Cách đây 537 năm (1484 - 2021), vị Tiến sĩ triều Lê, Phụng trực đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, tại Quốc Tử giám, đã khẳng định vai trò của nhân tài trong việc hưng thịnh đất nước: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy, các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí”. Kế thừa và pháy huy truyền thống ấy lên tầm cao mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng tầm thành tư tưởng, thành nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài. Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài bắt nguồn từ tư tưởng trọng dân, tin dân, nêu cao vai trò làm chủ đất nước của nhân dân, là sự nối tiếp và phát triển quan niệm cầu hiền tài truyền thống trong điều kiện mới của đất nước. Theo Người, nhân tài là “người tài đức, có thể làm những việc ích nước lợi dân”. Điều đó có nghĩa là, một người được coi là nhân tài phải hội tụ đủ cả 2 yếu tố tài và đức, quan trọng hơn là tài và đức ấy phải hướng đến những việc làm ích nước, lợi dân. Người cho rằng: “Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”[1]. “Tài” ở đây chính là tài năng, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm để mỗi người có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất; người có tài là người đem hết tài năng của mình ra phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. Nếu người có tài mà chỉ biết chăm lo lợi ích cho riêng mình thì không những là kẻ vô dụng mà còn có hại cho xã hội. “Đức” là đạo đức, là lòng nhiệt tình, là những khát vọng hướng tới “chân, thiện, mĩ”; người có đức là người luôn cố gắng học tập nâng cao trình độ, rèn luyện bản thân để hoàn thành nhiệm vụ được giao, có tinh thần sẵn sàng nhường bước, ủng hộ những người tài năng hơn mình để họ ra gánh vác việc nước, việc dân. Nếu người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, chẳng khác gì ông Bụt ngồi trong chùa. Nhấn mạnh về “đức”, Hồ Chí Minh từng nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[2]. Với các quan điểm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tìm kiếm những người tài đức và động viên họ mang hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Cùng với việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân
tài, một vấn đề quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là việc sử
dụng nhân tài. Theo Người, nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu
chúng ta khéo léo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng
phát triển, càng thêm nhiều, sử dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người.
Trong bài viết “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân
dân” đăng trên báo Cứu quốc, số 58 ra ngày 04/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn
dặn: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe.
Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân
Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm
việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay
vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”[3]. Việc sử dụng
nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc,
chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc
họ phải phụ trách.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ trách
nhiệm của người lãnh đạo trong việc sử dụng nhân tài. Người cho rằng, lãnh đạo
khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng có thể hóa
ra tài nhỏ… Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm
được việc. Chớ vì bà con, bầu bạn mà kéo vào chức nọ chức kia. Chỉ vì sợ mất địa
vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Thực hành tốt điều này sẽ phát huy được
tối đa “tài” và “đức” của nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi để họ phụng sự Tổ
quốc và nhân dân. Người cho rằng, sử dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng
người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có
năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ
không lo gì thiếu cán bộ”[4]. Bởi vậy,
ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, trong lúc còn bộn bề
khó khăn, thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tìm người tài
để xây dựng đất nước và Người chính là tấm gương sáng cho việc tìm nhân tài và
trọng dụng nhân tài. Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều
lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài
càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”[5]. Người chủ
trương phải “tìm người tài đức”, bởi, một quốc gia, một đất nước không biết sử
dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà
nước trong xây dựng và kiến thiết nước nhà mà khuyết điểm đó trước hết là của
những người lãnh đạo Đảng và Chính phủ và chính Người cũng tự phê bình và nhận
khuyết điểm đó. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã tập hợp được
nhiều nhân sĩ, trí thức khác nhau về xuất thân, địa vị xã hội nhưng họ đều là
những trí thức có tâm huyết xây dựng nước Việt Nam mới như: cụ Huỳnh Thúc
Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe... trí thức Tây học có Trường
Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Trần
Huy Liệu, Đặng Thai Mai... Họ đều chung một ý chí, đó là đoàn kết dân tộc chung
tay góp sức xây dựng chế độ mới, bảo vệ độc lập dân tộc. Trong các giai đoạn
cách mạng sau này, Người đã thu phục được nhiều nhân sĩ, trí thức tài năng tham
gia và làm nên những thắng lợi vang dội của dân tộc trong các cuộc kháng chiến
trường kỳ.
Trong tình hình hiện nay, vận dụng sáng tạo tư tưởng
Hồ Chí Minh về sử dụng, trọng dụng nhân tài cần thực hiện tốt một số vấn đề
sau:
Một là, xác định người tài trước hết phải lấy
đạo đức là gốc, là nền tảng. Đó không phải là người chỉ biết gọi dạ bảo vâng, bảo
gì làm nấy, nói hay hơn làm. Xác định người tài năng là người được đào tạo bài
bản qua trường lớp, có kinh nghiệm thực tiễn, thực hiện công việc đạt kết quả,
có phẩm chất đạo có sức ảnh hưởng với tất cả mọi người, có khả năng tập hợp,
đoàn kết tập thể cùng suy nghĩ và đưa ra sáng kiến vì sự phát triển chung.
Hai là, có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho
những người tài. Để giữ được những người tài năng làm việc lâu dài và thúc đẩy
khả năng sáng tạo của họ thì phải được trả lương tương xứng, không thể cào bằng.
Muốn vậy thì phải thiết lập thước đo hiệu quả công việc, đánh giá một cách
khách quan, công bằng để người tài thấy được sự cống hiến, nỗ lực của họ được
ghi nhận.
Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách để phát hiện
nhân tài là vấn đề quan trọng, đồng thời phải có cơ chế để bảo vệ người tài, bảo
vệ những người dám đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm. Bên cạnh đó cũng cần kiên quyết đấu tranh có hiệu quả bệnh
công thần, ích kỷ, hẹp hòi, cục bộ, địa phương. Theo Hồ Chí Minh, những bệnh
nêu trên cản trở rất lớn và rất nguy hiểm đối với việc thu hút và trọng dụng
nhân tài, Người đã viết: “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa...
Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất
nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình”.
Nhân tài và trọng dụng nhân tài là một nội dung
quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển con
người Việt Nam mới. Đến nay, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực
tiễn. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng với sự cạnh
tranh ngày càng quyết liệt đang đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng chiến lược nhân
tài quốc gia, tạo thành chủ trương, cơ chế thống nhất để thu hút, trọng dụng, bồi
dưỡng và phát triển hiền tài. Hiền tài sẽ là những người cống hiến, vạch đường
đi để dân tộc ta tiếp tục giành những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Điều này đòi hỏi, các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương xuống
cơ sở tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh nói chung và tư tưởng của Người về trọng dụng hiền tài nói riêng, coi
trọng, thu hút, trọng dụng nhân tài, bố trí, sử dụng cán bộ phải “đúng người,
đúng việc, đúng vị trí”, cần loại bỏ tư tưởng bổ nhiệm cán bộ theo hình thức
thân - quen, “cục bộ địa phương”, “con ông cháu cha”, “một người làm quan
cả họ được nhờ” để lựa chọn hiền tài “đúng” góp công - sức, tâm - trí vào
sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước xã hội chủ
nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc
gia, HN 2002, tập 10, tr.145.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN 2002, tập
5, tr.186.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb
Chính trị Quốc gia, HN 2002, tập 4, tr.146.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc
gia, HN 2002, tập 4, tr.43.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc
gia, HN 2002, tập 4, tr.114.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét