. Chủ nghĩa xã hội xóa bỏ triệt để chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, là nguồn gốc sinh ra tình trạng người bóc lột người, xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, cơ sở kinh tế đảm bảo cho nhân dân lao động thoát khỏi đói nghèo, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tạo điều kiện giải phóng và phát triển con người toàn diện. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Tính tất yếu của thời đại mới đã tạo khả năng và điều kiện để các dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội, đem lại những nhận thức mới trong quan niệm và giải pháp giải quyết vấn đề giải phóng dân tộc một cách triệt để.

Sức mạnh và thành tựu của chủ nghĩa xã hội, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đã thức tỉnh nhân loại, tạo khả năng đoàn kết các dân tộc để giữ gìn hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh huỷ diệt, buộc chủ nghĩa tư bản phải điều chỉnh chính sách có lợi cho người lao động; tạo khả năng hiện thực cho các nước lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội.

Trong hơn 7 thập kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã đạt thành tựu quan trọng: Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất với quy mô và trình độ hiện đại, đảm bảo ngày càng tốt hơn về vật chất và tinh thần của nhân dân. Từ một nước Nga nghèo nàn và lạc hậu, sau một thời gian xây dựng đã trở thành một cường quốc của thế giới, đạt được bước tiến lớn trong nghiên cứu khoa học, chinh phục vũ trụ, có tiềm lực quân sự và quốc phòng hùng mạnh… tạo điều kiện cho phong trào giải phóng dân tộc phát triển. Hàng trăm nước đã giành được độc lập dân tộc góp phần quyết định vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới và hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định tính đúng đắn của sự lựa chọn đó.

Nhưng lịch sử loài người đã không đi theo con đường thẳng tắp và phong trào cách mạng cũng không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm, thậm chí có những thất bại hoặc thoái trào. Nhưng quan trọng hơn là từ trong sai lầm, khuyết điểm đó, tìm ra những nguyên nhân, rút kinh nghiệm để đưa phong trào cách mạng tiến lên. Đó mới là một thái độ nghiêm túc, đúng mực.

Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân trực tiếp là Đảng Cộng sản phạm những sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức bắt đầu từ sự phản bội của người lãnh đạo chủ chốt; chủ nghĩa đế quốc can thiệp vừa tinh vi, vừa trắng trợn, thực hiện "diễn biến hòa bình" ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Sự đổ vỡ đó không có nghĩa là sự sụp đổ của học thuyết về chủ nghĩa xã hội, không phải là sự sụp đổ của phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới, bởi vì hiện nay một số nước xã hội chủ nghĩa vẫn đang tiếp tục đứng vững và phát triển. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã chỉ rõ: "Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là qui luật tiến hóa của lịch sử".

Qua nửa thế kỷ giành và giữ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc, đặc biệt là hơn 30 năm đổi mới, với hệ giá trị đó, Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng tiêu biểu bản lĩnh Việt Nam trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đã tỏ rõ tín độc lập tự chủ trong mọi đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại, đưa đời sống nhân dân lên ngày một cao hơn, đưa đất nước và dân tộc lên vị thế mới trong khu vực và trên thế giới.

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với Việt Nam không chỉ là mục tiêu, là nhu cầu, là cương lĩnh hành động, là ngọn cờ hiệu triệu, mà còn là động lực, là niềm tin sắt son của dân tộc Việt Nam ta. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới; là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.

Thế kỷ XXI mở đầu thiên niên kỷ thứ ba của một thế giới đầy biến động, cũng đồng thời mở ra một kỷ nguyên hội nhập, đua tranh gay gắt của cộng đồng quốc tế. Dù thời cuộc biến đổi xoay vần ra sao, dù phải đối mặt với xu thế toàn cầu hoá, thì hệ giá trị độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong ý thức và trong hành động vẫn là mục tiêu, lý tưởng, là quốc bảo phù hợp với xu thế thời đại; sẽ đưa nhân dân ta tiếp tục giành thêm nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đưa đất nước ta sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.

NXC-H1

 


0 nhận xét: