CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

KHẮC PHỤC ẢNH HƯỞNG CỦA NHỮNG TƯ TƯỞNG CỰC ĐOAN, CƠ HỘI CHỦ NGHĨA VỀ VẤN ĐỀ BẢN CHẤT NHÀ NƯỚC

 


Vấn đề nhà nước vốn là vấn đề phức tạp, bởi lẽ nó đụng chạm trực tiếp tới lợi ích của các giai cấp. Các giai cấp bóc lột giữ địa vị thống trị không thể hoàn toàn vô tư trong việc lý giải vấn đề này. Họ luôn tìm cách che đậy, xuyên tạc nguồn gốc và bản chất thực sự của nhà nước nhằm biện hộ, bào chữa cho sự thống trị chính trị và những đặc quyền của mình.

Những học thuyết nhà nước xuất hiện trước khi chủ nghĩa Mác ra đời thường tuyên truyền tính chất thần bí, thần thánh và duy tâm về nhà nước. Ngày nay, các nhà tư tưởng tư sản xuyên tạc một cách tinh vi hơn, che đậy bản chất nhà nước một cách kín đáo hơn. Họ đã và đang ra sức tuyên truyền cho tính chất “xã hội thuần túy, siêu giai cấp” của nhà nước tư sản. Họ cho rằng, nhà nước tư sản hiện đại là nhà nước dân chủ nhất, là “nhà nước phúc lợi chung” thực hiện ngày càng đầy đủ ý chí của nhân dân, phục vụ những nhu cầu của xã hội, đảm bảo phúc lợi cho tất cả mọi người. Các nhà tư tưởng tư sản và cơ hội chủ nghĩa ra sức tuyên truyền về một nhà nước phi giai cấp. Họ cho rằng, nhà nước là cơ quan đứng trên mọi giai cấp, điều hòa lợi ích của các giai cấp. Chúng ta biết rằng, dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, hình thức nhà nước phổ biến là chế độ cộng hòa dân chủ tư sản. Nhà nước tồn tại dưới hình thức này thừa nhận quyền dân chủ của mọi công dân, tuyên bố quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Chế độ cộng hòa dân chủ - như V.I.Lênin đã chỉ ra “xét về phương diện phát triển của xã hội trên toàn thế giới, đều là một bước tiến rất lớn”. Song, mỗi khi nhà nước còn tồn tại trên cơ sở chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, thì quyền lợi thực sự vẫn nằm trong tay giai cấp tư sản. Khẳng định điều đó, Ph.Ănghen viết: “Người ta tưởng tượng là đã tiến được một bước táo bạo phi thường, nếu họ tự giải thoát khỏi lòng tôn sùng chế độ quân chủ thế tập và trở thành những người theo chế độ cộng hòa dân chủ. Nhưng thực ra, nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác, điều đó, trong chế độ cộng hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ”. Chế độ cộng hòa dân chủ là hình thức chính trị tiến bộ trong lịch sử phát triển nhà nước. Nhưng tán dương, ca tụng hình thức này dẫn đến mơ hồ, phủ nhận tính giai cấp của nhà nước, của chế độ dân chủ là là một sai lầm. Các học giả tư sản ra sức tuyên truyền về cái gọi là nhà nước phi giai cấp là nhằm mục đích che đậy bản chất thực sự của nhà nước tư sản và phủ nhận việc thiết lập nhà nước kiểu mới, nhà nước vô sản. 

Những quan điểm đó không những không phản ánh đúng đắn, khoa học mà ngược lại đó là những quan điểm bảo thủ, che đậy, xuyên tạc bản chất đích thực của nhà nước, làm cho vấn đề nhận thức về nhà nước vốn đã phức tạp, càng trở nên rắc rối hơn. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này thực sự nghiêm túc để hiểu đúng bản chất của nhà nước.

Nhà nước xuất hiện từ sự cần thiết phải kiềm chế sự đối lập giữa các giai cấp, là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, cho nên theo quy luật chung, nó là nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, của giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước mà giai cấp này có thể trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị và từ đó trở thành giai cấp thống trị mọi mặt của đời sống xã hội. Do đó, nhà nước về bản chất là quyền lực chính trị của giai cấp thống trị về mặt kinh tế nhằm duy trì trật tự xã hội hiện hành, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, trấn áp sự phản kháng của các giai cấp và các tầng lớp xã hội khác.

Như vậy, nhà nước nào về bản chất cũng là quyền lực chính trị của một giai cấp. Hay nói cách khác, nhà nước mang tính giai cấp. Điều đó không chỉ bắt nguồn từ mong muốn chủ quan, mà chủ yếu là do cơ sở kinh tế mà trên đó nhà nước tồn tại quy định. Nhà nước là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, của cách mạng xã hội, nhưng không phải giai cấp nào cũng có thể nắm được chính quyền nhà nước. Theo quy luật lịch sử, giai cấp nắm chính quyền nhà nước phải là giai cấp thống trị về kinh tế, do đó, cũng là giai cấp được xã hội thấy và “được thừa nhận là đại biểu chung của xã hội”. Trong thời cổ đại là giai cấp chủ nô, ở thời trung cổ là giai cấp quý tộc phong kiến, trong chủ nghĩa tư bản là giai cấp tư sản, và ngày nay là giai cấp vô sản.

Từ những vấn đề trên, đòi hỏi chúng ta phải đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác để có được nhận thức đúng đắn về vấn đề bản chất của nhà nước, tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ các thế lực thù địch./.

PTH-H2

0 nhận xét: