CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

CẢNH GIÁC VỚI CHỦ NGHĨA CƠ HỘI THEO TƯ TƯỞNG CỦA LÊ-NIN

  


Khi đề cập đến bản chất của Chủ nghĩa cơ hội Lênin đã viết “Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát, bao giờ nó cũng tìm con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau, nó tìm cách thỏa thuận với cả quan điểm này và quan điểm kia, vì nó quy những sự bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại”.

Phân tích về sự xuất hiện của chủ nghĩa cơ hội trong phong trào công nhân, theo Lênin  là khó tránh khỏi. Điều đó, trước hết bắt nguồn từ ảnh hưởng của khuynh hướng tư tưởng tiểu tư sản trong phong trào quần chúng công nhân. Giai cấp công nhân sống “sát nách” với giai cấp tiểu tư sản, nên dễ bị tác động gây ra sự phân hóa và một bộ phận trong số đó nhập vào giai cấp vô sản. Họ mang theo vào phong trào vô sản mọi thứ quan niệm “mê tín, thiển cận, hẹp hòi, lệch lạc có tính chất tiểu tư sản”. Do đó, “nếu phong trào quần chúng của công nhân có sinh ra một cánh tiểu tư sản và cơ hội chủ nghĩa trong phong trào thì đấy không phải là điều ngẫu nhiên, mà là một hiện tượng tất nhiên”. Mặt khác, sự phân hóa trong nội bộ giai cấp công nhân, tình trạng “tư sản hóa giai cấp công nhân”, sự xuất hiện “tầng lớp công nhân quý tộc” cũng là nguồn gốc của chủ nghĩa cơ hội. Chủ nghĩa cơ hội trong phong trào công nhân ở các nước tư bản tiên tiến thường bắt nguồn từ nguyên nhân này. Nguyên nhân của sự phân hóa đó theo Lênin là do giai cấp tư sản sử dụng một phần nhỏ trong số siêu lợi nhuận thu được để mua chuộc một số người thuộc tầng lớp trên của giai cấp vô sản, đảm bảo cho những người này trong thời bình có được một cuộc sống khá giả và từ đó khống chế những thủ lĩnh của tầng lớp đó phục vụ cho chúng. Về điều này, ngay từ thời C.Mac và P.Ăngghen, các ông cũng đã nói đến tình trạng “một giai cấp vô sản tư sản hóa”, một “tầng lớp quý tộc trong giai cấp công nhân”, hay một “thiểu số công nhân có đặc quyền”; đồng thời, các ông lên tiếng chỉ trích hiện tượng “các thủ lĩnh công nhân đã bán mình”, “các tổ chức công nhân bỉ ổi đã cam chịu sự lãnh đạo của những con người mà giai cấp tư sản đã mua chuộc được”…V.I.Lênin cũng chỉ ra những nguyên nhân khác dẫn đến sự xuất hiện của chủ nghĩa cơ hội như: một bộ phận trong giai cấp công nhân đã hiểu chủ nghĩa Marx một cách không có hệ thống, chưa thấm nhuần thế giới quan macxit, chưa đoạn tuyệt một cách dứt khoát với tất cả thế giới quan tư sản nói chung và thế giới quan dân chủ tư sản nói riêng. Và do vậy, họ luôn “nhảy từ một cực đoan bất lực này sang một cực đoan bất lực khác”.

Về thời điểm lịch sử, chủ nghĩa cơ hội thường phát triển mạnh nhất trong thời kỳ tương đối “bình yên”, khi không có những cuộc khủng hoảng cách mạng, khi cơ chế dân chủ tạo điều kiện cho tư sản hoạt động bình thường. Xét về bối cảnh của nước ta hiện nay, so với những tư tưởng của Lênin về sự xuất hiện của Chủ nghĩa cơ hội thì đang là thời điểm để Chủ nghĩa cơ hội nảy sinh. Vì vậy, để ngăn chặn sự hình thành và phát triển của Chủ nghĩa cơ hội đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tỉnh táo, cảnh giác. Các tổ chức Đảng phải thắt chặt kỷ cương, giữ vững nguyên tắc; tăng cường xây dựng Đảng, đặc biệt là trong công tác lý luận, công tác tổ chức cán bộ và công tác tư tưởng để làm cho những người có tư tưởng của Chủ nghĩa cơ hội không thể thực hiện mưu đồ của mình, góp phần giữ vững ổn định xã hội và phát triển đất nước.

                                                                                         NXT - H1

 

0 nhận xét: