Tại lễ kỷ
niệm quân đội ta tròn 20 tuổi, ngày 22 - 12 - 1964, Trong bài phát biểu
của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Quân đội ta trung với Đảng,
hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ
nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù
nào cũng đánh thắng"[1]. Đây không phải chỉ là
sự tuyên dương công trạng, khẳng định truyền thống tốt đẹp của quân đội ta, mà
còn là sự khái quát cao, rất súc tích của lãnh tụ Hồ Chí Minh về bản chất, mục
tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ta - một quân đội kiểu mới, quân đội của
giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam; đồng thời còn là sự giáo huấn
của Người đối với việc chăm lo xây dựng quân đội trong suốt quá trình cách mạng
Việt Nam. Phẩm chất trung - hiếu được Người đề cập song hành, gắn với việc thực
hiện mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội.
Quân đội nhân dân
Việt Nam (QĐNDVN) do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tổ chức, giáo dục và rèn
luyện. Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định sự trưởng
thành và chiến thắng của quân đội ta. Quân đội là công cụ bạo lực sắc bén của
Đảng trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu
độc lập dân tộc và CNXH, vì vậy vấn đề tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc
và nhân dân là phẩm chất quan trọng hàng đầu của quân đội ta. QĐNDVN là quân
đội kiểu mới, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc
sâu sắc, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng cộng sản
Việt Nam. Bản chất giai cấp của Đảng quy định bản chất giai cấp của quân đội;
mục tiêu, lý tưởng của Đảng quy định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội.
Mục tiêu, lý
tưởng của Đảng là độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, trung
với Đảng là phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng đó, là phục vụ đất nước,
phục vụ nhân đân. Như vậy, trung với Đảng bao hàm cả việc tuyệt đối trung thành
với quốc gia, dân tộc, với Tổ quốc và nhân dân. Phạm trù "trung với
Đảng" có nội hàm rộng lớn hơn nhiều và khác hẳn về bản chất so với phạm
trù "trung quân" - một giá trị trong xã hội phong kiến và với quân
đội do giai cấp tư sản tổ chức nhằm thực hiện đường lối đối nội, đối ngoại phản
động của nhà nước tư sản, đường lối chống lại nhân dân lao động trong nước và
thực hiện sự xâm lược, nô dịch các quốc gia, dân tộc khác.
Mọi sự cổ
súy cho cái gọi là "quân đội đứng ngoài chính trị", "quân đội
phi giai cấp" của các học giả tư sản chẳng phải là sự tranh luận khoa học
nào cả, mà chỉ là hành động dối lừa người khác mà thôi. Thực chất mũi nhọn
hướng tới của các quan điểm ấy là nhằm ''phi chính trị hoá'' quân đội của các
nước XHCN, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, làm cho quân
đội mất phương hướng và mục tiêu chiến đấu, vô hiệu hoá công cụ bạo lực sắc bén
này, làm cơ sở tiến tới thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN. Sự mất
phương hướng và mục tiêu chiến đấu của quân đội Liên Xô - một nguyên nhân dẫn
đến chế độ XHCN ở đó sụp đổ - là ví dụ sinh động còn nóng hổi tính thời sự minh
chứng cho âm mưu "phi chính trị hoá" quân đội các nước XHCN của các
thế lực phản động. Vì vậy, trong khi khẳng định phẩm chất quan trọng hàng đầu
của quân đội là trung với Đảng, thì đồng thời phải tích cực đấu tranh làm thất
bại âm mưu "phi chính trị hoá" quân đội ta của các thế lực thù địch.
Quân đội ta từ
nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, một quân đội của dân, do dân, vì dân.
Hiếu với dân cũng là phẩm chất quan trọng hàng đầu của QĐNDVN. Chủ tịch Hồ Chí
Minh nêu rõ: "Quân với dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi,
giúp đỡ lẫn nhau"[2], nhân dân là "nền
tảng", là "cha mẹ" của bộ đội. Trong quan hệ "cha mẹ - con
cháu", chữ hiếu bao giờ cũng là giá trị cao nhất, cơ bản nhất, xuyên suốt
của đạo con cháu. Tội lớn nhất của con cháu đối với cha mẹ là tội bất hiếu.
Phẩm chất hiếu với dân của quân đội ta không chỉ do quân đội được sinh ra và
lớn lên từ nhân dân, trong lòng nhân dân, mà còn được quy định bởi sự thống
nhất về mục tiêu, lý tưởng của nhân dân và quân đội. Ngoài lợi ích của Tổ quốc,
của nhân dân, quân đội không có mục đích tự thân nào khác. Bao trùm nhất của
lòng hiếu với dân của quân đội ta là "vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân
phục vụ", vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó vừa
là mục tiêu chiến đấu, vừa là phương châm hành động của tất cả cán bộ, chiến sĩ
quân đội.
Phẩm chất cao đẹp
hiếu với dân của quân đội ta nói lên tính chất nhân dân của quân đội cách mạng,
khác hẳn về chất so với quân đội làm công cụ cho giai cấp bóc lột, quân đội
đánh thuê của chủ nghĩa đế quốc đứng ngoài, thậm chí đối lập với nhân dân. Chỉ
có quân đội cách mạng mới có thể có đầy đủ nguồn sức mạnh từ nhân dân, nguồn
sức mạnh vô tận, không bao giờ cạn kiệt, bảo đảm sự trưởng thành và chiến thắng
của quân đội ta, thể hiện ưu thế hơn hẳn so với quân đội của chủ nghĩa đế quốc.
Chính vì vậy, tăng cường mối quan hệ quân - dân luôn luôn là yêu cầu cơ bản của
việc xây dựng QĐNDVN trong tất cả các giai đoạn cách mạng; đồng thời đó còn là
đòi hỏi của việc không ngừng củng cố, bồi đắp phẩm chất hiếu với dân của quân
đội. Hiếu với dân không chỉ biểu hiện ở những thành tích huy hoàng của quân đội
trong chiến đấu chống kẻ thù của đất nước, của nhân dân, mà còn biểu hiện ở
tình cảm "thương yêu dân", ở hành động giúp đỡ dân, bảo vệ dân, tuyên
truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với dân, không đụng đến
"cái kim, sợi chỉ" của nhân dân... được nhân dân yêu mến, tin tưởng,
"đi dân nhớ, ở dân thương".
Trung với Đảng,
hiếu với dân không hề mâu thuẫn mà là thống nhất với nhau; thước đo của lòng
trung thành với Đảng còn được biểu hiện ở sự hiếu với dân, đồng thời thước đo
hiếu với dân còn biểu hiện ở sự trung thành tuyệt đối với Đảng. Mối quan hệ
trung - hiếu này không thể tách rời trong bản chất của quân đội ta, đó vừa là
phẩm chất quan trọng hàng đầu, vừa là cội nguồn sức mạnh của QĐNDVN. Đúng như
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó
là một quân đội do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục"[3]. Trung với Đảng, hiếu
với dân không phải dừng lại ở phạm vi thái độ, tình cảm, mà điều quan trọng là
phải thể hiện ở hành động cách mạng cụ thể, ở sự "sẵn sàng chiến đấu hi
sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn
thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Do đó,
thước đo trung - hiếu của quân đội ta đối với Đảng, với nhân dân là ở việc quân
đội hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó ra sao, mức độ như thế
nào. Như thế, phạm trù trung - hiếu không phải là phạm trù chung chung trừu
tượng, mà luôn luôn có nội dung cụ thể, được thể hiện trong thực tiễn xây dựng,
chiến đấu và công tác của quân đội.
Nếu cán bộ, chiến
sỹ quân đội không hoàn thành tốt nhiệm vụ, sợ hy sinh, ngại khó khăn gian khổ,
không vượt qua được những thử thách khắc nghiệt trong chiến tranh cũng như
trong thời bình, những cám dỗ của đời thường, mà sao nhãng tay súng, mất cảnh
giác hoặc vi phạm kỷ luật... thì chưa thể nói số cán bộ, chiến sĩ ấy đã tận
trung với Đảng, tận hiếu với dân. Rõ ràng là, sự trung - hiếu của quân đội đối
với Đảng và nhân dân không phải chỉ ở sự trung - hiếu của một tổ chức thuộc lực
lượng vũ trang, mà sự trung - hiếu ấy phải thấm vào trong từng trái tim, khối
óc, trong tình cảm cách mạng của mọi quân nhân, ở sự giác ngộ sâu sắc mục tiêu,
lý tưởng chiến đấu của quân đội, ở hành động thực tiễn của mỗi cán bộ, chiến
sĩ trong thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Muốn hoàn
thành phận sự trung - hiếu ấy, phải xây dựng quân đội "thực sự là quân đội
cách mạng","quân đội vô địch", "Nhiệm vụ nào cũng hoàn
thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Lời cảnh
báo của V.I. Lênin khi Người cho rằng, một quân đội dù có trung thành bao
nhiêu, nhưng nó sẽ lập tức bị tiêu diệt nếu không được trang bị đầy đủ và huấn
luyện chu đáo, có nghĩa là nó không có đủ sức mạnh làm tròn bổn phận trung
thành của mình, càng có ý nghĩa đặc biệt đối với việc xây dựng quân đội ta
trong giai đoạn cách mạnh hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh:
"Trong công cuộc xây dựng và phát triển quân đội, chúng ta phải ra sức đẩy
mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta.
Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ
luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân
chính của nhân dân”[4], phải"săn
sóc", chăm lo đời sống vật chất - tinh thần cho bộ đội. Như vậy, trong khi
nhấn mạnh phẩm chất trung với Đảng, hiếu với dân của quân đội, thì đồng thời
phải xây dựng quân đội thực sự vững mạnh, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức
mạnh chiến đấu của quân đội. Mối quan hệ biện chứng này cần được quán triệt sâu
sắc và thực hiện một cách khoa học trong suốt quá trình xây dựng quân đội.
Hiện nay, chúng ta
thực hiện sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới
và trong nước có những biến động to lớn và sâu sắc. Sự phát triển mạnh mẽ của
cách mạnh khoa học - công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức, xu toàn cầu hoá kinh
tế; những diễn biến phức tạp, khó lường của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh
dân tộc, của tình hình chính trị, quân sự trên thế giới; sự chống phá quyết
liệt của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta; sự phát triển mới của
tình hình kinh tế - xã hội đất nước... làm cho nội dung, nhiệm vụ của sự nghiệp
bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có bước phát triển mới. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
XHCN là "Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền
văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định
chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ
cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[5]
Nội dung rộng lớn
và toàn diện của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN đã đặt ra nhiều vấn đề rất mới
đối với việc xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng
bước hiện đại nói chung, củng cố, bồi dưỡng phẩm chất trung với Đảng, hiếu với
dân cho quân đội nói riêng. Trong điều kiện mới, trước tác động sâu sắc của
tình hìnhvà nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải xây dựng quân đội đủ mạnh, đáp ứng mọi
yêu cầu của phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cả vũ trang và phi vũ trang,
vừa có khả năng ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của
các thế lực thù địch, đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh; vừa phải chiến thắng
địch trong điều kiện chiến tranh, cả chiến tranh thông thường và chiến tranh có
sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Đây là yêu cầu bức thiết, là nội dung cụ thể của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta trong giai đoạn cách mạng mới và còn là sự biểu hiện tập trung lòng trung - hiếu của quân đội đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Những vấn đề: tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; xây dựng quân đội về chính trị, làm cơ sở để xây dựng quân đội trên các mặt khác, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cuả quân đội; tăng cường bản chất giai cấp công nhân, giác ngộ sâu sắc mục tiêu lý tưởng chiến đấu; phát huy phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ"... là những vấn đề cốt lõi, những giải pháp cơ bản, đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ nhằm làm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân./. NXT-H1
[1]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 350
[2]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 351
[3]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 351
[4]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6 Nxb CTQG, H. 2011, tr. 171
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, tập1, Nxb. Chính trị quốc gia
Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.155 - 156.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét