CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

TƯ TƯỞNG KHOAN DUNG TÔN GIÁO CỦA HỒ CHÍ MINH - CƠ SỞ HÌNH THÀNH CHÍNH SÁCH TÔN TRỌNG QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO CỦA NGƯỜI DÂN

 

Tư tưởng khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh có những nội dung độc đáo, sáng tạo thể hiện sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân. 

 Trước hết, Hồ Chí Minh thừa nhận và tôn trọng những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo phù hợp với xã hội mới. Người thừa nhận, tôn giáo chân chính nào cũng có những nội dung mang tính nhân nghĩa, nhân văn, tôn giáo nào cũng có tính hướng thiện.

Thứ hai, Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ sự tương đồng tôn giáo với cách mạng, tạo nên sự đồng thuận của toàn dân tộc Việt Nam để thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, làm cho đồng bào tôn giáo có cuộc sống tốt đời đẹp đạo, “thong dong phần đạo, no ấm phần đời”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội và tôn giáo có những sự tương đồng lớn, khác biệt nhỏ. Xã hội XHCN cũng phù hợp với khát vọng, ước mơ của tín đồ các tôn giáo như ở cõi Niết bàn, chốn Tây phương cực lạc, thiên đường “nước Chúa ngàn năm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận định: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”. Đó chính là sự tương đồng giữa lý tưởng tôn giáo với mục tiêu, lý tưởng của cách mạng: đều mưu cầu hạnh phúc cho con người. Chỉ có cách mạng mới đem lại cơm no, áo ấm cho đồng bào, mới đảm bảo cho đồng bào tự do sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Nước độc lập thì tôn giáo mới được tự do. Bởi thế, “kính Chúa và yêu nước” phải kết hợp với nhau; “tốt đời, đẹp đạo” phải đi liền với nhau, không thể phân chia. Vì thế, đồng bào các tôn giáo cần phải và thực tế đã đoàn kết cùng toàn thể dân tộc kháng chiến, kiến quốc. Đây là yêu cầu cần phải có đối với mọi tín đồ Việt Nam chân chính, yêu nước. Tư tưởng khoan dung đó góp phần giải toả sự băn khoăn, mặc cảm của đồng bào tôn giáo; vô hiệu hoá luận điệu xuyên tạc của kẻ thù: cộng sản vô thần sẽ tiêu diệt tôn giáo, tôn giáo không thể sống chung với cộng sản.

Thứ ba, Hồ Chí Minh đã xây dựng và thực thi chính sách tôn giáo đúng đắn, mẫu mực, chân thành, hợp lòng dân và mang lại hiệu quả thiết thực.

Người luôn tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, quan tâm sâu sắc đến đời sống mọi mặt của giáo dân. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh sớm ban hành các văn bản pháp luật quy định đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của các tôn giáo. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị: “Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”.

Thứ tư, càng tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tôn giáo của đồng bào bao nhiêu, Hồ Chí Minh càng vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch và vô hiệu hoá sự lợi dụng đó, đồng thời cũng nghiêm khắc phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước bấy nhiêu.

Trước năm 1945, Người đã tố cáo sự cấu kết giữa giai cấp tư sản với Nhà thờ để bóc lột, áp bức nhân dân lao động, nhất là nhân dân các nước thuộc địa. Khi cách mạng thành công, đồng bào tôn giáo cũng trở thành người chủ chân chính của đất nước, họ vừa là công dân, vừa là tín đồ. Với tư cách công dân, đồng bào cần và phải làm tròn bổn phận công dân - tuân thủ pháp luật, đồng thời họ hoàn toàn được bảo đảm sinh hoạt theo pháp luật, không ai được ngăn cấm, vi phạm quyền sinh hoạt đó. Nếu đồng bào mắc mưu, bị lôi kéo, lừa gạt thì cần tuyên truyền cảm hóa, khoan hồng đại độ: “Tổ quốc, đồng bào và Chính phủ bao giờ cũng khoan hồng. Một khi các người đã trở về với Tổ quốc thì các người sẽ được hoan nghênh rộng rãi như những người con đi lạc mới về”. Còn những ai lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng cũng phải bị nghiêm trị, bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước. Đồng thời, Người cũng nghiêm khắc phê bình cán bộ do thiếu hiểu biết, có nơi đã “hành động lố lăng, phạm đến tín ngưỡng và quyền lợi của đồng bào tôn giáo”

Kế thừa những tư tưởng khoan dung tôn giáo của chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Thực tiễn ở Việt Nam hiện nay đã chứng minh tính đúng đắn của những chính sách đó./.

ĐBC-H2

0 nhận xét: