Báo chí là một sản phẩm có tính văn hóa do con người tạo ra, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục. Tác phẩm báo chí chứa đựng tri thức văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ tới công chúng.
Sự
phát triển của công nghệ và truyền thông mạng xã hội đang khiến nhiều nhà báo
đánh mất mình bởi phải chạy theo “trend” (xu hướng) trên thế giới ảo, hoặc quá ỷ
lại vào các công cụ kỹ thuật số. Đó là trăn trở của Nhà báo Hồ Quang Lợi,
nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại tọa đàm “Văn hóa báo
chí” do Liên chi hội nhà báo Báo Quân đội nhân dân tổ chức chiều 18/3 trong
khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023.
Thách
thức cho văn hóa báo chí.
Theo
nhà báo Hồ Quang Lợi, báo chí là một sản phẩm có tính văn hóa do con người tạo
ra, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục... Bản thân tác phẩm báo
chí chứa đựng tri thức văn hóa, thông điệp có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới
công chúng.
Nền
báo chí cách mạng Việt Nam dưới dự lãnh đạo của Đảng, luôn vững vàng về bản
lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng,
nhân văn, nỗ lực phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những phẩm chất
cao quý, kết tinh thành giá trị văn hóa luôn được giữ gìn, trao truyền, trở
thành niềm tự hào của những người làm báo cách mạng. “Chỉ khi mỗi cơ quan báo
chí, mỗi người làm báo có văn hóa thì mới ý thức được trách nhiệm xây dựng kế
hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những
sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa,” nhà
báo Hồ Quang Lợi cho hay.
Bên
cạnh những thành tựu to lớn của báo chí cách mạng trong hơn 95 năm qua, báo chí
Việt Nam đứng trước nhiều thử thách. Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục
đích, sa đà vào thông tin mặt trái xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục,
phản văn hóa; một số ít người làm báo vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức
nghề nghiệp, tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm...Theo
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, những tiêu cực trong hoạt động báo chí
liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp, một phạm trù quan trọng của văn
hóa. Khi nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc
theo đuổi những lợi ích cá nhân, gắn với việc vụ lợi là hành vi phản văn hóa, để
lại hình ảnh xấu.
“Cách
làm nghề như vậy không chỉ làm tổn thương danh dự của người làm báo chân chính,
làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí; nguy hại nhất là báo chí không còn
giữ được bản chất văn hóa lành mạnh, tiến bộ, ảnh hưởng không tốt đến công cuộc
xây dựng văn hóa và con người hiện nay,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng nhận
định.
Bàn
về vấn đề này, ông Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho rằng cuộc
cách mạng 4.0 cũng đang mang lại thách thức lớn cho người làm báo bởi nếu lạm dụng
công nghệ thì con người sẽ đánh mất bản thể, giá trị của mình, trí tuệ nhân tạo
không thể thay thế cảm xúc, tư duy, quan điểm của con người. “Báo chí có vai
trò quan trọng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm
thù địch. Đây là công việc đặc thù của các cơ quan báo chí. Tư tưởng là vấn đề
không bất biến mà luôn dao động, do đó chúng ta mới phải thường xuyên làm công
tác tư tưởng, mà trí tuệ nhân tạo chưa được trang bị kỹ năng này,” ông Lê Văn
Tòa nêu quan điểm.
Lan
tỏa giá trị nhân văn.
Phó
Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho
rằn văn hóa trong báo chí không phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng. Báo
chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích, hoạt động
theo pháp luật và có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả và với
chính nhân vật. Chỉ khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa sẽ ý
thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận
hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực,
lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.
Chia
sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đặng Thị Thu
Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng báo
chí không được xa rời giá trị nhân văn, nhân bản dù công nghệ có phát triển đến
đâu. “Ngày nay, công chúng nhanh nhạy trong việc nắm bắt các hiện tượng mới. Độc
giả có thể lên mạng xã hội đọc tin song họ vẫn trở về với kênh báo chí truyền
thống để kiểm chứng thông tin. Họ vẫn đặt niềm tin ở báo chí,” bà Đặng Thị Thu
Hương nói.
Do
đó, bên cạnh việc phụng sự công chúng thì báo chí có nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng
tư tưởng, giúp công chúng “trưởng thành” trên xa lộ thông tin. “Báo chí cần
nuôi dưỡng mầm nhân văn trong xã hội. Tưởng tượng rằng nếu con người trở nên lạnh
lùng như những cái máy thì những thông điệp tốt đẹp của báo chí sẽ không thể
lan tỏa,” bà Đặng Thị Thu Hương chia sẻ.
Với
chủ đề "Đoàn kết-Chuyên nghiệp-Văn hóa-Sáng tạo," Hội Báo toàn quốc
năm nay đã nhấn mạnh đến vai trò của yếu tố văn hóa trong báo chí, khẳng định tầm
quan trọng của việc xây dựng văn hoá báo chí trong các cơ quan báo chí và người
làm báo hiện đại. Tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí là yêu cầu
cấp thiết của thực tiễn. Làm tốt được điều này chính là nâng cao “sức đề kháng”
cho báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội, xây dựng nền
báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; là vũ khí sắc bén
của Đảng trên mặt trận tuyên truyền.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét