Sĩ quan trẻ là những người năng động, nhạy bén với cái mới; song, kinh
nghiệm thực tiễn còn ít. Vì vậy, hoạt động thực tiễn của người sĩ quan trẻ ở đơn
vị cơ sở rất quan trọng, giúp cho họ bổ sung những kinh nghiệm, từng bước hoàn
thiện phẩm chất và năng lực của bản thân. Hoạt động thực tiễn của người sĩ quan
trẻ ở đơn vị cơ sở được biểu hiện tập trung ở quá trình lãnh đạo, chỉ huy, quản
lý, huấn luyện, giáo dục bộ đội thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện
kỷ luật, xây dựng nề nếp chính quy, tăng gia sản xuất bảo đảm đời sống và tiến
hành công tác đảng công tác chính trị.
Hoạt động thực tiễn có vai trò hết sức to lớn đối với việc nâng cao trình
độ, năng lực công tác của người sĩ quan trẻ. Thông qua hoạt động thực tiễn ở đơn
vị cơ sở giúp người sĩ quan trẻ kiểm nghiệm lại các tri thức đã được đào tạo;
qua đó từng bước bổ sung hệ thống tri thức đã được học ở nhà trường để vận dụng
vào giải quyết các công việc hàng ngày. Trong quá trình quản lý, chỉ huy, giáo
dục, huấn luyện bộ đội ở đơn vị cơ sở, người sĩ quan trẻ trực tiếp tiếp nhận những
thông tin, khái quát thành các tri thức mới về kinh nghiệm thực tiễn vô cùng
phong phú, sinh động. Trải qua mỗi thành công hoặc chưa thành công trong công tác
chỉ huy, quản lý bộ đội sẽ làm cho mỗi sĩ quan trẻ tự ý thức về kết quả hoạt động
của mình, tự điều chỉnh nhận thức, bổ sung những tri thức cần thiết, rút ra những
kinh nghiệm bổ ích để không ngừng phát triển tư duy và hành động sáng tạo. Đồng
thời thông qua hoạt động thực tiễn giúp cho người sĩ quan trẻ khắc phục được tình
trạng ngại khó khăn, do dự trước những tình huống, khó khăn, phức tạp, hình thành
tâm lý vững vàng, xây dựng, củng cố lòng tin vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ của
mình.
Thực tiễn là cơ sở, động lực thúc đẩy nhận thức, đặt ra nhu cầu tìm tòi phát triển nhận thức. Tuy nhiên, động lực đó
chỉ xuất hiện khi con người trực tiếp tham gia vào quá trình cải tạo hiện thực.
Hơn nữa thực tiễn thường phong phú, sinh động và phức tạp hơn lý luận đã khái
quát. Do đó những tri thức đã khái quát về lý luận và đặc điểm quá trình lãnh đạo,
chỉ huy, quản lý, giáo dục, huấn luyện bộ đội của người sĩ quan trẻ sẽ dần lạc
hậu so với sự phát triển của thực tiễn. Vì vậy để phản ánh đúng quá trình thực
hiện nhiệm vụ hàng ngày ở đơn vị cơ sở, người sĩ quan trẻ phải không ngừng tự
hoàn thiện vươn tới, bổ sung tri thức, bù đắp những thiếu hụt so với thực tiễn.
Trong tình hình hiện nay, để nâng cao trình độ, năng lực thông qua hoạt động
thực tiễn, người sĩ quan trẻ ở đơn vị cơ sở trước hết cần thực hiện tốt hai yêu
cầu cơ bản sau đây:
Một là, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả vận dụng lý luận vào thực
tiễn và đặc biệt chú trọng công tác tổng kết thực tiễn.
Tổng kết thực tiễn một cách khoa học là một hình thức cụ thể thực hiện sự
thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Nhờ thường xuyên tổng kết thực tiễn mà lý
luận không ngừng được bổ sung, phát triển. Ngược lại, nhờ lý luận phát triển mà
hoạt động của con người ngày càng tích cực tự giác, đạt chất lượng, hiệu quả
cao hơn. Vì vậy, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng kết thực
tiễn là một trong những yếu tố trực tiếp nâng cao trình độ năng lực của người sĩ
quan trẻ.
Quá trình tổng kết thực tiễn là quá trình người sĩ quan trẻ vận dụng chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của đảng, các tri
thức khoa học cần thiết phân tích các vấn đề xảy ra trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ, từ đó khái quát thành những kinh nghiệm và từ kinh nghiệm đó trở lại
phục vụ thực tiễn. Vì vậy, quá trình tổng kết thực tiễn vừa giúp người sĩ quan
trẻ phát triển tư duy biện chứng, vừa từng bước giải quyết các vướng mắc trong
hiện thực, phân biệt rõ thật, giả, đúng, sai, củng cố niềm tin vào khả năng hoàn
thành nhiệm vụ của mình.
Cũng cần thấy rằng, tổng kết thực tiễn là một quá trình khó khăn, phức tạp.
Đối với những sĩ quan mới ra trường việc này càng khó khăn hơn. Vì vậy, cấp uỷ Đảng,
người chỉ huy các cấp cần có kế hoạch khoa học và tổ chức chặt chẽ để nâng dần
từng bước kết quả tổng kết thực tiễn của sĩ quan trẻ.
Hai là, thường xuyên sâu sát bám nắm đơn vị, kịp thời phát hiện xử lý các
tình huống đồng thời phải có cách nhìn nhận, đánh giá đúng về bộ đội.
Cần phải thấy rằng có nhiều thuộc tính vốn là ưu điểm của người chiến sĩ
hôm nay nhưng nếu không được định hướng giáo dục chu đáo sẽ trở thành nhược điểm,
thành các yếu tố cản trở sự phát triển của họ như: tính thích khẳng định nên dễ
sinh chủ quan tự mãn; thích đề cao giá trị thực tế nên dễ sa vào chủ nghĩa thực
dụng; thích cái mới nên dễ nhầm lẫn với cái mới giả hiệu, thích tò mò nên dễ mắc
mưu các thế lực thù địch…
Khi đánh giá bộ đội người sĩ quan trẻ cần chống cả hai khuynh hướng: tuyệt
đối hoá mặt mạnh của chiến sĩ dẫn đến xem nhẹ vai trò quản lý, giáo dục của người
cán bộ hoặc tuyệt đối hoá mặt hạn chế dẫn đến không tin tưởng vào khả năng hoàn
thành nhiệm vụ của họ.
Rèn luyện trong thực tiễn là một biện pháp cơ bản nâng cao trình độ, năng
lực của người sĩ quan trẻ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội nhân
dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong giai đoạn
hiện nay, người sĩ quan trẻ phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, trong đó phải trú trọng rèn
luyện cả phẩm chất và lực ngang tầm nhiệm vụ đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy
“Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền
bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng
luyện càng trong”./.
NXT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét