CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ CÔNG HỮU VỀ TƯ LIỆU SẢN XUẤT CHỦ YẾU Ở NƯỚC TA HIỆN NAY - KHÔNG PHẢI LÀ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN THAM NHŨNG

 


          Tham nhũng là một hiện tượng khá phổ biến trong thế giới đương đại, gây ra nỗi bức xúc cho nhân dân các nước và tác hại về nhiều mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, đạo đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Đấu tranh chống tham nhũng là một vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng lại khá nhạy cảm và hết sức phức tạp.

          Theo Luật Phòng, chống tham nhũng vừa được Quốc hội nước ta thông qua, xác định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi”.

          Như vậy, tham nhũng không chỉ là phạm trù kinh tế mà còn là phạm trù chính trị, đạo đức. Có thể khái quát một số đặc trưng cơ bản của tham nhũng như sau: Chủ thể của hành vi tham nhũng là những người có chức, có quyền làm việc trong bộ máy công quyền; dấu hiệu tham nhũng là lợi dụng chức vụ và quyền lực giành lấy đặc quyền, đặc lợi; mục đích tham nhũng là vì lợi ích của cá nhân hoặc của một nhóm người; hậu quả tham nhũng là thất thoát tiền bạc, tài sản công, gây nhũng nhiễu nội bộ, chia rẽ, bè phái.

Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, đã có thời kỳ con người không biết đến tham nhũng. Có quan điểm cho rằng, tham nhũng là do lòng tham, là khuyết tật tự nhiên và mang tính bản năng, là một thuộc tính trong bản chất con người, là tất nhiên không thể loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Có quan điểm lại cho rằng chế độ công hữu là nguồn gốc đẻ ra tham nhũng.

Sự ra đời nhà nước trên cơ sở chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; gắn liền với  các tổ chức quyền lực, các cá nhân lợi dụng địa vị, quyền lực của tổ chức quyền lực để mưu cầu lợi riêng đã làm xuất hiện tham nhũng. Còn chế độ tư hữu, còn nhà nước thì còn cơ sở để phát sinh tham nhũng. Chủ nghĩa cộng sản dựa trên chế độ công hữu, ở đó không còn chế độ tư hữu, không còn giai cấp, không còn nhà nước, không còn tổ chức quyền lực thì sẽ không còn cơ sở cho tham nhũng tồn tại. Để đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả, cần xem xét nguồn gốc tham nhũng một cách toàn diện cả mặt kinh tế, mặt chính trị, đạo đức và mặt văn hoá, xã hội.

          Về mặt kinh tế: Nguyên nhân trực tiếp của tham nhũng là mưu cầu lợi ích riêng về vật chất và tinh thần của một cá nhân hoặc một bộ phận có quyền lực, nhưng nguồn gốc sâu xa bắt nguồn từ cơ sở kinh tế, gắn liền với nhà nước dựa trên cơ sở tư hữu về tư liệu sản xuất.

          Về mặt chính trị: Chế độ tư hữu là nguồn gốc sinh ra nhà nước, còn nhà nước là còn chế độ quyền lực, trước hết là quyền lực chính trị. Đây là nguyên nhân và là điều kiện phát sinh tham nhũng. Có thể khẳng định rằng, chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, nhà nước dựa trên chế độ đó và tham nhũng có mối quan hệ biện chứng, là vấn đề có tính quy luật trong xã hội có giai cấp đối kháng.

          Về đạo đức và văn hoá xã hội: Tham nhũng xảy ra ở nơi có quyền lực và người nắm quyền lực, khi mà quyền lực bị lạm dụng để thoả mãn lòng tham. Trong lịch sử phát triển của các xã hội chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, hình thức tham nhũng đã nhận được sự bảo trợ của ý thức hệ, của nhà nước, của tôn giáo, hoặc nó ẩn náu trong lớp vỏ văn hoá, đạo đức nào đó, khi ấy dường như hành vi tham nhũng được coi là một hiện tượng đạo đức tự nhiên hoặc tất nhiên. Bóc lột và tham nhũng trở thành tiêu chí đạo đức, văn hoá của các tập đoàn và cá nhân nắm quyền lực.

          Như vậy, nguồn gốc sâu xa của tham nhũng là từ cơ sở kinh tế, là chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Nhưng hành vi tham nhũng lại xuất hiện trong những điều kiện nhất định. Trên thực tế chỉ cần một số điều kiện sau đây là sẽ nảy sinh tham nhũng: 1. Một số người nắm giữ quyền lực, nhưng lạm dụng quyền lực (quyền lực này là do dân uỷ thác); 2. Người có quyền lực có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa ham muốn trục lợi thông qua quyền lực; 3. Tồn tại môi trường kinh tế không minh bạch, môi trường xã hội thiếu lành mạnh; 4. Những sơ hở của pháp luật, qui định và những yếu kém trong cơ chế giám sát, kiểm soát.

          Tóm lại, xét về bản chất chế độ công hữu không phải là nguồn gốc sinh ra tham nhũng. Tham nhũng xuất hiện khi có chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất, gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước và chế độ quyền lực. Ở nước ta, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhà nước là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, đó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, thực hiện quyền lực mà nhân dân giao cho. Nhưng do trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với đa hình thức sở hữu, chế độ công hữu chưa được xác lập triệt để; và do việc tổ chức, quản lý của Nhà nước có mặt chưa hoàn thiện, nên tham nhũng vẫn còn có mảnh đất tồn tại. Không thể vì có hiện tượng tham nhũng xảy ra ở khu vực kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước mà vội vàng cho rằng chế độ công hữu đẻ ra tham nhũng. Tuy vậy, muốn hạn chế, đẩy lùi tham nhũng phải tăng cường xây dựng Nhà nước, hoàn thiện cơ chế quản  lý kinh tế xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước thật sự là “công bộc” của dân, giữ vững ổn định chính trị và có thiết chế chống tham nhũng có hiệu quả theo đúng tư tưởng của Đảng: “tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta”.

Một thể chế chính trị, kinh tế - xã hội ổn định và dân chủ sẽ tạo ra khả năng ngăn ngừa, hạn chế tham nhũng. Một nhà nước trong sạch, nghiêm minh, kiên quyết chống tham nhũng, một đội ngũ công chức được giáo dục tốt về đạo đức và văn hoá, có cơ chế quản lý kiểm soát chặt chẽ, đồng thời có những giải pháp chống tham nhũng đồng bộ, có hiệu quả, huy động được sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp hạn chế và đẩy lùi tham nhũng.

 ĐXT-H3

1 nhận xét:

giữ trọn lời thề nói...

Nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do nhân dân, vì nhân dân!