CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC NHỮNG LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI VỀ MỤC TIÊU XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

 

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam, trong đó mục tiêu phát triển văn hoá và con người là một trong những nội dung mà chúng tập trung chống phá. Do đó, việc nhận diện và đấu tranh bác bỏ các luận điệu sai trái về mục tiêu xây dựng CNXH ở Việt Nam từ góc nhìn phát triển văn hoá và con người là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Có nhiều quan niệm khác nhau về CNXH, nhưng theo nghĩa chung nhất, CNXH từ chỗ là một trào lưu tư tưởng đã trở thành một phong trào hiện thực, bắt đầu từ khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công. Đó là chế độ xã hội mới, dựa trên sự công bằng, tiến bộ về mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nhằm giải phóng triệt để con người khỏi áp bức, bóc lột bất công.

Chính nhờ kiên định con đường đi lên CNXH, mà cách mạng Việt Nam ngày càng thu được nhiều thắng lợi, tạo tiền đề để tiếp tục quá độ lên CNXH. Tuy vậy, lợi dụng vào Internet và mạng xã hội, trang blog của Dân làm báo đăng tải bài viết của blogger Nguyễn Dân với tiêu đề “Đường đi không đến” để đưa ra các thông tin mù mờ, với luận điệu phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta. Không chỉ vậy, một số facebooker, blogger khác cũng hùa vào công kích con đường đi lên CNXH, nhất là mục tiêu phát triển văn hoá và con người Việt Nam, họ lớn tiếng vu cáo Chính phủ Việt Nam đàn áp tự do, dân tộc, tôn giáo, vi phạm nhân quyền; cổ suý lối sống thực dụng, vô cảm;... Sự thật có đúng như họ tuyên truyền hay không?

Có thể khẳng định rằng, mục tiêu xây dựng văn hoá và con người Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác lập được dựa trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH là sự lựa chọn đúng đắn; đồng thời mục tiêu này còn xuất phát từ chính thực tiễn quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, theo Bác: Chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa là bốn vấn đề cần được coi trọng ngang nhau. Đến nay, quan điểm của Đảng ta về phát triển văn hóa và con người trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ngày càng hoàn chỉnh, được thể hiện sâu sắc trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khoá XI và trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Từ thực tiễn thực hiện mục tiêu phát triển văn hoá và con người ở Việt Nam qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, chúng ta thấy rằng thành tựu nổi bật của sự nghiệp phát triển văn hoá, con người Việt Nam được minh chứng thông qua các số liệu cụ thể về phát triển văn hoá, xã hội, con người đạt nhiều kết quả quan trọng: Nhận thức về văn hoá ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn; sản phẩm và loại hình văn hoá ngày càng đa dạng, phong phú; nhiều giá trị văn hoá được bảo tồn, phát huy cùng với những giá trị văn hoá mới, tiến bộ được xác lập; phát triển toàn diện con người luôn là trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; giảm nghèo bền vững, chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm cao của thế giới; hệ thống điện, đường, trường, trạm được quan tâm xây dựng; tỉ lệ người dân sử dụng Internet thuộc top cao nhất thế giới; quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng người yếu thế trong xã hội, người có công với cách mạng có chuyển biến rõ rệt; tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng tăng; bảo đảm và thực thi quyền con người, quyền công dân trên tất cả các mặt về quyền dân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội được coi trọng theo công pháp quốc tế.

Các thành tựu nói trên là minh chứng không thể phủ nhận về sự chuyển biến của việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân thông qua thực hiện mục tiêu phát triển văn hoá và con người của con đường quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam. Qua đó, chúng ta càng thấy rõ việc Đảng ta khẳng định nhất quán con đường quá độ đi lên CNXH là vấn đề tất yếu khách quan; là sự lựa chọn của lịch sử đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa của các dân tộc là con đường chung của thời đại, của lịch sử, không ai ngăn cản nổi”. Không chỉ vậy, những kết quả nói trên cùng với việc hoạch định đúng mục tiêu phát triển văn hoá và con người, đang tạo ra nguồn lực nội sinh to lớn của dân tộc, khẳng định uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Do đó, mọi luận điệu xuyên tạc về mục tiêu phát triển văn hoá và con người của con đường quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam đều phi lý, không có cơ sở khoa học và thực tiễn, hoàn toàn mang tính áp đặt, chủ quan và chỉ là mưu đồ đòi xoá bỏ chế độ XHCN mà Đảng, Nhà Nước và Nhân dân ta đã dày công xây dựng.

          Mục tiêu xây dựng CNXH ở Việt Nam từ góc nhìn phát triển văn hóa và con người vừa là thành quả, vừa là một nội dung cơ bản, xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là nội dung phản ánh tư duy lý luận khoa học, cách mạng và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong hơn 90 năm qua. Đồng thời mục tiêu này còn là con đường tất yếu của lịch sử, bởi nó phù hợp với quy luật vận động của cách mạng Việt Nam, đáp ứng khát vọng của nhân dân Việt Nam về cuộc sống trong hoà bình, độc lập, ấm no, tự do, hạnh phúc. Vì vậy, mọi luận điệu xuyên tạc mục tiêu xây dựng CNXH ở Việt Nam sẽ bị chính thực tiễn lịch sử của cách mạng nước ta phủ nhận./.

TĐC-TT

 

0 nhận xét: